TTO - Đây là trả lời của tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng dành riêng cho Tuổi Trẻ về việc phục hồi ngành du lịch - vốn là lĩnh vực có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: Ngành du lịch Việt Nam có thời điểm đã đóng góp 10% GDP, nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy vậy, Việt nam đang là điểm sáng về chống dịch nên hi vọng chúng ta sẽ dần dần mở cửa lại thị trường quốc tế, cân đối lại sản phẩm du lịch, cân đối thị trường khách và giúp ngành du lịch sớm hồi phục. Trước mắt vẫn phải lấy du lịch trong nước làm hướng phục hồi chính.
Xu hướng mở cửa là tất yếu, nếu không nghiên cứu thì chúng ta sẽ chậm chân, song không phải vì nhanh mà đón tất cả khách vào để dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG
Lấy khách nội bù khách ngoại
* Theo ông, cần phải làm gì để du lịch có thể hồi sinh trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp ở các nước?
- Trước mắt, khi thị trường du khách quốc tế chưa mở cửa, chúng ta cần coi nhu cầu của khách nội địa là trọng tâm để ưu tiên thu hút, cũng như thực hiện nhiều giải pháp, phương pháp tiếp cận mới. Hiện bộ đang chỉ đạo để chuyển mạnh sang du lịch nội địa, thực hiện đồng bộ các biện pháp kích cầu để thúc đẩy du lịch trong nước.
Cần đổi mới hoạt động của các công ty du lịch và các dịch vụ du lịch, thích nghi với trạng thái "bình thường mới", từ đó sẽ có những sản phẩm hấp dẫn để kích cầu và đáp ứng lượng khách nội địa rất tiềm năng.
Bộ đang chỉ đạo thực hiện những biện pháp để cùng với doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn như: tổ chức nhiều hội thảo với các doanh nghiệp lữ hành để lắng nghe những khó khăn, tồn tại và tìm hướng tháo gỡ; đề xuất với Chính phủ các giải pháp khác nghiên cứu để giảm tiền điện trong các cơ sở lưu trú, cơ sở du lịch, tiền ký quỹ trong các doanh nghiệp lữ hành...
Như đã nói, mục tiêu trước mắt vẫn là hướng đến thị trường nội địa, tái khởi động, làm tốt thu hút du khách nội địa. Trong đó, ngày 15-4 này tại Ninh Bình sẽ có hội nghị với quy mô 500 doanh nghiệp du lịch để kích cầu du lịch nội địa, và sẽ khai mạc Năm du lịch quốc gia, kết nối 14 địa phương trong cả nước đồng loạt khởi động các hoạt động du lịch. Mục đích là làm ấm thị trường du lịch, lấy khách nội địa bù đắp khách quốc tế.
* Nhưng trong việc xem xét mở cửa thị trường quốc tế như chọn từng nhóm khách, quốc gia cụ thể, ông thấy điều này có thực sự khả thi không?
- Việc mở cửa thị trường quốc tế là một xu hướng cần phải nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo nhiều khía cạnh. Bộ đang cùng các bộ ngành khác tập trung nghiên cứu để báo cáo, đề xuất với Chính phủ, xin chủ trương thực hiện. Trong đó, nguyên tắc đảm bảo phòng chống dịch bệnh là trên hết với những hàng rào kỹ thuật, hàng rào y tế chắc chắn.
Đây là vấn đề quan trọng, chúng tôi sẽ phải làm từng bước và phải thí điểm để đảm bảo giữa lợi ích kinh tế, mức độ an toàn phòng chống dịch bệnh.
Du khách quốc tế vào Việt Nam phải đảm bảo đầu tiên là không mang theo mầm bệnh, phạm vi di chuyển tại Việt Nam ở đâu để kiểm soát chặt. Những người tiếp xúc là nhân viên phục vụ, những đối tượng thụ động khi du khách đi ra bên ngoài cũng là những vấn đề tiềm ẩn, cần phải có những cơ sở, công cụ để quản lý một cách hiệu quả nhất.
Xu hướng mở cửa là tất yếu, nếu không nghiên cứu thì chúng ta sẽ chậm chân, song không phải vì nhanh mà đón tất cả khách vào để dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch bệnh.
Du lịch phải được số hóa
* Về lâu về dài, ông có những giải pháp nào để tạo nên sự đột phá trong ngành du lịch?
- Hướng đường dài còn rất nhiều vấn đề, song việc đầu tiên mà bộ đang định hướng là phải tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh số hóa. Trong nền kinh tế số này, du lịch không số hóa thì không thể theo kịp được xu thế của thế giới. Nếu số hóa, chúng ta sẽ giảm rất nhiều nguồn nhân lực và tối ưu hóa hoạt động của mình.
Ví dụ, nếu 6 người vào bảo tàng đến từ 6 quốc gia khác nhau, chúng ta phải có đến 6 người phiên dịch. Khi đã số hóa, chỉ cần một chiếc máy phát thuyết minh có thể lựa chọn ngôn ngữ thông qua mã code, việc thuyết minh sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ, còn vô vàn khía cạnh trong lĩnh vực du lịch để số hóa, đem lại hiệu quả tối ưu từ marketing, đặt phòng, hướng dẫn du lịch...
Thứ hai, trong du lịch vấn đề quan trọng nhất là sản phẩm bởi du lịch có tính đặc thù. Bộ đang có chủ trương bàn với các địa phương để khuyến khích có những sản phẩm du lịch của mình mang thương hiệu riêng, độc đáo, chứ nói rộng ra cả Đông Nam Á cứ na ná nhau thì sẽ chẳng ai đến.
Thứ ba, cần phải đầu tư hạ tầng du lịch từ đường sá, các dịch vụ đến nơi ăn chốn ở... Nếu du lịch không có hạ tầng đồng bộ sẽ rất khó phát triển.
Cuối cùng, du lịch phải gắn liền với văn hóa, các hoạt động du lịch mang đậm dấu ấn văn hóa nên cần tập trung xây dựng văn hóa trong du lịch từ văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, nói chung là từ những điều cơ bản nhất.
* "Hộ chiếu vắcxin" đang được kỳ vọng sẽ là giải pháp để các quốc gia mở cửa một cách an toàn. Với ngành du lịch thì giải pháp này sẽ được thực thi như thế nào, thưa ông?
- Chính phủ giao Bộ Ngoại giao là cơ quan chủ trì nghiên cứu về "hộ chiếu vắcxin", còn Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chỉ là cơ quan phối hợp. Bây giờ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa ủng hộ "hộ chiếu vắcxin", nên quan điểm của bộ vẫn đặt ưu tiên số 1 là đảm bảo an toàn phòng dịch.
Bộ đang rất tích cực tham mưu cho Chính phủ trong vấn đề từng bước mở cửa thị trường quốc tế để đón khách quốc tế theo ba nguyên tắc.
Thứ nhất, khách đầu vào phải được kiểm soát dịch bệnh, đây là những người đã được tiêm hai mũi vắcxin ở quốc gia không bùng phát dịch bệnh. Thứ hai, chúng ta sẽ thiết kế hàng rào kỹ thuật xanh trong du lịch, khách chỉ đến trong tour, tuyến đã xác định, có độ giãn cách nhất định với khu dân cư, đề phòng trường hợp xấu nhất là du khách phát bệnh trong thời gian du lịch. Những điểm du lịch này sẽ đảm bảo an toàn với khu dân cư nhưng vẫn có các điểm du lịch, có di tích, danh thắng, sân golf, bãi biển... đảm bảo có đầy đủ các dịch vụ để du khách có thể nghỉ dưỡng, thoải mái tiêu tiền.
Thứ ba, cần phải xác định những người tiếp xúc chủ động và thụ động với du khách. Trong đó, những người làm việc trong khu du lịch là những người tiếp xúc chủ động, được ưu tiên để tiêm vắcxin, đảm bảo nguyên tắc 5K. Còn hạn chế tiếp xúc thụ động, không để du khách bước ra khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh.
Đảm bảo được ba yếu tố đó, các bộ sẽ ủng hộ trình Chính phủ cho phép mở cửa trở lại để cho các doanh nghiệp hàng không, du lịch, lữ hành... vượt qua khó khăn.
Nếu các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đề xuất được sản phẩm du lịch theo đúng tiêu chí trên, có tính sáng tạo thì bộ sẽ ủng hộ, báo cáo Thủ tướng. Ở đây Nhà nước chỉ đóng vai trò định hướng, còn các doanh nghiệp du lịch sẽ trực tiếp làm.
* Theo ông, địa phương nào hiện nay có thể thí điểm đón khách quốc tế nhưng vẫn đảm bảo những nguyên tắc phòng dịch trên?
- Về địa điểm, chúng tôi còn đang tính toán, cũng có nhiều địa điểm có thể đảm bảo các nguyên tắc để thí điểm. Tuy nhiên, địa phương phải sẵn sàng, doanh nghiệp phải có đủ năng lực để áp dụng các nguyên tắc trên.
Tôi có thể điểm qua một số địa phương như Quảng Nam có dư địa để làm được, vì quần thể nam Hội An cách xa dân cư hoặc Phú Quốc có những điểm du lịch thuận lợi gói gọn trên đảo. Sau khi thí điểm, nếu thấy khả quan thì có thể thiết kế những tour riêng để đón du khách, như hướng đến phân khúc du khách chỉ thích đi đánh golf... Nếu thí điểm thành công, địa phương muốn thì gợi ý cho họ làm chứ không thể đưa mô hình này vào TP.HCM hay Hà Nội, vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn rất cao.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ