Chế biến ẩm thực truyền thống dân tộc Thái tại Homestay Phương Đức, bản Che Căn, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ). Ảnh: C.T.V
Thông qua các hoạt động đón khách du lịch, bản sắc văn hóa Thái tại bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) đã và đang được trân trọng, phát huy, các ngành nghề truyền thống được duy trì và phát triển theo hướng hàng hóa. Không chỉ vậy, các sinh hoạt văn hóa truyền thống như dân ca, dân vũ, dân nhạc, lễ hội dần trở thành sản phẩm được khách du lịch tìm kiếm, trải nghiệm. Nhờ đi đúng hướng trong việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững, bản Mển đã trở thành điểm du lịch thu hút nhiều du khách, đồng thời bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống, tiêu biểu trong đó là nghề dệt, thêu thổ cẩm với những sản phẩm, quà tặng đặc trưng dân tộc như: Khăn Piêu, túi đeo, áo, váy… Cùng với nghề dệt thổ cẩm, người Thái ở đây còn lưu giữ, bảo tồn rất tốt kiến trúc nhà sàn truyền thống, hình thành nên tập quán độc đáo trong đời sống sinh hoạt cũng như lao động sản xuất hàng ngày. Tầng trên dành cho sinh hoạt gia đình chủ nhà và tiếp khách, tầng dưới là nơi để khung dệt, nông cụ sản xuất... Nhà văn hóa bản đảm bảo đạt tiêu chuẩn phục vụ các sinh hoạt cộng đồng và phục vụ du khách. Bản đã đầu tư xây mới thêm một số công trình, như nhà vệ sinh, bể nước công cộng. Bên cạnh đó, bản cũng thành lập một tổ ẩm thực gồm 10 thành viên có kinh nghiệm trong chế biến ẩm thực; một đội văn nghệ gồm 15 thành viên với các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống độc đáo, hấp dẫn…
Còn tại bản Che Căn, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ), mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp bình thường đều được nâng tầm lên để thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm cho du khách. Anh Lò Văn Đức, Chủ Homestay Phương Đức cho biết: Gia đình tôi được Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh hỗ trợ tư vấn, đã nâng cấp hai ngôi nhà sàn kề nhau, xây dựng thêm các công trình phụ, mua sắm trang thiết bị đủ phục vụ khoảng 50 khách. Nơi đây có dịch vụ xe đạp dành cho du khách khám phá khắp bản làng với không gian bản thoáng đãng, những con ngõ sạch sẽ, muôn hoa đua sắc, đắm mình giữa thiên nhiên đồng lúa trải dài... Một trải nghiệm thú vị ở đây là ngồi xe trâu ngắm nhìn, khám phá quanh bản với cảm giác lạ lẫm, xen lẫn sự hồi hộp, thích thú. Ngoài ra, thu hái nông sản theo mùa, dùng nơm úp cá... cũng là những trải nghiệm vô cùng hấp dẫn và được nhiều du khách yêu thích, lựa chọn khi đến với bản Che Căn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch cộng đồng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Đội ngũ tham gia công tác phục vụ du khách còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp; các sản phẩm du lịch đặc biệt là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp chất lượng chưa cao; các nghề thủ công truyền thống hiện nay còn rất ít gia đình duy trì; chưa thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm thực tế và mua sắm của khách du lịch; sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành chưa nhiều...
Có thể thấy, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế nông nghiệp là hướng đi cần thiết và quan trọng trong thời gian tới, vừa góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch, bảo tồn, khai thác tốt các giá trị văn hóa truyền thống, vừa mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Để làm được điều đó, trước hết cần tập trung ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng gắn với kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới một cách đồng bộ; có định hướng phát triển sản phẩm một cách hài hòa, phù hợp với điều kiện địa phương. Đồng thời, khai thác những giá trị nổi trội, khác biệt về vị trí địa lý, địa hình và giá trị văn hóa bản địa của Điện Biên để tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc. Ngoài ra cũng cần phát triển tạo những mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống của đồng bào dân tộc gắn với hoạt động du lịch; tăng cường, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ tại các homestay; xây dựng kết nối tour, tuyến của loại hình du lịch nông nghiệp như trồng lúa, trồng hoa, canh tác hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá... Việc khôi phục và phát triển các nghề truyền thống cũng cần được quan tâm. Điều quan trọng là phải tạo nhiều sản phẩm mới mà vẫn duy trì được bản sắc dân tộc. Cùng với đó cũng cần tăng cường sự liên kết, phối hợp, trao đổi giữa các đơn vị lữ hành, các nhà đầu tư với các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương nhằm nhân rộng các mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả.
Nguồn: Tổng cục Du lịch