Trong ba thập kỷ trải qua biết bao thăng trầm, khó khăn, thách thức, cũng như khi thuận lợi, nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương cùng với dòng chảy xuyên suốt trong tư duy và hành động của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận qua các thời kỳ là sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá cho sự phát triển, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân để tạo nên một Ninh Thuận có được vị thế như ngày hôm nay. Tiềm năng, lợi thế của tỉnh được nhận diện sâu kỹ hơn và khai thác có hiệu quả hơn. Các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch được tập trung chỉ đạo và từng bước được phát huy, tạo động lực tăng trưởng nhanh cho nền kinh tế của tỉnh, bảo đảm tính toàn diện và bền vững.
Công trình SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang tại phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đang trong giai đoạn thi công. Ảnh: T.Duy
Nổi bật, chúng ta đã khắc phục được tình trạng trì trệ về kinh tế- xã hội (KT-XH), đưa nền kinh tế đi vào thế ổn định, tăng trưởng nhanh. Qua chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển vượt bật, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP theo giá hiện hành) năm 2021 tăng gấp 69,6 lần năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước sau 30 năm đổi mới 7%, vùng miền Trung 8,05%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì ở mức tăng cao, tăng từ 33,3 tỷ đồng năm 1992 lên 4.343 tỷ đồng vào năm 2021, tăng trên 130 lần, bình quân tăng 19%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 67,8 tỷ đồng năm 1992 lên 29.920 tỷ đồng năm 2021, tăng 441 lần, bình quân tăng 23,4%. Đến cuối năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 68,4 triệu đồng/người gấp 49,9 lần so với năm 1992 (1,37 triệu đồng/người) rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước. Nếu như năm 1992 thuộc nhóm tỉnh thấp nhất cả nước, đến cuối năm 2020 bằng 73,9% trung bình cả nước và đứng thứ 31/63 so với cả nước; bằng 92,5% thu nhập bình quân vùng đứng thứ 8/14 đối với các tỉnh duyên hải miền Trung.
Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, phát huy lợi thế từng ngành, từng sản phẩm, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 15,8% năm 1992 lên 38,2% vào năm 2021; khu vực dịch vụ duy trì từ 29,4% lên 29,9% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 54,8% năm 1992 xuống còn 31,9% năm 2021. Đặc biệt, trong 3 năm 2019, 2020, 2021, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát, tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, chủ động từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy phát triển KT-XH. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng 3 năm qua luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành cao nhất cả nước (năm 2019 tăng 14,69% đứng thứ 4; năm 2020 tăng 10,02% đứng thứ 4; năm 2021 tăng 9% đứng thứ 4); tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Cảng biển tổng hợp Cà Ná được khởi công xây dựng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng trong những năm tới. Ảnh: Văn Nỷ
Diện mạo của tỉnh được thay đổi nhanh cả ở thành thị và nông thôn; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ, hình thành nhiều khu đô thị mới tạo không gian mới, diện mạo mới. Từ một tỉnh ban đầu chỉ có 1 thị xã, 3 huyện, đến nay, Ninh Thuận có 7 huyện, thành phố, trong đó Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã được công nhận đô thị loại II vào năm 2015; huyện Ninh Phước và Ninh Hải được công nhận huyện Nông thôn mới. Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Ninh Thuận đã có cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thuỷ lợi; hình thành và đang trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo và năng lượng sạch quốc gia; các khu, cụm công nghiệp đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét. Bên cạnh đó, từ “điểm trắng” du lịch, đến nay du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Vườn Quốc gia Núi Chúa được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới; Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định số 266/2022/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Ninh Chữ, tỉnh Ninh Thuận đến năm 2045. Theo đó, đây sẽ là khu du lịch quốc gia với trọng tâm là các hoạt động kinh tế du lịch khai thác các giá trị kinh tế biển, các giá trị sinh thái cảnh quan đa dạng, có tính đặc thù cao, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, đặc biệt là du lịch cho tỉnh Ninh Thuận, khu vực Nam Trung Bộ và quốc gia.
Cùng với thành tựu về kinh tế, trong 30 năm qua, chính sách chăm lo phát triển con người vẫn luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm với quan điểm người dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện; nếu như ngày đầu tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 28,1% thì đến nay giảm còn 4,56%. Văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm và tập trung nguồn lực đầu tư, nhiều học sinh đạt các thứ hạng cao tại các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Nhiều chỉ số về phúc lợi xã hội nổi trội so với mặt bằng chung của cả nước. Các chính sách cho người có công, chính sách an sinh và mạng lưới bảo trợ xã hội ngày càng được hoàn thiện, được thực hiện tốt, nhất là với những người yếu thế, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng bộ và chính quyền.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng-an ninh, đối ngoại của tỉnh đều đạt được những kết quả toàn diện. Những đổi mới mạnh mẽ trong công tác chính trị tư tưởng, tuyên truyền, vận động đã tạo nên sự thống nhất cao về ý chí và hành động. Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng được nâng lên, dân chủ trong Đảng và trong xã hội được phát huy. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được đổi mới, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 434 tổ chức cơ sở đảng với 20.832 đảng viên, tăng gấp 5,73 lần số đảng viên so với khi tái lập tỉnh. Bộ máy hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, dân chủ được phát huy, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm.
Những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Thuận đạt được rất đáng tự hào, là nền tảng vô cùng quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Kỷ niệm 30 năm ngày thành lập tỉnh, là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, bồi đắp thêm niềm tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, quốc phòng - an ninh, chăm lo xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Phát huy truyền thống cách mạng và những kết quả đạt được trong 30 năm qua, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tận dụng thời cơ, khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nguồn: baoninhthuan.com.vn