Công nghệ thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality) và thực tế ảo (VR - Virtual Reality) - Ngọn lửa nhỏ “sưởi” Du lịch đỡ “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19

10/03/2021 1125 0

Thực tế tăng cường (AR - Augmented Reality) và thực tế ảo (VR - Virtual Reality) là một trong 5 nhóm công nghệ chính của cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động mạnh mẽ đến du lịch. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến đầy phức tạp và bất ngờ khiến kinh tế - xã hội của thế giới rơi vào “khủng hoảng” nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực đến ngành Du lịch thì AR và VR là ngọn lửa nhỏ “sưởi” Du lịch đỡ “đóng băng” trong giai đoạn hiện nay.

Theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), năm 2020, toàn thế giới sẽ giảm khoảng 1 tỷ khách du lịch quốc tế. Đối với Việt Nam, theo báo cáo của Tổng cục Du lịch sau khi chịu tấn công lần 1 bởi dịch bệnh Covid-19, hơn 90% doanh nghiệp lữ hành bị tê liệt, công suất sử dụng phòng của các cơ sở lưu trú chưa chạm ngưỡng 20%, các ngành nghề gián tiếp từ du lịch cũng bị ảnh hưởng không hề nhỏ. 

Từ tháng 5 - 7/2020, với nỗ lực của toàn xã hội, du lịch nội địa Việt Nam có dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ tái bùng phát từ tháng 7 đã như một cơn “sóng ngầm” khiến cho ngành Du lịch Việt Nam lần nữa bị tấn công đột ngột, các chuỗi cung ứng dịch vụ rơi vào tình trạng bị động, gây nên thiệt hại nặng nề. Dự báo, hoạt động du lịch nội địa (domestic) từ nay đến cuối năm 2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó du lịch quốc tế (inbound, outbound) cũng gần như sẽ bị “đóng băng” cho đến khi dịch được bình ổn trên toàn thế giới.

Để trả lời cho câu hỏi “Làm thế nào để khách du lịch toàn cầu ngồi tại chỗ vẫn có thể du lịch Việt Nam, vừa giúp tạo nguồn thu nhỏ cho ngành Du lịch Việt Nam, vừa đảm bảo an toàn cho du khách và điểm đến tại Việt Nam?” thì không thật dễ dàng. Vì vậy, việc đưa ứng dụng AR, VR vào khai thác du lịch trong bối cảnh Covid-19 và các thiên tai, hiểm họa khó lường khác sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.

AR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác dựa trên video thực tế, sau đó hỗ trợ bằng đồ họa để dễ nhận biết. VR là công nghệ sử dụng kỹ thuật thị giác, hỗ trợ người xem quan sát và tạo một môi trường nhân tạo dựa trên thực tế và sự tương tác với xung quanh. Nhóm công nghệ này tác động mạnh mẽ đến ngành Du lịch tại thời điểm dịch bệnh Covid-19 như sau: 

Một là, giúp khách khám phá điểm đến trong môi trường 3-5D, không gian ảo, thực tế ảo, thực tế tăng cường thông qua các thiết bị thông minh. Khi dịch bệnh Covid-19 khiến người dân toàn cầu phải hạn chế tối đa việc di chuyển, không tụ tập đông người và thậm chí phải phong tỏa như khu vực châu Âu, Mỹ và một số nước châu Á khiến người dân mặc dù có điều kiện về sức khỏe và tài chính vẫn không thể tiếp cận điểm đến trong khi họ sở hữu nền công nghệ hiện đại và có khả năng chi trả cho các ứng dụng (Apps) “du lịch trải nghiệm online”; đồng thời, ngoài làm việc online họ cũng có nhu cầu khác về giải trí, du lịch và tương tác với thế giới xung quanh, khám phá các điểm đến đẹp, đặc biệt là các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa đặc sắc tại Việt Nam. Ví dụ điển hình nhỏ là một số doanh nghiệp công nghệ phối hợp với doanh nghiệp du lịch trên thế giới đã đưa ra Apps về du lịch mạo hiểm châu Phi khi khách du lịch không thể đến các điểm nguy hiểm nhưng thông qua thiết bị thông minh của mình vẫn có thể du lịch online, trải nghiệm lái xe trùm ngắm các con vật hoang dã.

Hai là, hỗ trợ khách du lịch so sánh trước khi quyết định du lịch trực tiếp tại các điểm đến. Theo dự báo của một số chuyên gia, sau khi dịch bệnh Covid-19 thực sự chấm dứt, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân toàn cầu sẽ tăng đột biến bởi họ đã khá “ngán ngẩm” cảnh phải ở yên một chỗ kéo dài, bởi họ muốn “xốc lại tinh thần”, được tương tác với thế giới bên ngoài. Vì vậy, sau khi trải nghiệm “du lịch online” qua các Apps ứng dụng, du khách có thể được “kích thích” hơn, đồng thời sớm chọn được các điểm du lịch phù hợp với thị hiếu của mình và người thân. Đây cũng là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và nhà cung cấp dịch vụ so sánh các điểm đến để đặt ra kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, phát triển hợp lý điểm đến, tạo lợi thế khác biệt, cạnh tranh thu hút khách du lịch hậu Covid-19.

Ba là, ngành Du lịch Việt Nam có thể quảng bá giới thiệu đầy đủ, chân thực tối đa các điểm đến tới tất cả người dân trên toàn cầu. Chúng ta không thể phủ nhận hiệu quả mang lại của kênh quảng bá hiện tại, tuy nhiên để tiến tới hiệu quả hơn, chân thực, đầy đủ thông tin hơn, cập nhật nhanh hơn thì không thể bỏ qua tác động, khả năng ứng dụng của công nghệ trong bối cảnh này.

Bốn là, ngành Du lịch dễ dàng thống kê, nghiên cứu thị hiếu của khách du lịch để cân đối giữa “cầu” và “cung” về du lịch, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp để phát triển du lịch trong thời gian tới. Qua nền tảng số, nền tảng công nghệ, kết nối không dây, quản trị Apps công nghệ “du lịch online” hoàn toàn dễ dàng thống kê được thời gian sử dụng Apps cũng như sự “chú tâm” riêng của từng đối tượng khách vào các “mảng dịch vụ nhỏ” hay các “điểm đến nhỏ” mà khách du lịch lưu lại, thậm chí là ưu ái sử dụng hơn. Điều này tạo thuận lợi tốt cho việc nghiên cứu, khai thác phát triển du lịch.

Năm là, đóng góp phần nhỏ thu nhập cho ngành Du lịch và công nghệ. Tất nhiên, khi khách du lịch không trực tiếp đến điểm đến thì họ sẽ không chi tiêu, sử dụng các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, mua sắm hay các dịch vụ bổ sung liên quan nhưng khi họ tải Apps về sử dụng thì họ sẽ đóng góp một khoản phí nhất định. Nếu thấy thỏa mãn nhu cầu của mình, chắc chắn khách cũng chấp nhận khi Apps đó phân ra các định mức tương ứng với quyền trải nghiệm “du lịch online” theo từng mức truy cập, từng trải nghiệm của từng điểm đến. Việc ngành Du lịch cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho ngành công nghệ tiếp cận thông tin cùng “chung sức, đồng lòng” để “chào bán, tiếp cận khách hàng” Apps này một cách nhanh và hiệu quả nhất thì phần đóng góp “nhỏ” kia hoàn toàn có cơ hội chuyến hóa thành “không nhỏ” hỗ trợ ngành Du lịch “chuyển mình” khỏi các tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, thậm chí còn có thể áp dụng cho các bối cảnh xấu khó lường khác trong tương lai dài.     

Với lợi ích tích cực của AR và VR, tác giả đưa ra một số đề xuất sau:

Thứ nhất, các cấp, các ngành liên quan cần quan tâm, nhìn nhận rõ ràng lợi ích của ý tưởng này để đưa vào triển khai một cách hiệu quả, kịp thời.

Thứ hai, các bên liên quan cần nhận định rõ lợi thế, khả năng của mình để cùng “đồng sức, đồng lòng” hướng tới mục tiêu chung là mang lại lợi ích chung cho cộng đồng và bản thân mình. Vì thế, các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước giữ vai trò quản lý, kết nối, cũng như đưa ra các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện hợp lý, phân chia lợi ích để khai thác phát triển, hỗ trợ quảng bá Apps du lịch online đến người dân toàn cầu. Cùng với đó, các doanh nghiệp công nghệ với năng lực, nền tảng số có sẵn cần hỗ trợ, đóng góp về kỹ thuật, công nghệ sau đó cùng chia sẻ Apps để các bên liên quan, cộng đồng cùng sử dụng tránh tình trạng độc quyền. Ngoài ra, các cơ quan quản lý điểm đến, doanh nghiệp du lịch hỗ trợ việc cung cấp nội dung, thông tin cập nhật để số hóa nhanh chóng nâng cấp Apps và qua các kênh đại lý hay qua việc hợp tác sẵn có của mình với các đối tác trên khắp thế giới có thể đưa sản phẩm Apps du lịch online đến đông đảo các đối tượng khách hàng.

Thứ ba, để khai thác, phát triển bền vững thì cần nghiên cứu “mặt trái” của việc sử dụng Apps để hạn chế tác động tiêu cực như rò rỉ thông tin, bí quyết kinh doanh… đặc biệt là tác động tiêu cực khi con người quá lệ thuộc vào công nghệ để đưa ra cảnh báo tới khách du lịch khi quá “nghiền” Apps. 

Nguồn: Tạp chí Du Lịch

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu