COVID-19: Một loạt các tỉnh dừng các hoạt động lễ hội
Việt Nam ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 nhập cảnh và một ca lây tại khách sạn dùng để cách ly; Hà Nội tạm dừng tổ chức các lễ hội, tuyến phố đi bộ để phòng dịch COVID-19; Hải Dương hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người; Thanh Hóa và Hà Tĩnh tạm dừng tổ chức các lễ hội, sự kiện tập trung đông người… là những thông tin nổi bật được bạn đọc quan tâm trong ngày 27/4.
Ngày 27/4, Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra thực tế tại Trung tâm Y tế huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN
Thêm 4 ca mắc COVID-19 nhập cảnh đã được cách ly
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 27/4, Việt Nam ghi nhận 5 ca mắc mới, đều là công dân Việt Nam, trong đó 4 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thái Nguyên, Hà Nội, Khánh Hòa và một ca lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly ở Yên Bái.
Ca bệnh 2853 (nữ, 25 tuổi), là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Ngày 23/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay JL751 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Thái Nguyên. Kết quả xét nghiệm ngày 26/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ca bệnh 2854 (nam, 40 tuổi), có địa chỉ tại quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ngày 23/4/2021, bệnh nhân từ Đức quá cảnh Singapore nhập cảnh Sân bay Nội Bài trên chuyến bay SQ192 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội. Kết quả xét nghiệm ngày 26/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
Ca bệnh 2855 (nam, 56 tuổi), có địa chỉ tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Ngày 13/4/2021, bệnh nhân từ Nga nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VN5064 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 26/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa.
Ca bệnh 2856 (nữ, 27 tuổi) có địa chỉ tại huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Ngày 24/4/2021, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ2723 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 26/4/2021, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Cam Lâm.
Ca bệnh 2857 (nam, 63 tuổi) lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly ở Yên Bái, có địa chỉ tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái, là lễ tân khách sạn. Bệnh nhân phục vụ hàng ngày tại khu cách ly có chuyên gia Ấn Độ đang cách ly tại khách sạn (trước đó đã ghi nhận 4 trường hợp chuyên gia Ấn Độ cách ly ngay sau nhập cảnh ngày 18/4/2021, có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 tại khách sạn này).
Trường hợp này đã được cách ly tập trung nghiêm ngặt từ ngày đầu tiếp xúc với đoàn chuyên gia tại khách sạn (ngày 18/4). Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Như vậy, Việt Nam đã có tổng cộng 2.857 ca mắc COVID-19, trong đó 1.570 ca mắc do lây nhiễm trong nước, 911 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Việt Nam đã chữa khỏi 2.516 bệnh nhân; ghi nhận 35 ca tử vong liên quan đến dịch COVID-19.
Trong số những bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại các cơ sở y tế có 13 người nhận kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2, 15 người âm tính lần hai và 20 người âm tính lần ba. Cả nước hiện 38.266 người tiếp xúc gần với các bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc nhập cảnh từ vùng dịch, đang được cách ly, theo dõi sức khỏe; trong đó 523 người được cách ly tại bệnh viện, 22.821 người được cách ly tập trung tại các cơ sở khác, 14.992 người được cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Để sống chung an toàn với đại dịch COVID-19, người dân cần tuân thủ Thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang; Khử khuẩn; Khoảng cách; Không tụ tập đông người và Khai báo y tế.
Hà Nội tạm dừng tổ chức các lễ hội, tuyến phố đi bộ để phòng dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới, đặc biệt là tình hình dịch bùng phát mạnh trên diện rộng ở những nước có chung đường biên giới với nước ta, ngày 27/4, Thành ủy Hà Nội có Công văn số 112 - CV/TU yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và nhân dân thủ đô tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Thường trực Thành ủy yêu cầu tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn; tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức hội nghị, sự kiện cần có hình thức phù hợp và phải thực hiện nghiêm các biện pháp và nguyên tắc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Trường hợp phát hiện ca bệnh, cần áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, nhưng không vượt quá quy mô cần thiết và hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.
Nhằm duy trì vững chắc thành quả trong phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch; tiếp tục chỉ đạo kiểm tra, quyết liệt đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn triệt để, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đi về từ vùng dịch mà không khai báo y tế và các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch; chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống có thể xảy ra; vừa phòng, chống dịch, vừa sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở cần tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân nâng cao ý thức, đề cao cảnh giác, chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, không được chủ quan, lơ là; tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.
Người dân trên địa bàn thành phố phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu 5K kết hợp tiêm vaccine phòng, chống dịch, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, các sự kiện, hội nghị và trên các phương tiện giao thông công cộng; đặc biệt phải đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 và trong các hoạt động của công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Hải Dương hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người
Tập trung tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.
Các đơn vị, địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch với phương châm “Phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. Tỉnh cũng củng cố lại Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp, các tiểu ban và duy trì tổ chức hoạt động thường xuyên.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để người nâng cao nhận thức về dịch COVID-19, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc nơi công cộng, nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vaccine phòng chống COVID-19.
Công an tỉnh Hải Dương phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng (Tổ COVID-19 cộng đồng) chủ động rà soát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép theo quy định của pháp luật; tiếp tục giám sát, tổ chức cách ly người nhập cảnh tại các cơ sở y tế tập trung, cơ sở lưu trú theo đúng quy đinh.
Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở, loại hình kinh doanh như: Trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, cơ sở lao động, kinh doanh dịch vụ cà phê, quán ăn… theo các Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch COVID-19 đã được UBND tỉnh Hải Dương ban hành và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu hạn chế tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết, phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn và đúng quy định. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân hạn chế đi thăm quan, du lịch đến những nơi tập trung đông người, những vùng có nguy cơ lây nhiễm cao dịch COVID-19. Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cần hạn chế việc tổ chức tập trung đông người, các hoạt động giao lưu, liên hoan.
Hải Dương tiếp tục tạm dừng hoạt động của các dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh như: massage, karaoke, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, quán game, internet công cộng cho đến khi có thông báo mới.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chúng vaccine phòng chống dịch COVID-19 theo số lượng đã được phân bổ, bảo đảm hiệu quả, an toàn. Các tổ COVID-19 cộng đồng và Tổ an toàn COVID-19 trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; lấy mẫu xét nghiệm tất cả những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở trong cộng đồng, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân luồng, cách ly và xét nghiệm toàn bộ các trường hợp nghi ngờ.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các cơ sở y tế chủ động rà soát nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị, hoàn chỉnh các phương án chủ động ứng phó với dịch COVID-19 trong mọi tình huống với phương châm “4 tại chỗ”. Khi có phát hiện ca bệnh cần áp dụng ngay khoanh vùng, truy vết, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả, đảm bảo an toàn không để sản xuất, kinh doanh đình trệ ở quy mô quá mức cần thiết, hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, đến 17 giờ ngày 27/4, trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã không còn bệnh nhân COVID-19 phải điều trị tại các cơ sở y tế và không còn trường hợp F1, F2 nào phải cách ly tập trung và cách ly tại nhà, nơi cư trú.
Trong đợt dịch bùng phát tại Hải Dương từ 27/1/2021, Hải Dương đã ghi nhận 726 trường hợp mắc COVID-19; 17.561 trường hợp F1 và 84.298 trường hợp F2. Các cơ quan chức năng đã lấy 748.483 mẫu để xét nghiệm SARS-CoV-2.
Thanh Hóa và Hà Tĩnh tạm dừng tổ chức các lễ hội, sự kiện tập trung đông người
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới và một số nước láng giềng, sáng 27/4, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có chỉ đạo dừng tổ chức Lễ khai mạc lễ hội du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa); Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và Lễ khai mạc lễ hội du lịch biển Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn). Kinh phí bắn pháo hoa (xã hội hóa) tại lễ công bố thành lập thị xã Nghi Sơn - Khai trương du lịch biển Hải Hòa sẽ được dành để mua trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, theo kế hoạch của UBND huyện Hoằng Hóa, Lễ hội Du lịch biển Hải Tiến năm 2021 dự kiến tổ chức tại sân khấu chính của Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến vào 20 giờ ngày 1/5, truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa. Còn lễ công bố thành lập thị xã Nghi Sơn - Khai trương du lịch biển Hải Hòa năm 2021 sẽ tổ chức tại Quảng trường Công viên thị xã Nghi Sơn vào 20 giờ, ngày 30/4.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng vừa có ý kiến chỉ đạo về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an toàn cho mùa du lịch biển năm 2021 và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến mới. Tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tiếp tục đề cao cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh; tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và các hướng dẫn phòng, chống dịch của cơ quan y tế.
Thanh Hóa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân và khách du lịch thực hiện tốt Thông điệp 5K trong phòng, chống dịch COVID-19: “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Theo báo cáo sơ bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 tới đây, có khoảng 90% cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà nghỉ tại thành phố biển Sầm Sơn đã có khách đặt trước; 100% khách sạn, nhà nghỉ, homestay ở Khu du lịch Pù Luông (huyện Bá Thước) đã hết chỗ cách đây nửa tháng.
* UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn hỏa tốc số 2494/UBND-VX về việc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu tạm dừng ngay các hoạt động lễ hội, khai trương, các sự kiện tập trung đông người không cần thiết trên địa bàn.
Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị ra thông báo dừng ngay các hoạt động lễ hội, khai trương, các sự kiện liên quan tập trung đông người kể từ 12 giờ ngày 27/4 cho đến khi có văn bản chỉ đạo tiếp theo. Đơn vị, địa phương, cá nhân nào chủ trì tổ chức không chấp hành, vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm.
Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan và người đứng đầu các cấp ở địa phương chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện nghiêm nhiệm vụ phòng chống dịch trên địa bàn; bảo đảm việc tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch đối với tổ chức, cá nhân, việc thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các đám cưới, đám tang; hạn chế khách mời tại đám cưới, khách viếng tại các đám tang. Trường hợp để xảy ra lây nhiễm dịch trong cộng đồng trên địa bàn thì tùy mức độ sẽ bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở Y tế chỉ đạo toàn ngành thực hiện chế độ sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh; triển khai kịp thời việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, đúng đối tượng; tăng cường tầm soát chủ động, xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng; duy trì nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Ngành tiếp tục củng cố năng lực cho hệ thống y tế về truy vết, xét nghiệm, chuyên môn, kỹ thuật, nhân lực để xác định rõ, khoanh vùng, cách ly, kiểm soát chặt chẽ, dập tắt các nguồn lây, không để dịch bệnh lan ra cộng đồng; phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch, quản lý người nhập cảnh cách ly tập trung; chỉ đạo Bệnh viên Đa khoa tỉnh và Bệnh viện đa khoa khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sẵn sàng tiếp nhận, điều trị các ca dương tính.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trong toàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị.
Nguồn: Báo Tin Tức