Ninh Thuận đổi mới các sản phẩm du lịch để thu hút du khách

16/11/2022 811 0

Ninh Thuận đổi mới các sản phẩm du lịch để thu hút du khách

Giai đoạn 2022-2025, Ninh Thuận sẽ phát triển nhiều sản phẩm du lịch như nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, khám phá cát-muối, du lịch chăm sóc sức khỏe.

Khách du lịch chèo thuyền kayak khám phá Đầm Nại (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). (Ảnh: TTXVN phát)

Ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh đẩy mạnh đổi mới, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách.

Không chỉ liên kết, xâu chuỗi các điểm đến tiêu biểu để tạo ra những sản phẩm du lịch thế mạnh của địa phương như du lịch biển, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề... việc phát triển các sản phẩm du lịch mới luôn được các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch chú trọng.

Điển hình như mô hình du lịch tham quan làng bích họa Hòn Thiên gắn với các hoạt động du lịch sinh thái mới đặc sắc ở biển đầm Nại rộng hơn 1.200ha.

Anh Nguyễn Thái Lai (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) người xây dựng các mô hình du lịch trên chia sẻ, đến với làng bích họa Hòn Thiên, du khách được chiêm ngưỡng hơn 40 bức tranh tường, tranh 3D độc đáo giới thiệu phong cảnh thiên nhiên, nét đẹp văn hóa của làng biển và Ninh Thuận.

Đặc biệt, nhằm thu hút, giữ chân du khách, anh đã đầu tư hơn 10 chiếc kayak phục vụ du khách chèo xuồng ra đầm Nại khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn, chụp ảnh cánh đồng điện gió và ngắm hoàng hôn.

Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư tạo ra những sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc trưng vùng, miền cũng như chia sẻ và hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch của địa phương.

Du khách tìm hiểu sản phẩm gốm thủ công truyền thống nặn hoàn toàn bằng tay của đồng bào Chăm Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Để thu hút du khách với các sản phẩm du lịch mang tính chủ đạo và mới lạ, giai đoạn 2022-2025 Ninh Thuận sẽ phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chính: Nhóm 1 gồm 4 sản phẩm đặc thù đó là du lịch nghỉ dưỡng trải nghiệm biển, du lịch văn hóa di sản Chăm, du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa.

Nhóm 2 sẽ gồm 4 sản phẩm mới lạ là du lịch khám phá và vui chơi giải trí cát-muối (hai sản phẩm độc đáo của Ninh Thuận), du lịch săn bắn bán hoang dã, du lịch trải nghiệm đường sắt, du lịch điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Nhóm 3 sẽ gồm 4 sản phẩm bổ trợ gồm du lịch cộng đồng, du lịch vui chơi giải trí và ẩm thực, du lịch tham quan sản xuất năng lượng tái tạo, thương mại du lịch.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu thu hút 3,5 triệu lượt khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động toàn tỉnh.

Đến năm 2030, Ninh Thuận xác định du lịch là nền kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; phấn đấu đón 6 triệu lượt du khách, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 5.900 tỷ đồng, đóng góp 15% GRDP và giải quyết việc làm cho 20% lao động toàn tỉnh.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quy định hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có đăng ký hoạt động kinh doanh và kinh doanh du lịch với kinh phí thực hiện trên 21 tỷ đồng.

Tỉnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng điểm dừng chân phục vụ khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng (hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà sàn của đồng bào Raglai, nhà cổ của đồng bào Chăm để kinh doanh du lịch homestay, có quy mô phục vụ từ 10 khách trở lên); hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà vệ sinh, lắp đặt hệ thống thu gom rác thải, biển báo chỉ dẫn tại các thôn, địa điểm có hoạt động du lịch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ phát triển hoạt động, sản phẩm du lịch cộng đồng.

Tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đồng thời hỗ trợ duy trì, phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các khu, điểm du lịch cũng không ngừng đổi mới, sáng tạo, tích cực đầu tư cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ khách, hình thành các sản phẩm, dịch vụ mới gắn với nâng cao chất lượng phục vụ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, để kích cầu du lịch, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trực tiếp tại các sự kiện, hội chợ, lễ hội truyền thống trong tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian qua được tỉnh đẩy mạnh triển khai như: “Ngày Văn hóa, Du lịch Ninh Thuận năm 2022” tại Hà Nội, “Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022” tạo cơ hội để các đơn vị, tổ chức cá nhân tới tìm hiểu, gặp gỡ, chia sẻ về tiềm năng cơ hội phát triển du lịch với các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.

Ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận cũng khởi động các nội dung trong thỏa thuận liên kết phát triển du lịch đã ký kết giữa các tỉnh, thành phố lân cận như Lâm Đồng-Bình Thuận-Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Đồng thời, tỉnh phối hợp với các hãng hàng không, các công ty lữ hành quốc tế xây dựng phương án kết nối và tổ chức các chương trình du lịch mang tính chất trọn gói khép kín, an toàn đến địa phương.

Với lợi thế từ điều kiện tự nhiên đặc thù và tài nguyên đã mang lại các yếu tố thuận lợi cho phát triển du lịch của Ninh Thuận. Trong 10 tháng qua, lượng khách đến Ninh Thuận tăng mạnh, toàn tỉnh đón 2.253.800 lượt khách, tăng 98,5% so với cùng kỳ năm 2021, vượt 18,6% kế hoạch năm./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu