Du lịch Ninh Thuận - Bài 1: Từng bước trở thành trọng điểm du lịch

17/01/2021 1235 0

Xác định rõ thế mạnh, nhận diện đúng khó khăn, thực hiện giải pháp phù hợp, Ninh Thuận đang đặt mục tiêu từng bước trở thành trọng điểm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á. 

Thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Ninh Thuận được biết đến là vùng đất có khí hậu “ít mưa, thừa nắng và gió”. Bờ biển trải dài với những dãy núi đâm ra biển tạo nên những vũng, vịnh có cát trắng, nắng vàng, nước biển xanh như ngọc. Không những thế, Ninh Thuận còn có hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa đa dạng, có những sản phẩm nông nghiệp đặc sắc được chắt lọc từ vùng đất nhiều nắng gió, trở thành những sản phẩm du lịch nông nghiệp hấp dẫn. 

Tuy nhiên, không chỉ có những lợi thế, du lịch Ninh Thuận cũng gặp một số khó khăn do điều kiện thời tiết hoặc yếu tố khách quan của một địa phương có vị trí cận kề nhiều điểm đến quen thuộc. Xác định rõ thế mạnh, nhận diện đúng khó khăn, thực hiện giải pháp phù hợp, Ninh Thuận đang đặt mục tiêu từng bước trở thành trọng điểm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á. 

Chú thích ảnh

Bãi san hô hóa thạch có tuổi đời hàng triệu năm ở Hang Rái, Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Bài 1: Từng bước trở thành trọng điểm du lịch

Với tầm nhìn chiến lược, tại Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận đã xác định phát triển du lịch theo hướng toàn diện để khai thác tiềm năng và lợi thế của tài nguyên biển, sinh thái, văn hóa và các loại hình dịch vụ du lịch. Tỉnh đặt mục tiêu từng bước trở thành trọng điểm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á với nhiều loại hình du lịch độc đáo mang chất lượng dịch vụ tốt nhất, sản phẩm du lịch đa dạng.

Đa dạng tiềm năng

Đề cập về tiềm năng của du lịch của địa phương, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết: Ninh Thuận là tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm trên giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là đường sắt Bắc - Nam, Quốc lộ 1A và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên. Ninh Thuận cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km, cách thành phố Nha Trang 105 km và cách thành phố Đà Lạt 110 km. Do đó, Ninh Thuận có vị trí địa lý quan trọng nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong chuỗi liên kết các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Ninh Thuận đồng thời còn là địa phương nổi tiếng với hệ thống Tháp Chăm và những danh lam thắng cảnh đẹp như biển Ninh Chữ, Bình Tiên, đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh, Cà Ná, đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná... Trong đó, vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là một trong 8 vịnh biển đẹp nhất Việt Nam và là một trong 9 vùng sinh quyển của thế giới. Ninh Thuận còn là miền đất phong phú về lịch sử, văn hóa, là điểm hội tụ của phong tục, truyền thống tộc người Chăm và Raglai, Chu Ru...

Chú thích ảnh

Cảnh đồng quê thanh bình tại vườn quốc gia Núi Chúa, điểm thu hút khách du lịch, các nhà khoa học tới tham quan, nghiên cứu, đặc biệt là những người yêu thiên nhiên muốn khám phá những bí ẩn của hệ sinh thái khô hạn đặc trưng nhất ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Chia sẻ thêm về nguồn tài nguyên du lịch nổi bật của địa phương, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận thông tin: Là miền đất hội tụ những phong tục, truyền thống đặc sắc của đồng bào Chăm và Raglai, du lịch Ninh Thuận nổi bật với quần thể tháp Po Klong Garai cổ kính ngay tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; làng nghề gốm Bàu Trúc ở huyện Ninh Phước - nơi giữ nguyên cách làm nghề theo lối cổ xưa của dân tộc Chăm; làng dệt thổ cẩm thủ công Mỹ Nghiệp cũng ở huyện Ninh Phước...
 
Tới Ninh Thuận, du khách còn có thể khám phá con đường ven biển để từ trên cao ngắm các vũng vịnh, bãi tắm liên hoàn suốt chiều dài bờ biển. Đến thời điểm này, con đường ven biển ở Ninh Thuận được đánh giá là đẹp và hoang sơ bậc nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, nét ẩm thực và văn hóa bản địa riêng có của đồng bào các dân tộc nơi đây cũng là những điều gây rất nhiều bất ngờ và thú vị dành cho du khách khi đến Ninh Thuận.

Chú thích ảnh

Biểu diễn diều nghệ thuật tại bãi biển Bình Sơn, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), trong tuần Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2019. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Ninh Thuận còn là địa phương có tài nguyên du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đặc sắc, khác biệt từ chính thế mạnh sản xuất nông nghiệp ở địa phương có khí hậu mà nhiều người cho rằng khá khắc nghiệt.

heo Phó Giáo sư Trần Xuân Lạc - nguyên giảng viên Trường Đại học Nông Lâm Huế: Từng đi nhiều nơi trên dải đất hình chữ S nhưng mỗi lần có dịp đến Ninh Thuận, ông không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp của biển, của rừng... Đặc biệt, ông thực sự khâm phục những người nông dân ở vùng đất ít mưa, thừa nắng đã năng động, cần cù canh tác những vườn nho trái chín mọng, ngọt lành, thực hiện thành công việc đưa các sản phẩm nông nghiệp tham gia vào chuỗi sản phẩm du lịch để vừa góp phần gia tăng giá trị cho nông sản vừa đa dạng sản phẩm du lịch, thu hút du khách dù trở lại Ninh Thuận nhiều lần vẫn luôn cảm thấy mới mẻ, thú vị.  

Một trong những ngành kinh tế động lực

Xác định rõ tiềm năng, lợi thế, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành nghị quyết về phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động và quy định cơ chế thu hút phát triển du lịch trọng điểm có đẳng cấp cao trên địa bàn tỉnh.

Với giải pháp đồng bộ, chọn hướng đầu tư theo trọng điểm, những năm gần đây, du lịch Ninh Thuận đã có bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế động lực, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của toàn tỉnh. Tốc độ phát triển du lịch của tỉnh có sự chuyển biến rõ nét, tăng trưởng vượt bậc; thu hút nhiều dự án đầu tư du lịch với quy mô lớn, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch ngày càng tăng về số lượng, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể. Các loại hình dịch vụ - vui chơi giải trí được các tổ chức và cá nhân quan tâm, đầu tư khá nhanh.

Theo số liệu mới nhất của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh hiện có 57 dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn 29,6 nghìn tỷ đồng, tập trung phát triển ở dải ven biển từ Bình Tiên đến Cà Ná, Vườn quốc gia Núi Chúa và Phước Bình, đô thị Phan Rang - Tháp Chàm, tạo ra nhiều diện mạo mới hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững trong tương lai.  

Dọc theo cung đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná tuyệt đẹp của tỉnh đang được rất nhiều nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm, năng lực, tầm cỡ trong lĩnh vực bất động sản du lịch, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... quan tâm nghiên cứu, đề xuất lập quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết đô thị du lịch; du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như: Công ty Cổ phần T&T, Công ty Mũi Dinh Ecopark, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Trường Thành. Trong đó, một số nhà đầu tư đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương, cho phép nghiên cứu khảo sát đề xuất quy hoạch. Gần đây nhất, các dự án quy hoạch kiến trúc tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort kết nối Công viên biển Bình Sơn, Khu du lịch Vịnh thuyền buồm Ninh Chữ Sailing Bay cùng Khu du lịch Tổng hợp  Ecopark Mũi Dinh đang triển khai thi công...

Chú thích ảnh

Điệu múa Apsara - nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận luôn thu hút sự quan tâm của du khách. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, du lịch Ninh Thuận trong những năm qua đã có những bước đi đột phá. Hoạt động du lịch trên địa bàn khá sôi động, phát triển nhanh, thu hẹp dần khoảng cách với các tỉnh lân cận và có đà phát triển mạnh; mang lại hiệu quả nhiều mặt, thu hút nhiều lao động, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo thêm nhiều chuỗi giá trị mới.

Giai đoạn 2016 - 2020, dù năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch của tỉnh vẫn đạt bình quân 16%/năm, doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân 17,7%/năm. Hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển nhanh đáp ứng được nhu cầu thị trường. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 179 cơ sở lưu trú du lịch với tương ứng 3.550 phòng, số phòng có chất lượng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 40%.

Nguồn: baotintuc.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu