Những nghệ nhân “thổi hồn” cho đất tại làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận

10/08/2022 916 0

Những nghệ nhân “thổi hồn” cho đất tại làng gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận

Với nguyên liệu là đất sét, được lấy ở sông Quao, các nghệ nhân ở làng nghề gốm Bàu Trúc đã khéo léo tạo nên những tác phẩm để lại dấu ấn truyền thống đối với khách du lịch.

Làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) nổi tiếng là một trong những địa điểm du lịch ở Ninh Thuận hấp dẫn, nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tuyệt đẹp và kỹ thuật nung nấu đặc biệt, đỉnh cao, mang đậm bản sắc văn hóa Chăm.

Làng gốm Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 10km về phía Nam.

Là một trong số những ngôi làng cổ nhất ở Đông Nam Á, làng gốm Bàu Trúc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2017. Đồng thời, đây cũng là làng duy nhất làm gốm hoàn toàn bằng tay.

Cùng với làng dệt Mỹ Nghiệp, làng gốm Chăm Bàu Trúc cùng nằm trong chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của người Chăm trở thành điểm du lịch Ninh Thuận nổi tiếng.

Ngôi làng Bàu Trúc trước đây có tên gọi theo tiếng Chăm là Paley Hamu Trok, có nghĩa là Ma Tró hay “làng trũng” trong tiếng Việt, xưa là địa danh làng Vĩnh Thuận thời Minh Mạng năm 1832. Vào năm 1964, do một trận lụt lớn mà dân làng phải di dời về vùng đất có nhiều cây trúc bên cạnh một cái ao lớn. Từ đó người dân gọi là làng Bàu Trúc.

Theo lời kể của người dân sống tại đây, tổ nghề là ông Poklong Chanh, một vị quan thời vua PoKlong Garai trị vì xứ Panduranga (từ năm 1151-1205). Nghề gốm dưới thời vua PoKlong lúc bây giờ truyền dạy lại cho phụ nữ làng Chăm, thổi hồn vào đất sét vùng sông Quao, tạo ra những tác phẩm nở hoa và giữ lửa cho nghề gốm truyền thống suốt hơn nghìn năm nay. Trãi qua gần cả nghìn năm, bà con người Chăm vẫn giữ được nét truyền thống làm gốm cổ này đến hôm nay.

Nhiều tác phẩm độc đáo được trưng bày ở làng gốm.

Làng gốm Chăm Bàu Trúc có khoảng 400 hộ gia đình. Trong đó có trên 80% hộ gia đình vẫn tiếp tục theo nghề gốm. Ngay giữa trung tâm làng gốm là khu vực trưng bày với rất nhiều chủng loại khác nhau từ bình hoa, ấm nước cho đến nồi niêu, chum vại,… Đặc biệt ở đây có những tháp tượng mô phỏng vũ nữ Apsara độc đáo.

Không giống như một số làng nghề làm gốm khác, làng gốm Bàu Trúc đề cao phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc, không dùng bàn xoay để nặn gốm mà dùng hoàn toàn bằng tay.

Cô Hằng (50 tuổi) cho biết, cô đã theo nghề làm gốm này được 30 năm. Đến thời điểm hiện tại, cô là thế hệ cuối cùng còn lưu trữ lại nét truyền thống trong gia đình, các thành viên khác không có ai là theo nghề gốm.

Nghệ nhân Đàng Thị Hằng cho biết, du khách thường rất ấn tượng với cách làm gốm của người dân nơi đây. Họ thường dùng đôi bàn tay để nhào nặn cục đất sét và xoay người giật lùi theo từng đường vân xung quanh.

“Do đất sét vùng này có độ dẻo cao, nếu đặt lên bàn xoay của máy thì đất bị dính chặt và khi xoay đất sẽ bị trề xuống nên không thể chế tác ra sản phẩm như ý mình muốn được”, cô Hằng nói.

Gốm Bàu Trúc được làm từ đất sét sông Quao trộn với cát, đất nơi đây có độ mịn, dẻo lạ lùng và cát cũng rất mịn, hạt nhỏ li ti. Đất chỉ được lấy một năm một lần, mỗi lần kéo dài nửa tháng. Đất được lấy nhiều hay ít tùy vào khả năng của người lấy. Tới mùa lấy đất, hầu như mọi người đều đem đất về trữ sẵn tại nhà để dùng trong cả một năm.

Đầu tiên, những người thợ sau khi lấy đất sét nguyên liệu về phải phơi khô rồi đập nhỏ sau đó đem ủ qua đêm với một lượng nước vừa đủ. Sáng hôm sau đem đất sét đã ủ trộn với cát mịn theo tỉ lệ nhất định rồi nhào nặn thật nhuyễn trước khi tạo hình sản phẩm gốm.

Người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, thời gian để tạo hình gồm.

Người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn tạo hình gồm nặn hình: để tạo dáng gốm ban đầu, sau đó dùng “vòng quơ” chải quanh thân gốm; chà láng gốm: dùng “vải cuộn” thấm nước, quấn vào tay rồi chà láng mặt ngoài của gốm; trang trí hoa văn: dùng que cây, vỏ sò, hoa thực vật... để tạo hoa văn trên gốm, chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, bông hoa... có họa tiết đơn giản nhưng mang vẻ đẹp rất riêng.

Sau đó, người nghệ nhân sẽ đem gốm đi nung, các sản phẩm Gốm Bầu Trúc được nung ngoài trời, và phải phơi khô trước một ngày. Khi nung, củi được xếp thành hình chữ nhật (4mx3m) dày khoảng 0.2m-0.3m, phía trên người ta xếp úp 2-3 lớp gốm, phía dưới xếp những sản phẩm gốm lớn hơn. Tiếp đó toàn bộ phủ một lớp rơm rạ dày khoảng 0.2m, và bên trên là một lớp trấu mỏng.

Người thợ làng gốm chăm Bầu Trúc chỉ đốt lò vào buổi chiều ít gió hoặc gió nhẹ, và đốt theo chiều ngược gió. Thời gian nung khoảng 6 giờ đồng hồ, đến khi gốm chín tới thì dừng. Đáng chú ý, gốm Bàu Trúc không nung trong lò mà nung lộ thiên ngoài trời trong khoảng 6 giờ ở nhiệt độ từ 500 độ C trở lên. 

Hoa văn trên gốm Bàu Trúc phổ biến là những đường chạm khắc mang đậm nét văn hóa Chăm Pa như hình sông nước, chấm vỏ sò, hoa văn móng tay,… Nổi bật với màu sắc vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám xen lẫn những vệt nâu, gốm Bàu Trúc luôn thu hút du khách với nét khác biệt độc đáo.

Không chỉ trong nước, hiện nay, gốm Bàu Trúc được trưng bày tại California, Texas và Arizona thu hút đông đảo khách đến tham quan, tìm hiểu và mua hàng. Đặc biệt là các nhà sưu tầm, đam mê đồ gốm.

Nguồn: congluan.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu