Đại biểu tham quan gian hàng du lịch của tỉnh Lạng Sơn tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch Quảng Ninh và 7 tỉnh Đông Bắc với chủ đề "Kết nối tinh hoa" diễn ra tại Quảng Ninh, ngày 20/11.
Quảng Ninh có nhiều tiềm năng về tài nguyên du lịch, có điều kiện tự nhiên và văn hóa tương đồng với các tỉnh vùng Đông Bắc để phát triển du lịch cộng đồng. Tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình này như: Đông Triều, Quảng Yên, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Đầm Hà... bước đầu đạt được những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế, du lịch cộng đồng của Quảng Ninh vẫn còn manh mún, chưa bền vững, chưa được đầu tư, định hướng phát triển tương xứng với tiềm năng. Đơn cử như, hệ thống đường giao thông ở một số địa phương vẫn chưa hoàn thiện hoặc đã xuống cấp; chưa có hệ thống biển chỉ dẫn tới các điểm tham quan, du lịch, chưa có công cụ nhận diện thương hiệu hoặc sản phẩm. Mặt khác, điều kiện KT-XH ở một số vùng sâu, vùng xa của Quảng Ninh còn khó khăn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch nhìn chung còn hạn chế. Kỹ năng, kiến thức làm du lịch và người dân địa phương tại các vùng miền núi, hải đảo, nông thôn tại Quảng Ninh chưa được đào tạo, hướng dẫn kỹ càng. Công tác thông tin, xúc tiến điểm đến mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu, chưa được quan tâm thúc đẩy.
Nhìn nhận rõ những điểm yếu và thiếu trong phát triển du lịch cộng đồng, Quảng Ninh đã từng bước triển khai các giải pháp khắc phục, trong đó có việc trao đổi kinh nghiệm với các địa phương khác trong cả nước. Mới đây, tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị liên kết phát triển du lịch Quảng Ninh và 7 tỉnh Đông Bắc. Hội nghị là diễn đàn mở để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử ở khu vực miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Như ở Lạng Sơn, địa phương này đang tập trung nhiều nguồn lực nhằm phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái bởi sự đa dạng về văn hóa, phong tục tập quán, cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi. Tiêu biểu là 2 mô hình: Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn (xã Bắc Sơn) và làng du lịch cộng đồng Hữu Liên (xã Hữu Lũng). Được biết, năm 2010, khi mới thành lập làng du lịch, tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành tập huấn nghiệp vụ, hỗ trợ kinh phí cho các hộ gia đình, UBND xã, đội văn nghệ và đầu tư một số trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cần thiết cho các hộ tham gia, lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn làng… Cuối năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt dự toán kinh phí xây dựng đề án phát triển KT-XH và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cho 12 xã vùng an toàn khu huyện Bắc Sơn đến năm 2025 với nguồn kinh phí đầu tư dự kiến hơn 112 tỷ đồng.
Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, xã Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: langson.gov.vn
Còn tại Tuyên Quang đã phát triển đa dạng các sản phẩm văn hóa đặc trưng để phục vụ ngành du lịch. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang: Tỉnh đã hình thành nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút du khách. Có thể kể đến, điểm du lịch cộng đồng thôn Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương) có 2 ngôi nhà sàn năm xưa Bác Hồ đã từng ở và làm việc. Điểm du lịch có Ban quản lý với quy chế hoạt động riêng, có đội văn nghệ phục vụ du khách, dịch vụ ăn, nghỉ tại nhà dân… Bên cạnh đó, để phát triển du lịch cộng đồng, Tuyên Quang đã vận động, hướng dẫn các hộ gia đình tham gia hoạt động homestay, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Tổng cục Du lịch cũng đã hỗ trợ tỉnh kinh phí đào tạo, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động văn nghệ; phục dựng và tổ chức các hoạt động lễ hội thu hút khách du lịch như lễ hội Động Tiên, chợ Thụt, lồng tồng, nhảy lửa, cầu mùa, cấp sắc… các làn điệu dân ca, dân vũ như hát then, sình ca, páo dung… để phục vụ khách du lịch.
Qua diễn đàn Hội nghị liên kết phát triển du lịch Quảng Ninh và 7 tỉnh Đông Bắc, các địa phương đều nhất trí việc đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại cần phải được quan tâm hơn để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó, cần chú trọng tổ chức, đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia và khu vực; các chương trình khảo sát, xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành, các cơ quan thông tấn, báo chí có uy tín trong và ngoài nước quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, gắn điểm đến vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch địa phương.
Với kinh nghiệm của các tỉnh bạn, thời gian tới, Quảng Ninh dự kiến cũng triển khai quyết liệt và sâu rộng hơn mô hình du lịch cộng đồng. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 38 điểm du lịch có tiềm năng được các địa phương đề xuất phát triển du lịch cộng đồng. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh lựa chọn 9 điểm du lịch có ưu thế theo tiêu chí cao, có các điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng như có cơ sở hạ tầng, có sản phẩm du lịch, được các doanh nghiệp du lịch và du khách biết đến và đã bước đầu khai thác, phục vụ khách, nay cần có sự hỗ trợ để phát triển đột phá tạo hình mẫu cho việc mở rộng mô hình sau này. Đề án cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh. Trong đó, có 4 nhóm chính sách: Hỗ trợ quy hoạch, đầu tư hạ tầng tại các điểm phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho du lịch cộng đồng phát triển, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và tạo điều kiện giảm nghèo cho người dân ở nhiều vùng còn khó khăn trong tỉnh.
Nguồn: Báo Quảng Ninh