Facebook Twitter Google+

Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

27/12/2022 999 0

Hội nghị trực tuyến thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

Ngày 21/12/2022, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tham dự tại đầu cầu Chính phủ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch. Tham dự tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh có đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành và các doanh nghiệp du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh Ninh Thuận

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 3,5 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022, trong khi đó khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng hơn gấp rưỡi so với mục tiêu đặt ra là 60 triệu lượt khách, vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam còn gặp những khó khăn liên quan đến chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu ở Việt Nam; nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả; việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế chưa được triển khai.

Để thúc đẩy du lịch quốc tế vào Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra các giải pháp, kiến nghị gồm: Xem xét, đề xuất áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ. Đồng thời, cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam và đi lại trong nước, tăng nguồn thu từ khách du lịch; xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch hậu COVID-19; kéo dài chính sách giảm giá điện cho doanh nghiệp du lịch; phát triển nhân lực du lịch …

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực du lịch và lãnh đạo các tỉnh, thành phố phát biểu nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ý kiến của các đại biểu; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, sớm hoàn thiện và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch, nhất là Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh và bền vững; cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối vùng miền, đồng bộ, bền vững và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích phát triển du lịch; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch; đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế; tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, chú trọng vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện, mến khách; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá; phục hồi nhanh và phát triển bền vững du lịch gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch…

Đối với tỉnh Ninh Thuận, năm 2022 hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh khá nhộn nhịp sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng lượt khách tham quan, lưu trú đạt 2.400.000 lượt (tăng 110,4% so với năm 2021 và vượt 26,3% so với kế hoạch); trong đó, khách là người nước ngoài công tác, làm việc tại tỉnh ước đạt 11.800 lượt; khách nội địa ước đạt 2.388.200 lượt; Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch khoảng 1.813 tỷ đồng. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; triển khai thực hiện chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch… nhằm đẩy mạnh hoạt động thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Ninh Thuận, phấn đấu năm 2023 thu hút du khách đến tỉnh đạt 2,7 triệu lượt khách./.

Nguồn: ninhthuan.gov.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu