Ninh Thuận tổ chức Lễ ký kết hợp tác với Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh
Chiều 16/8/2024, tại TP. Phan Rang- Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận và Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đã ttổ chức lễ ký kết hợp tác.
Quang cảnh buổi lễ (Ảnh: Nguyên Anh)
Tới dự buổi lễ:
Về phía tỉnh Ninh Thuận có: Ông Phạm Văn Hậu- Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ông Trần Quốc Nam- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc Hội, Chủ tịch UBND tỉnh; Ông Trịnh Minh Hoàng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; đại diện các viện, trường đóng trên địa bàn.
Về phía lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh có: TS. Bùi Ngọc Hùng- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Nguyễn Tất Toàn- Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường; các vị trong Ban Giám hiệu; các thành viên Hội đồng trường; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Ông Trần Quốc Nam- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu (Ảnh: Nguyên Anh)
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận:
Ninh Thuận là tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với các tỉnh Nam Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Nơi đây có nhiều tiềm năng phát triển về du lịch, năng lượng, nông nghiệp và cảng biển với nhiều lợi thế nổi trội và khác biệt, cụ thể: Ninh Thuận với diện tích tự nhiên khoảng 3.358 km2, có địa hình được bao bọc bởi các dãy núi vươn ra biển, tạo thành nhiều vịnh, bãi biển đẹp, biển Ninh Thuận nằm trong 18 vùng nước trồi của Thế giới; điều kiện khí hậu nhiệt đới tiểu khí hậu Tây Á; là một trong số ít tỉnh ở Việt Nam có 2 vườn Quốc gia, trong đó vườn quốc gia Núi Chúa vừa được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển Thế giới (là 1 trong 9 Di sản thiên nhiên của Thế giới); Vịnh Vĩnh Hy được xếp hạng là Danh lam thắng cảnh Quốc gia, là một trong 8 vịnh đẹp nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng là nơi sinh sống tập trung cộng đồng người Chăm nhiều nhất cả nước, với nhiều nét văn hoá, tín ngưỡng đặc sắc; trong đó, “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO công nhận và ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” vào ngày 29/11/2022.
Lễ ký kết hợp tác (Ảnh: Nguyên Anh)
Hiện nay, Quy hoạch, chiến lược tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1319/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, với tầm nhìn chiến lược về “Ninh Thuận - Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” sẽ tăng năng lực cạnh tranh nền kinh tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh tạo dư địa cho tăng trưởng. Quy hoạch xác định chọn 5 cụm ngành đột phá, gồm: (1) Năng lượng và năng lượng tái tạo; (2) Du lịch chất lượng cao; (3) Công nghiệp chế biến, chế tạo; (4) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; (5) Xây dựng và thị trường bất động sản.
Tỉnh Ninh Thuận là địa phương có xuất phát điểm thấp so với các tỉnh khác trong khu vực, vì vậy để theo kịp tiến trình phát triển của xã hội, Tỉnh ủy – UBND tỉnh xác định phải dựa vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên sâu trên từng lĩnh vực và ứng dụng khoa học công nghệ để làm bàn đạp phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, trong những năm qua, đặc biệt trong năm 2024, tỉnh đang triển khai ký kết hợp tác với nhiều trường Đại học trong cả nước.
Lễ trao văn bản đã ký kết (Ảnh: Nguyên Anh)
Đối với trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, sau gần 70 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là một trường đại học đa ngành, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn tốt và tư duy sáng tạo; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển, phổ biến, chuyển giao tri thức-công nghệ, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế-xã hội của Việt Nam và khu vực. Trường đã hỗ trợ tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ từ nhiều năm về trước, đặc biệt việc thành lập Phân hiệu Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận và sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận vào Phân hiệu Nông Lâm đã tạo nền tảng cho sự phát triển Phân hiệu Ninh Thuận thành một trung tâm nghiên cứu và đào tạo mạnh trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao vùng bán khô hạn, năng lượng tái tạo và văn hóa dân tộc Chăm, Raglai không chỉ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận, khu vực miền Trung mà còn cho cả nước và hướng đến quốc tế.
Tuy nhiên, sự hợp tác giữa tỉnh và Trường trong thời gian qua chưa được cụ thể hóa và chính thức hóa bằng văn bản, lễ ký hợp tác sẽ giúp mối quan hệ gắn kết giữa UBND tỉnh và Trường nâng lên một tầm cao mới của sự hợp tác bền vững, giúp tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn.
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao và trân trọng sự hợp tác của Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh trong việc phát triển mối quan hệ hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao; các vấn đề lý luận và thực tiễn trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế; Với những tiềm năng, lợi thế khác biệt, độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận tặng ảnh lưu niệm cho lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Nguyên Anh)
Thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận mong muốn Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh quan tâm, tạo điều kiện để Ninh Thuận phát triển mối quan hệ hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận. Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, khả năng của hai bên. Cụ thể, sẽ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo nhu cầu của địa phương; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức của tỉnh Ninh Thuận thuộc các lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu; phối hợp, tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận về các lĩnh vực trong đó có các lĩnh vực là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận.
Các vị lãnh đạo hai bên tham dự lễ ký kết chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: Nguyên Anh)
UBND tỉnh Ninh Thuận mong muốn Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh có lộ trình hỗ trợ xây dựng Phân hiệu Nông Lâm tại Ninh Thuận trở thành Phân hiệu mạnh khi hội đủ các điều kiện trở thành Trường Đại học Ninh Thuận trong tương lai theo tinh thần Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ và Tờ trình số 6234/TTr-BKHĐT ngày 05/8/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trường để cụ thể hóa, triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nội dung hợp tác được tỉnh và trường thống nhất ký kết.
Lễ ký kết đã mở ra một tầm cao mới cho sự hợp tác giữa hai bên và thành công tốt đẹp.
Nguồn: thuonghieucongluan.com.vn