Ảnh minh họa. Nguồn: Làng VHDL các dân tộc Việt Nam
Chuỗi hoạt động có sự tham gia của gần 100 đồng bào thuộc 14 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) ở 12 tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng.
Sự kiện gồm có hoạt động chuyên đề “Xuân trên bản Mường” là chương trình nghệ thuật tổng hợp của các nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái qua các hoạt động âm nhạc, diễn xướng kể về câu chuyện của hoa Ban, những vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc khi mùa hoa Ban nở.
Cũng trong dịp này, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức các hoạt động biển đảo quê hương như trưng bày hình ảnh, hiện vật, trình chiếu phim tài liệu về biển đảo quê hương, chương trình ca múa nhạc “Tình ca từ biển” và nhiều hoạt động quảng bá văn hóa đặc sắc khác.
Thực hiện phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã xây dựng 02 phương án tổ chức như sau: Phương án 1: Nếu thời điểm tổ chức, dịch Covid-19 vẫn còn địa bàn (Hà Nội) nhưng được kiểm soát thì vẫn tổ chức hoạt động của nhóm đồng bào hàng ngày, nhưng hạn chế tập trung đông người để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19. Phương án 2: Nếu đến thời điểm tổ chức, tình hình dịch Covid-19 được khống chế, đảm bảo an toàn, các hoạt động đông người được phép tổ chức bình thường thì triển khai đầy đủ các hoạt động theo kế hoạch, đồng thời tăng cường các hoạt động điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Bên cạnh đó, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam còn tổ chức các hoạt động hàng ngày, cuối tuần và các ngày kỷ niệm trong tháng như Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Ngày thành lập Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3 với nhiều hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian hấp dẫn du khách tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch