Đoàn công tác Bộ Ngoại giao thăm và làm việc với các Sở, ngành tỉnh Ninh Thuận  

10.09.2020 1741 0

Đại sứ Ngô Toàn Thắng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyển Việt Nam tại Cô-oét phát biểu tại cuộc họpSáng ngày 8/9, Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do đồng chí Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận về hoạt động đối ngoại tại địa phương trong thời gian qua.

Trong chương trình chuyến công tác, đại diện Đoàn Bộ Ngoại giao có Đại sứ Ngô Toàn Thắng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cô-oét, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân - Đại diện thường trực nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh UNESCO (Pháp), đồng chí Trần Quốc Khánh - Phó Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO đã có buổi làm việc riêng với các Sở, ngành tỉnh Ninh Thuận trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài từ các quỹ Cô-oét cho khu vực nhà nước và doanh nghiệp tư nhân; thu hút du lịch các nước vùng Vịnh vào địa phương (dựa trên thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển và tương đồng văn hóa); trao đổi với địa phương trong công tác di sản văn hóa UNESCO.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công thương tỉnh đã trao đổi thông tin với Đoàn về tình hình kinh tế - xã hội, lợi thế, tiềm năng phát triển của tỉnh, sản phẩm đặc thù, tình hình thực tế và công tác triển khai thu hút du lịch các nước vùng Vịnh vào địa phương, công tác triển khai ngoại giao văn hóa và UNESCO của địa phương cũng như định hướng công tác triển khai trong thời gian tới.

Đồng chí Hồ Sĩ Sơn - Giám đốc Sở VHTTDL phát biểuTại buổi làm việc, Đoàn Bộ Ngoại giao đánh giá cao tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Ninh Thuận với bờ biển dài 105km có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Bình Sơn - Ninh Chữ, Cà Ná, Mũi Dinh, Bình Tiên, Vĩnh Hy,…thuận lợi cho việc hình thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp có tính cạnh tranh cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Ninh Thuận là tỉnh có lợi thế về tài nguyên tự nhiên với các cồn cát di động, Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phước Bình, đặc biệt là văn hóa Chăm với nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc, hệ thống các tháp Chăm, lễ hội Katê,…có thể khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch có tính khác biệt, biến khó khăn thành lợi thế phát triển du lịch thu hút du khách quốc tế tại các nước vùng Vịnh một thị trường tiềm năng với khoảng 55 triệu dân, với mức chi khoảng 80 tỷ USD đi du lịch.

Trong buổi làm việc các đồng chí lãnh đạo Sở, ngành chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong năm 2020, đặc biệt là bị tác động của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện tới đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc, trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, quyết liệt, kịp thời thực hiện nhiệm vụ kép vừa tích cực phòng chống đại dịch Covid-19 vừa đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) ước đạt 8.967 tỷ đồng, tăng 8,46% cùng kỳ, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 1.770 tỷ đồng, đạt 50,6% kế hoạch năm. Trong năm 2019, đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương địa điểm cho 34 dự án với tổng vốn đăng ký 24.253 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư 14.393 tỷ đồng. Lĩnh vực du lịch, tính đến tháng 6/2020 trên địa bàn tỉnh đã có 58 dự án du lịch được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 27.566,2 tỷ đồng. Trong đó có 19 dự án đi vào hoạt động, 15 dự án đang triển khai thi công, 24 dự án đang hoàn tất thủ tục, 05 dự án đã được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương địa điểm. 6 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương 01 dự án với vốn đăng ký là 18 tỷ đồng.

 Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Hồ Sĩ Sơn - Giám đốc Sở VHTTDL cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Ngoại giao trong thời gian qua và mong muốn trong thời gian tới Bộ Ngoại giao tiếp tục quan tâm làm cầu nối, giúp tỉnh có cơ hội tiếp cận với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có uy tín của nước ngoài trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp cao, tăng cường công tác hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch Ninh Thuận đến thị trường Cô-oét và các nước vùng Vịnh, hỗ trợ tỉnh hoàn tất hồ sơ, các quy trình, thủ tục trình UNESCO ghi danh Nghệ thuật làm gốm Bàu Trúc của người Chăm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào năm 2022 và đề cử Khu dự trữ sinh quyển thế giới lấy Vườn Quốc gia Núi Chúa làm vùng lõi thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Qua đó, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Ninh Thuận với Cô-oét trong thời gian tới, đồng thời quảng bá hình ảnh, quê hương, con người, tiềm năng du lịch Ninh Thuận đến với các nước khu vực vùng Vịnh, đưa Ninh Thuận trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách tại thị trường Cô-oét nói riêng và vùng Vịnh nói chung trong thời gian tới.

Cũng trong chiều ngày 8/9 Đoàn Bộ Ngoại giao đã đi thăm và làm việc với các doanh nghiệp của tỉnh như Điện gió Trung Nam, Resort Amanơi./.

Phan Vi

Sở Văn Hóa Thể thao và Du lịch

Related Post

Sample Plan