Thu hút chuyên gia vào Việt Nam du lịch - đầu tư

23/04/2021 1166 0

Thu hút chuyên gia vào Việt Nam du lịch - đầu tư

Kinhtedothi - Theo các chuyên gia du lịch năm 2020 dịch Covid-19 đã khiến nhiều nền kinh tế trên toàn cầu bị suy giảm, thế nhưng kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 2,4%, dự báo trong năm 2021 sẽ tăng lên mức 6,5%. Điều này đã kích thích các DN nước ngoài vào Việt Nam tìm hiểu thị trường kết hợp du lịch, đây là cơ hội cho DN du lịch tổ chức chương trình đưa nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thực tế cho thấy thời gian qua một số DN du lịch đã tổ chức tour đón nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam theo hình thức thuê bao nguyên chuyến bay (charter). Chẳng hạn Công ty Du lịch Vietravel đã thuê bao nguyên chuyển chuyến bay KE 683 của hãng hàng không Korean Air, chở các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý cấp cao các nước Anh, Thuỵ Điển, Ba Lan, Đức, Canada, Mỹ, Tây Ban Nha…đến Việt Nam.

Trong quý IV/2020, Công ty Du lịch WorldTrans đã tổ chức thành công chuyến bay charter đưa các doanh nhân Việt Nam từ Dallas (Mỹ) về nước. Một số công ty như Viet Foot Travel đã bắt đầu tung ra bộ sản phẩm hướng đến 4 thị trường Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.

 Khách quốc tế làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Chiến Công

Giám đốc Viet Foot Travel Phạm Duy Nghĩa một trong những công ty đang triển khai sản phẩm đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam nêu rõ: So với việc tổ chức đoàn tour nội địa, việc đưa chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đem lại tỷ suất lợi nhuận cao hơn. "Năm 2019, ngành du lịch chiếm 12% GDP cả nước, lượng du khách quốc tế chỉ chiếm 17% nhưng lại chiếm doanh thu trên 50% bởi trung bình mỗi du khách nước ngoài chi 673 USD, trong khi du khách trong nước chỉ chi 61 USD. Như vậy 1 chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam đem lại lợi nhuận gấp 5 lần 1 khách nội địa, như vậy nguồn khách này sẽ cứu DN du lịch khi dịch Covid-19 còn chưa kết thúc" - ông Nghĩa khẳng định.

Nói về vấn đề mở cửa đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) Nguyễn Quý Phương thông tin: Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL tìm giải pháp đón khách quốc tế khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Trong khi dịch vẫn đang diễn ra, Tổng cục Du lịch vẫn chuẩn bị phương án đón khách quốc tế khi Covid-19 đã được khống chế.

Nhấn mạnh việc các DN du lịch Việt Nam luôn sẵn sàng đón khách quốc tế khi được cho phép mở lại thị trường, nhiều DN đã chia sẻ một số khó khăn trong quá trình chuẩn bị, khai thác nguồn khách này. Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan chia sẻ: Mặc dù các DN lữ hành đã tính toán các kịch bản đón du khách quốc tế sau khi Covid-19 được khống chế, tuy nhiên điều các DN cần nhất là cơ quan quản lý phải xây dựng sẵn bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn DN đón khách quốc tế, bảo đảm an toàn nhưng đừng quá chặt chẽ “vì nếu du khách không thoải mái thì không muốn đến Việt Nam”- ông Hoan nói.

Giám đốc Sun Smile travel Dương Thanh Hằng (DN đã đón một số đoàn chuyên gia đến từ CHLB Nga vào Việt Nam trong quý I/2021) chia sẻ: Dù luôn sẵn sàng đón khách quốc tế nhưng cơ quan quản lý cần xác định nếu mở cửa thị trường quốc tế thì nguồn lực về tài chính là thách thức rất lớn với DN, vì vậy cần có sự hỗ trợ thiết thực theo hướng nhà nước xem xét chi trả gói bảo hiểm rủi ro Covid-19 cho du khách. “Hiện DN mất rất nhiều thời gian hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cấp Visa cho đoàn chuyên gia vào Việt Nam, vì vậy trong thời gian tới cơ quan cấp Visa đẩy mạnh cải cách hành chính qua đó đẩy nhanh thời gian cấp Visa” - bà Hằng kiến nghị.

Để có thể mở cửa cho khách quốc tế đến Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Trần Trọng Kiên cho rằng: Các cơ quan quản lý phối hợp cùng xây dựng lộ trình, tiêu chí thị trường đón khách du lịch an toàn; Bộ quy chuẩn về tiêm chủng, kiểm tra Covid-19 trước chuyến bay và khi nhập cảnh vào Việt Nam. “Maldives đã thành công trong việc mở cửa du lịch và có một mùa du lịch rất thành công. Du khách được yêu cầu đặt vé, làm xét nghiệm PCR 72 giờ trước khi đi du lịch” - ông Kiên dẫn chứng.

Như vậy để có thể mở cửa đón khách quốc tế bên cạnh sự nỗ lực từ cộng đồng DN, đòi hỏi cơ quan quản lý xây dựng, ban hành các quy định cụ thể, đây là hoạt động hỗ trợ cần thiết đối với DN.

Nguồn: kinhtedothi.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu