Mở cửa cho du lịch phải an toàn và có lộ trình
Đến tháng 3/2021, còn khoảng 61% số người lao động có việc làm trong ngành du lịch so với trước dịch COVID-19 (tương ứng với 39% số người trong ngành này bị mất việc làm). Những lĩnh vực chịu tác động nặng là cơ sở lưu trú (61%), lữ hành quốc tế (60%) và bán hàng lưu niệm (58%).
Những thông tin này được đưa ra tại cuộc gặp bàn tròn diễn ra chiều 26/4. Đây là kết quả khảo sát do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) phối hợp cùng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV – thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP) thực hiện.
Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 25/3 đến 11/4/2021 tại 432 doanh nghiệp du lịch từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và 16 tỉnh, thành phố là điểm đến hàng đầu. Cuộc khảo sát cho thấy, khoảng 56% số doanh nghiệp trả lời rằng doanh thu của năm 2020 chưa bằng 25% so với năm 2019. Chịu tác động nặng nhất là các doanh nghiệp du lịch nhỏ và siêu nhỏ của ngành lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và vận chuyển du lịch.
Hơn 1/5 số doanh nghiệp phải thay đổi kinh doanh
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), cho biết, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thấy các gánh nặng về chi phí như thuê địa điểm, thuê lao động người nước ngoài, phải trợ cấp cho nhân viên nghỉ việc... Nhiều doanh nghiệp phải cố gắng để tồn tại. Các biện pháp giảm thời gian làm việc, giảm lương đã được áp dụng tại các cơ sở lưu trú, ăn uống. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc tạm thời, nhất là doanh nghiệp lữ hành quốc tế, doanh nghiệp nội địa.
Không ít doanh nghiệp đã phải thay đổi thị trường khách hàng, nhất là các doanh nghiệp du lịch quốc tế, thậm chí có doanh nghiệp không có nhân viên, không đủ khả năng phục vụ khách du lịch nội địa. Nhân viên trong ngành du lịch buộc phải ngừng làm việc hoặc chuyển hẳn sang việc khác như bán hàng online. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, có xu hướng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp khác, ưu tiên của các doanh nghiệp này để tồn tại đó là kiểm soát chi phí.
Về các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, ông Hoàng Nhân Chính cho biết, giãn nộp hoặc giảm thuế là ưu tiên hàng đầu đối với doanh nghiệp. Miễn, hoãn đóng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, giảm thanh, kiểm tra không cần thiết cũng là những đòi hỏi của doanh nghiệp.
Đối với hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, điều doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất, theo ông Chính, không phải là những khoản tiền cụ thể, mà là ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người lao động trong ngành du lịch, bởi các doanh nghiệp nghĩ đến sự an toàn của người lao động trong ngành là trên hết và chỉ khi người lao động được tiêm chủng rồi họ mới yên tâm đón khách du lịch.
Ông Chính bày tỏ lo ngại với con số hơn 1/5 doanh nghiệp dự đoán sẽ phải thay đổi kinh doanh, điều này khiến cho khi ngành du lịch phục hồi trở lại có thể sẽ thiếu nguồn nhân lực trong ngành du lịch, thiếu doanh nghiệp phục vụ khách du lịch.
Phục hồi sức khỏe doanh nghiệp
Khách quốc tế đến bằng đường biển hào hứng đi tham quan thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu: Trần Lê Lâm/TTXVN
Những đề xuất với Chính phủ được nhóm khảo sát đưa ra là phục hồi sức khỏe doanh nghiệp du lịch, hồi phục và phát triển du lịch nội địa, chuẩn bị để mở cửa cho du lịch quốc tế đến Việt Nam. Chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh hợp tác công tư, chính quyền cần lắng nghe và hiểu các doanh nghiệp du lịch hơn; xây dựng, tổ chức quản lý điểm đến tốt hơn; phổ biến những bài học điển hình của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang hoạt động bình thường trở lại.
“Đối với doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất hãy làm gì để đầu tiên là phải tồn tại bởi vì rất nhiều doanh nghiệp đang bị kiệt quệ, họ cần phải tồn tại và sau đó cần phải phục hồi trong tương lai. Nếu để phục hồi, một trong những vấn đề rất quan trọng là thực hiện việc chuyển đổi số, giữ chân những nhân sự cốt cán, từ đó có thể phục hồi lại lao động trong doanh nghiệp”, ông Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh.
Giám đốc Văn phòng Ban IV Phạm Thị Ngọc Thủy nhận định, đề xuất của các doanh nghiệp cơ bản giống nhau, vẫn là bài toán tiết giảm chi phí trực tiếp. “Chính phủ có xem xét, nhưng dường như những xem xét đó vẫn còn là những quyết sách rất ngắn, không thực sự gắn với biên độ phục hồi của các ngành, chưa sát với mong chờ của doanh nghiệp là con đường nào để tồn tại”, bà Thủy nêu rõ.
Đặt vấn đề về việc các bộ có thể cùng với các doanh nghiệp tính toán đến những cơ hội của từng ngành và các giải pháp cho doanh nghiệp hay không, bà Thủy cho rằng những câu chuyện về tiền thuê đất, tiền thuế, hay gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là bài toán diện rộng, ai nhận được một chút cũng vui, nhưng chưa gắn với bài toán phục hồi và phát triển. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, vẫn có những tia sáng nhất định, doanh nghiệp mong Chính phủ đồng hành, cùng nhìn vào những khả năng có tính đột phá, những điểm sáng và có cơ chế, chính sách để thúc đẩy, chứ không chỉ là những giải pháp mang tính cứu cứu vãn tình hình.
Một kết quả khảo sát khác cũng đã được ông Hoàng Nhân Chính thông tin, đó là khảo sát về nhu cầu và xu hướng khách du lịch thời COVID-19, trong đó ghi nhận, hơn 83% số người trả lời sẵn sàng đi du lịch ngay trong vòng vài tháng tới, nhất là vào mùa Hè 2021. Du khách Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng đi du lịch sớm hơn, du khách Hà Nội đi nhiều hơn vào mùa Hè. Hơn 69% lựa chọn đi du lịch bằng máy bay, điều này cho thấy nhu cầu đi du lịch đã có những tín hiệu tích cực.
Hộ chiếu vaccine chỉ là một biện pháp an toàn
Các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh tư liệu: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Trao đổi về quan điểm của TAB trong việc trong việc chống dịch COVID-19 và mở cửa cho du lịch, Trưởng ban Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho biết, TAB ủng hộ mạnh mẽ chính sách của Chính phủ về việc không hy sinh và không gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng người dân Việt Nam để đổi lấy lợi ích kinh tế. TAB hoàn toàn ủng hộ Chính phủ và các bộ, ngành về công tác chống đại dịch đến thời điểm này, qua đó khống chế được dịch và giảm thiểu lây lan ra cộng đồng, nhờ đó Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới về kiểm soát đại dịch COVID-19.
Hội đồng này đề xuất với Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan chú trọng xem xét làm thế nào để Việt Nam tái mở cửa được biên giới một cách an toàn và bền vững - chỉ mở cửa cho du lịch quốc tế khi chúng ta đã yên tâm. Điểm đến phải yên tâm rằng du khách không mang mầm bệnh tới và du khách cũng phải yên tâm rằng họ không bị lây bệnh khi du lịch nước ngoài, hoặc nếu rủi ro sẽ được chi trả bảo hiểm. Cần phải đảm bảo an toàn cho sự đi lại và hạn chế được rủi ro gây lây nhiễm ra cộng đồng, đồng thời cho phép từng bước mở cửa cho việc đi lại mà không phải cách ly.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, để chuẩn bị mở cửa cho du lịch quốc tế, trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ gần đây, TAB đề xuất cần thành lập một nhóm hoặc tổ chức gồm nhiều chuyên gia từ các bộ khác nhau, từ Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Văn hóa Thể thao Du lịch… để bàn thảo và đưa ra tiêu chí mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Bất kỳ sự mở cửa cho du lịch như thế nào cũng cần phải an toàn và có lộ trình. Theo đó, nên tiến hành đàm phán song phương với từng nước đã đạt được các tiêu chí về an toàn dịch bệnh; đưa ra các chính sách an toàn dịch bệnh như: yêu cầu hộ chiếu tiêm chủng; xét nghiệm PCR trước chuyến bay và kiểm tra khi đến.
Chính phủ cũng nên có chính sách bảo hiểm y tế du lịch bắt buộc, bao gồm bảo hiểm COVID-19 cho tất cả khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài (outbound). Ngành du lịch cần xây dựng một quy trình đón và phục vụ khách du lịch an toàn dịch bệnh. Để có được ưu thế cạnh tranh khu vực, TAB cho rằng cần phải có một chính sách visa cởi mở và hoàn thiện hơn.
“Hội đồng Tư vấn du lịch hoàn toàn không coi hộ chiếu vaccine là một giải pháp duy nhất và quan trọng nhất, đây chỉ là một trong những biện pháp để an toàn”, Trưởng ban Ban Thư ký TAB Hoàng Nhân Chính nhấn mạnh.
Nguồn: Báo Tin Tức