Ninh Thuận trước đây là vùng đất thuộc Panduranga, một tiểu quốc gia và cũng là tên gọi cuối cùng của vùng lãnh thổ thuộc Vương Quốc Champa trước khi vua Minh Mạng sáp nhập vào Việt Nam năm 1832. Trải qua nhiều lần thay đổi và chia tách vào các thời kỳ khác nhau, đến nay tỉnh Ninh Thuận có bảy đơn vị hành chính là thành phố Phan Rang Tháp Chàm và các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Bắc và Thuận Nam.
Nằm ở phía nam duyên hải Nam Trung Bộ, giữa Khánh Hòa và Bình Thuận trên quốc lộ 1A và tuyến đường sắt từ bắc vào nam, phía tây là quốc lộ 27A kết nối với Lâm Đồng và quốc lộ 27B xuyên qua huyện Bác Ái đến Cam Rang thuộc Khánh Hòa, Ninh Thuận có được vị trí giao thông thuận lợi cho phát triển kinh tế đồng thời là vùng đất có vị thế quan trọng về chính trị lẫn quân sự, nối liền miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên.
Ninh Thuận có tới 63,2% địa hình là đồi núi thấp trong tổng diện tích 335.824 ha toàn tỉnh, vùng đồng bằng nhỏ hẹp ven biển chỉ chiếm 22,4% và được bồi đắp bởi hai nhánh sông Cái và sông Lu nên tương đối bằng phẳng. Cả ba mặt của Ninh Thuận đều được bao bọc bởi núi, phía bắc và nam là các dãy nối dài ra sát biển, phía tây là các núi thuộc cao nguyên Di Linh cho nên ngăn cản sự di chuyển của các đợt gió mùa mang nhiều hơi nước. Do đó, lượng mưa trung bình thấp nhấp nước chỉ vào khoảng 700-800 mm hằng năm. Đồng thời nhiều khe núi và cửa biển hẹp, tạo điều kiện cho các luồng gió biển thổi mạnh vào làm cho khí hậu khô hanh, khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra hạn hán kéo dài kéo theo hiện tượng hoang mạc hóa.
Bên cạnh đó, hệ thống sông ngoài chủ yếu có lưu vực nhỏ, cộng với việc nguồn nước phân bổ không đều và nguồn nước ngầm ít nên ảnh hưởng nhiều đến đời sống dân sinh và phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, Ninh Thuận cũng phát triển nhiều loại cây thích hợp với đặc thù khí hậu tại đây như mía, bông, nho, hành, tỏi, ngành chăn nuôi dê, cừu với quy mô lớn hay đang phát triển các dự án năng lượng điện từ ánh sáng mặt trời, thủy triều và gió.
Vùng biển sâu của Nam Trung Bộ có tài nguyên thiên nhiên về sinh vật biển vô cùng phong phú và Ninh Thuận – Bình Thuận – Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong bốn ngư trường lớn nhất của Việt Nam. Đường bờ biển Ninh Thuận dài 105 km với địa hình ven biển gồm nhiều vịnh hở và ăn sâu vào đất liền thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền, xây dựng cảng, nuôi trông thủy hải sản, sản xuất muối công nghiệp cũng như phát triển ngành du lịch với các bãi tắm tự nhiên và phong cảnh biển. Các khoáng sản phi kim loại như thạch anh, cát tinh thể, bùn khoáng và nhất là đá granit đạt trữ lượng lớn.
Ngoài ra còn có các khoáng sản kim loại như wonfram, molipđen, thiếc, titan cũng tập trung nhiều tại vùng ven biển. Vì vậy, kinh tế biển sẽ là mũi nhọn giúp kinh tế Ninh Thuận phát triển trong tương nếu khai thác đúng tiềm năng đồng thời đề cao ý thức bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.
Với những tiềm năng, điều kiện sẵn có và chỉ đang trong giai đoạn đầu khai phá. Ninh Thuận hứa hẹn sẽ phát triển đúng hướng với hiệu quả kinh tế cao nếu có các chính sách và nguồn lực hỗ trợ phù hợp trong tương lai.