Tiềm năng du lịch nội địa rất lớn bởi có đến hơn 30% người Việt chưa từng đi du lịch

23/04/2021 1147 0

Tiềm năng du lịch nội địa rất lớn bởi có đến hơn 30% người Việt chưa từng đi du lịch

Theo bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC, Việt Nam với 100 triệu dân, 30% chưa từng du lịch nên nhu cầu, tiềm năng rất lớn. 

Bà Hương Trần Kiều Dung chia sẻ tại toạ đàm "Du lịch Việt Nam 2021 - 2023: Những cơ hội trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ". Nhắc lại khảo sát mới nhất của VnExpress, bà Hương Trần Kiều Dung phân tích, 53,4% người tham gia khảo sát dự định đi nghỉ từ tháng 5 đến tháng 9; 30,2% cho biết đã sẵn sàng du lịch trong tháng 3 và tháng 4, vậy việc còn lại là các doanh nghiệp sẽ làm thế nào để thu hút khách hàng?

Bà Kiều Dung nhận định, Covid-19 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến du lịch, tại Việt Nam, 90% doanh nghiệp lữ hành phải dừng hoạt động, 40 - 60 % những người làm trong ngành du lịch không có, mất việc làm.

Tuy vậy, trong năm 2020, Việt Nam vẫn đạt 50 triệu lượt khách du lịch nội địa. Mặc dù tâm lý e dè nhưng người Việt vẫn đi du lịch, điều này nhờ sự thích ứng linh hoạt của các doanh nghệp, nỗ lực của địa phương, chính sách của cơ quan nhà nước.


Bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC. Ảnh: Giang Huy

Dưới góc độ của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC cho rằng, các cơ quan nhà nước nên tiếp tục phát động các chương trình kích cầu du lịch nội địa.

Các chiến dịch truyền thông tổng thể cùng với sự lan tỏa của doanh nghiệp, địa phương sẽ giúp người dân dễ dàng tiếp cận du lịch trong nước. Đồng thời, cần bổ sung thêm ngày nghỉ - Ngày Du lịch Việt Nam, bố trí sát vào các kỳ nghỉ hiện hữu để tăng thời gian lưu trú dài hơn, tạo thêm nhu cầu cho thị trường du lịch tốt hơn.

Đối với các doanh nghiệp du lịch cũng như FLC đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm, điểm đến an toàn, hấp dẫn cho du khách trong bối cảnh nhu cầu thị hiếu người Việt thay đổi với những tiêu chí an toàn, tiêu chuẩn dịch vụ và chi phí đang được đặt lên hàng đầu.

Tại các quần thể của Tập đoàn FLC đang đưa ra các tiêu chuẩn về chất lượng, đa dạng nhiều sản phẩm tại một điểm đến, tạo ra kỳ nghỉ trọn vẹn cho du khách.
 Về chất lượng dịch vụ, năm 2020, 50% nhân sự trong ngành du lịch mất việc, vì vậy cần phải tập trung đào tạo, củng cố đội ngũ nhân sự tại các cơ sở du lịch, nâng cấp và tạo nên nhiều hạ tầng du lịch mới.

Như Tập đoàn FLC trong năm 2021 sẽ khai trương thêm ít nhất ba khu du lịch quy mô lớn tại Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch cũng cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để du khách tiếp cận dịch vụ thuận tiện hơn.

Về mặt chi phí, từ 2020, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp để tạo ra gói sản phẩm liên kết hợp lý cho người tiêu dùng, ví dụ combo vé máy bay, nghỉ dưỡng và chơi golf của Tập đoàn FLC được nhiều khách hàng đón nhận và sẽ tiếp tục được triển khai mạnh trong năm nay.

Bên cạnh đó, Hãng hàng không Bamboo Airways cũng mở thêm nhiều đường bay ngách đến Côn Đảo, Rạch Giá, Kiên Giang hay từ Thanh Hoá đến Quy Nhơn. Năm 2021, Việt Nam cần phải tiếp tục kích cầu du lịch, để người dân sẵn sàng đi du lịch trong nước.

Đồng quan điểm với đại diện FLC, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch PV Oil, cho rằng sau Covid-19, khách du lịch có nhu cầu tận hưởng cuộc sống, vì vậy thay vì đưa thông điệp là "vẻ đẹp bất tận", Việt Nam có thể truyền tải hình ảnh là một điểm đến để tận hưởng và tái tạo cuộc sống.

Ông Lê Vũ Thắng - thành viên Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ thì cho rằng, người đi du lịch đều mong muốn có cảm xúc tốt từ sự thân thiện của con người. Do đó, địa phương, doanh nghiệp cần chú trọng yếu tố này hơn từ điểm chạm đầu tiên khi khách tới du lịch như tài xế taxi, người chỉ đường...
 Theo thống kê, các công ty du lịch lớn, nhỏ đều đang có tín hiệu đáng mừng. Nhiều công ty ký được những hợp đồng du lịch lớn trong tháng 5, 6.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, giai đoạn 2015 - 2020, du lịch cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Theo đó, khách du lịch quốc tế tăng 22,7% một năm, đứng thứ 6 trong Top 10 nước tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Lượng khách trong nước tăng 1,5 lần.

Mục tiêu của năm 2020 nếu không có dịch Covid là phấn đấu đón được trên 20 triệu lượt khách quốc tế, 90 - 95 triệu lượt khách nội địa. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp 9,2% GDP và mong muốn đóng góp 10% đến trên 10% vào năm 2020.

Vì vậy, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp, địa phương cần kích cầu du lịch nội địa bằng các chương trình mới mẻ, sáng tạo, không chỉ giảm giá mà còn phải làm mới sản phẩm, đa dạng, có thêm khuyến mại về dịch vụ, nâng cấp chất lượng dịch vụ. Đặc biệt, sản phẩm du lịch dành cho mỗi khách hàng cần được cá biệt hóa.

Nguồn: Du lịch Việt Nam

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu