Tháng 5 tím ngát miền bằng lăng Phước Trung, Ninh Thuận

25/05/2021 1112 0

Tháng 5 tím ngát miền bằng lăng Phước Trung, Ninh Thuận

Ngay con dốc đầu tiên ta đã thấy bằng lăng lấp ló tím rực rỡ ven đường. Leo lên ụ đất, chắc hẳn bạn sẽ òa lên khi nhìn phía thung lũng trải dài đến ngang sườn núi rực sắc hoa.  

Có người bạn ở đồng cừu An Hòa nhắn tin: “Anh lên Phước Trung chụp bằng lăng đi kẻo hoa sắp tàn, năm nay hoa nở sớm”. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vì thời điểm này hoa bằng lăng Núi Tàu vẫn chưa nở, ở Phước Diêm thì mới bắt đầu, sao trên Phước Trung lại “sắp tàn”?

Mặc cho cơn mưa đêm vẫn còn lất phất, sáng sớm tôi phóng xe máy di chuyển 8 km từ trung tâm Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) theo Quốc lộ 1A về hướng Nha Trang tới ngã 3 Lương Cách thuộc xã Hộ Hải, huyện Ninh Hải.

Rẽ trái đi 13 km nữa, qua những địa danh du lịch khá nổi tiếng mà nhiều người biết đó là đồng cừu An Hòa, vườn hoa Eco-Chi là tới Phước Trung. Con đường nối quốc lộ 1A lên các xã vùng cao, qua xã Phước Trung tới trung tâm huyện miền núi Bác Ái được trải nhựa khá tốt, có điều nó chưa được định danh chính thức, gọi là đường liên xã hay liên huyện cũng được.

Nắng cũng đã lên, trời xanh văn vắt, vài lọn mây trắng bềnh bồng ngang phía núi xa, cảnh vật thật là đẹp. Đường ở đây quanh năm khá là vắng các phương tiện giao thông. Cái cảm giác của người sống nơi thị thành ồn ào, được đi về miền cao thật tuyệt vời làm sao. Sau vài cơn mưa đầu mùa, cả vùng khô khát như chợr bừng sức sống.

Không khí trong vắt, thơm thơm mùi cỏ non, ven đường những đồng cỏ cháy vàng hớp hồn giới trẻ và bao nhiếp ảnh gia tới check in, đã bắt đầu nhớm sang màu xanh. Đây chính là thôn Đồng Dày xã Phước Trung, nơi có hồ nước Thành Sơn với đồng cỏ bao la và là nơi tập trung nhiều trang trại nuôi cừu, phải nói là nhiều nhất Ninh Thuận. Địa danh này rất nhiều người vẫn lầm gọi là đồng cừu An Hòa.

Con đường theo hướng Đông Bắc – Tây Nam thoai thoải dốc ngược, đưa ta về phía cuối dãy núi xa xanh, đây là núi Tà Nang có đỉnh cao gần 1.500 mét. Cảm giác lên cao khi gần tới trung tâm xã Phước Trung, vượt một con đèo nhỏ, đoạn đường uốn lượn, lên xuống len giữa những mỏm đồi cũng thật thú vị.

Ngay con dốc đầu tiên ta đã thấy bằng lăng lấp ló tím rực rỡ ven đường. Leo lên ụ đất ven đường chắc hẳn bạn sẽ òa lên khi nhìn phía thung lũng trải dài đến ngang sườn núi rực sắc hoa. Di chuyển qua các tuyến đường ở trung tâm xã, vòng qua hồ thủy lợi Sông Sắt, ngược lên phía cầu Ô Căm đi đâu cũng bắt gặp hoa Bằng Lăng đang rộ.

Bằng lăng ở Phước Trung cũng là loại Thầu Lâu theo cách gọi của dân địa phương, khác với các loại Bằng lăng Sắn hay Ổi. Bằng lăng Thầu Lâu thân không thẳng, có gai xù xì. Bằng lăng ở đây có vẻ cao hơn các nơi khác, có cây mọc ngay ven đường hay cây trong đài tưởng niệm liệt sĩ của xã cao 8 – 10 mét. Có thể do không sống thành quần thể như ở nơi khác mà chúng mọc xen với các loại cây rừng khác, để có thể tồn tại và phát triển nên cây buộc phải vươn lên cao theo cách tự nhiên.

Và cũng như các nơi khác, Bằng lăng Phước Trung không mọc dưới đồng bằng thấp trũng, mà chỉ sinh sống từ chân đồi lên đến ngang sườn núi và cũng không thấy mọc ở nơi cao quá, đi qua trung tâm xã về hướng huyện lỵ Bác Ái vài km, cũng không còn thấy bằng lăng sinh sống nữa.

Bằng lăng ở núi khi mùa khô thì lá rụng hết, chỉ còn thân cành trơ trụi nhưng sau vài cơn mưa thì cả khu rừng vàng vọt chợt như bừng dậy chồi non, đi theo đó là mầm hoa. Thì ra hoa nở sớm hay muộn còn phụ thuộc vào năm ấy mưa sớm hay trễ nữa. Hoa Bằng lăng đơm thành từng chùm ken nhau chi chít, khi mới nở thì tím rực rỡ, sau đó cánh chuyển dần sang màu trắng. Cho dù mới nở hay đang cuối mùa, thì bằng lăng núi cũng tạo thành những mảng chấm phá thật lãng mạn.

Nếu bạn leo lên sườn đồi ngắm hoa, bạn cũng sẽ bất chợt nghe tiếng lanh canh bởi những chiếc chuông đeo trên cổ các con dê đang len lỏi ăn lá rừng. Gặp một người chăn dê hỏi hoa đẹp thế này có ai lên bứng không? Chị phụ nữ người Raglai thản nhiên nói: “Để nó trên rừng cho mọi người cùng ngắm nó mới đẹp, đem về nhà làm của riêng không tốt đâu. Trong làng cũng có bằng lăng, nhưng đấy là cây vốn đã ở đó từ khi định canh, định cư. Ai tới đây bứng cây cán bộ kiểm lâm và cả người dân không cho đâu”.

Thỉnh thoảng thấy nhóm vài người dưới thành phố lên đây ngắm hoa, chụp ảnh. Một chị cho biết: “Mùa dịch bệnh hạn chế đông người tụ tập tại các khu du lịch, chị em trong nhà rủ nhau lên đây ngắm hoa. Khung cảnh núi rừng bản làng yên tĩnh, người dân tộc ở đây thì hiền hòa dễ mến… cảm giác thật sự là thú vị…”. 

Tháng 5 đi về miền Bằng lăng Phước Trung, tới đây để hòa mình với thiên nhiên, để ngắm hoa rừng rồi mang về cho mình cảm giác thư thái trong lòng, tâm hồn thì dường như man mác trong cái tĩnh lặng bát ngát màu xanh của đại ngàn…                                                       

 

Nguồn: Báo Pháp Luật

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu