Ninh Thuận vùng đất giao thoa của nhiều nền văn hóa

Ninh Thuận với dân số là 587.377 vào năm 2013, trong đó người Kinh chiếm đại đa số, tiếp theo là dân tộc Chăm, người Hoa, Raglai, K’ho và các sắc tộc khác. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa tạo ra một xã hội nhiều bản sắc, đa dạng về ngôn ngữ, ẩm thực và tín ngưỡng. Các di tích, làng nghề cũng đang được bảo tồn để thu hút du lịch, qua đó tạo điều kiện tham gia kinh tế cho các dân tộc thiểu số nhằm mục tiêu phát triển đời sống dân cư một cách đồng đều.

Hiện Ninh Thuận có 233 di tích được thống kê, phân loại gồm 46 đình, 11 đền, 85 chùa và 91 di tích khác, trong đó có 27 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, Ninh Thuận là một trong những địa bàn sinh sống của người Việt cổ. Các nhà khảo cổ đã phát hiện được ở Nhơn Hải của Ninh Thuận các mộ cổ chôn cùng với đồ đá, đồ sắt thuộc nền văn minh Sa Huỳnh cách đây khoảng 2500 năm. Do vậy nơi đây còn là nơi gìn giữ được nhiều di sản quý báu của nền văn hoá Chămpa, bao gồm chữ viết, dân ca và nghệ thuật múa, trang phục và nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc.

Ninh Thuận có gần như còn nguyên vẹn hệ thống tháp Chăm xây dựng trong nhiều thế kỷ trước, tiêu biểu là cụm tháp Hòa Lai (Ba Tháp) xây dựng thế kỷ thứ 9, cụm tháp Po Klong Garai xây dựng thế kỷ 13 và cụm tháp Po Rome xây dựng thế kỷ 17.

Ngoài các giá trị vật thể, văn hóa phi vật thể của người Chăm ở Ninh Thuận cũng phong phú với hơn 100 lễ hội diễn ra quanh năm, trong đó tiêu biểu phải kể đến là lễ hội Ka-tê tổ chức ở tháp Chăm vào tháng 7 lịch Chăm hàng năm. Đây là lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của người Chăm, phản ánh sinh hoạt của cộng đồng người địa phương.

Ninh Thuận nổi tiếng với những điệu múa Chăm. Múa thường gắn liền với các lễ hội như Rija Nưgar, Katê, Rija Praung… ở mỗi làng palei hay trên tháp. Đó là những dịp người Chăm thể hiện sự tưởng nhớ của mình đối với những người có công xây dựng đất nước, hay sự sùng bái một hoặc một vài vị vua được thần hóa. Đi kèm với múa là những nhạc cụ truyền thống như: trống Ginăng, trống Bara nưng, chiêng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi… nhưng phổ biến hơn cả vẫn là bộ ba Ginăng, Baranưng và Xaranai, trong đó chủ đạo vẫn là Ginăng, vì có âm thanh mạnh mẽ, hùng  hồn rất phù hợp trong dịp lễ hội cũng như phản ánh được tính cách của người Chăm.