Tác động tiêu cực của BĐKH đến phát triển ngành Du lịch
Có thể xác định, BĐKH là một trong những mối nguy hiểm lớn, đe dọa đến sự sống của nhân loại với mức độ tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi BĐKH. Các nhà khoa học đã tổng kết, trong hơn 50 năm qua, nhiệt độ trung bình cả nước tăng khoảng 0,620C, mực nước biển đã tăng khoảng 3,34 mm/năm, thiên tai gia tăng cả về cường độ và tần suất. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo của đất nước. Tổn thất và thiệt hại sẽ tiếp tục gia tăng trong tương lai, đòi hỏi cần có các hành động gấp rút để kịp thời giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH.
Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH với sự gia tăng cả về số lượng và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường (bão, mưa lớn, lũ lụt, hạn hán, triều cường…). Từ năm 2015 đến nay, BĐKH đã diễn ra với tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn so với những dự báo trước đây; sự gia tăng tần số, cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có ngày càng xuất hiện thường xuyên và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh: những đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt cao đạt mức kỉ lục và kéo dài trên diện rộng từ Bắc Bộ đến các tỉnh Nam Trung Bộ; mưa lớn gây sạt lở đất; nước biển dâng; cạn kiệt nguồn nước tại các vùng ven biển; dông lốc, mưa đá và lốc xoáy đã xảy ra tại một số địa phương hay rét đậm rét hại và băng tuyết ở miền Bắc, mưa lớn trái mùa ở Quảng Ngãi, miền Nam… Những hiện tượng này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất của BĐKH; ảnh hưởng đặc biệt tới các vùng ven biển, cửa sông của Việt Nam, gây ra các hiện tượng xâm thực của nước biển, xói lở bờ biển, phá hủy rừng phòng hộ ven biển, thu hẹp diện tích đất, trong đó có đất nông nghiệp và ảnh hưởng đến chất lượng nước ngọt (do sự xâm nhập mặn) và suy thoái môi trường đất. Thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về sức khỏe, tính mạng con người, nền kinh tế, tài sản và trực tiếp để lại hậu quả nghiêm trọng đối với chất lượng môi trường.
Đối với hoạt động du lịch, BĐKH đã và đang có những tác động tiêu cực và nặng nề, đặc biệt là các khu, điểm du lịch ven biển đang bị tác động gây thiệt hại cả về vật chất và phát triển kinh doanh. Theo kịch bản BĐKH của Việt Nam (do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016), nếu mực nước biển dâng 100cm và không có các giải pháp ứng phó, khoảng 1,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và nhiều cụm đảo Vân Đồn, Côn Đảo, Phú Quốc có nguy cơ ngập cao. Bên cạnh đó, BĐKH cũng là nguyên nhân khiến nhiều chương trình du lịch của du khách bị hủy hoặc thay đổi: nắng nóng kéo dài khiến thời gian đi tham quan ngoài trời phải rút ngắn; thiên tai bão lũ khiến nhiều đoàn khách phải hủy, hoãn chuyến hoặc chuyển hướng du lịch sang nơi khác.
Nhận thức được ảnh hưởng trực tiếp nghiêm trọng của BĐKH đến lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch vùng ven biển: lữ hành, lưu trú, dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí... Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phê duyệt 7 nhóm nhiệm vụ cho ngành Văn hóa – Thể thao – Du lịch, trong đó có 3 nhóm nhiệm vụ nhằm nâng cao khả năng khai thác các hoạt động du lịch trong điều kiện BĐKH: một là, rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu du lịch, các điểm nghỉ dưỡng nhằm thích ứng BĐKH; hai là, tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt chú trọng đối với các khu, điểm du lịch; ba là, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp thích ứng với BĐKH.
Lồng ghép giới để ứng phó tốt với biến đổi khí hậu
Trước tình hình đó, lồng ghép giới trong các chính sách ứng phó với BĐKH thuộc các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế - xã hội đang được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu và thực sự cần thiết để đánh giá các tác động của BĐKH gắn với yếu tố giới trong từng lĩnh vực đó, nhằm kêu gọi hành động ứng phó kịp thời.
Việt Nam luôn tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế thực hiện các nỗ lực ứng phó, thích ứng với BĐKH, đã ký kết, phê duyệt, cam kết và thực hiện các yêu cầu của quốc tế trong Thỏa thuận Paris về BĐKH, đã hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) gửi Ban Thư kí của Công ước khung Liên Hiệp Quốc về BĐKH vào tháng 09/2020, trong đó đã đề cập đến tác động giới của BĐKH nhưng chưa thể hiện được nội dung lồng ghép vấn đề giới vào các khuôn khổ chính sách, làm cơ sở cho việc thực hiện các nội dung của bản NDC cập nhật.
Tuy nhiên, một thực tế hiển nhiên cho thấy công tác lồng ghép giới vào chính sách, cơ chế ở các cấp, các ngành chưa được triển khai đồng bộ, nhất quán; sự thiếu thông tin, dữ liệu và năng lực kĩ thuật hạn chế của những nhà hoạch định chính sách thường cản trở việc triển khai các chiến lược giới theo ngành, lĩnh vực cụ thể; cũng từ đó đã làm hạn chế khả năng lồng ghép giới và xem xét vấn đề bình đẳng giới trong chính sách, thể chế, chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động và quá trình triển khai thực hiện.
Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2030; xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 và Quy hoạch tổng thể hệ thống du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là những đường lối, chính sách, chiến lược, kế hoạch mang tính sống còn, đặt ra cho ngành công nghiệp du lịch những nhiệm vụ hết sức cụ thể và cấp bách như: Tập trung cơ cấu lại ngành du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch thông minh, thân thiện với môi trường; nâng cao vai trò tham mưu quản lí nhà nước về du lịch, chú trọng công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực du lịch, triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách phát triển thị trường du lịch nội địa và du lịch quốc tế...
Trong đó bao gồm và không giới hạn tất cả các chính sách, chiến lược, kế hoạch hành động và các nhóm nhiệm vụ cụ thể nêu trên nhằm phát triển du lịch bền vững trong cơ cấu kinh tế hiện đại của đất nước đều phải gắn chặt với nền tảng bảo vệ môi trường, ứng phó, thích ứng với BĐKH, mà trong đó cần đề cập về tầm quan trọng của bình đẳng giới, là cơ sở quan trọng để lồng ghép giới. Theo đó, các mục tiêu chính sách cần chuyển thành hành động cụ thể mang tính nhạy cảm giới để phù hợp với ưu tiên quốc gia, ngành và địa phương. Nhiệm vụ giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới trong bối cảnh ứng phó với BĐKH nhằm phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực nói chung và du lịch nói riêng cần được quán triệt và giao trực tiếp cho các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lí từ trung ương đến địa phương xây dựng, triển khai trên cơ sở tham chiếu các quy định của luật, chiến lược, chương trình hiện hành về giới và bình đẳng giới, đặc biệt là Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 để đảm bảo các văn bản pháp quy đều có nhạy cảm giới.
Nhân dịp kỉ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2021) và bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kì 2021-2026 (ngày 23/5/2021), Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có bài viết quan trọng: “Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong đó khẳng định: “Thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh” trong sự nghiệp xây dựng xã hội Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh... phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai”, trong quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Phát triển du lịch bền vững không thể thiếu vai trò quan trọng của nữ giới
Việc lồng ghép giới trong chính sách và hành động về BĐKH giúp việc triển khai những hành động này hiệu quả và công bằng hơn nhờ vào việc tính đến nhu cầu, thách thức và năng lực của cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, việc thiếu vắng vấn đề lồng ghép giới trong các hoạt động quản lý và hoạch định chính sách của các ngành kinh tế - xã hội nói chung và ngành Du lịch nói riêng vẫn đang là một thực trạng cấp bách cần được nghiên cứu giải quyết cụ thể. Công tác hoạch định chính sách ngành được giao cho các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó sự tham gia của nữ giới thường bị hạn chế (kể cả du lịch là lĩnh vực có nguồn nhân lực lao động nữ dồi dào hơn). Có thể nói, trong tất cả các ngành đều tồn tại rào cản mang tính cấu trúc, hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ tới tài nguyên thiên nhiên, thông tin, thị trường, công nghệ... kể cả cơ hội đào tạo cũng bị hạn chế, khiến họ gặp khó khăn trong phát triển năng lực thích ứng với BĐKH - một yêu cầu mang tính sống còn của một cộng đồng xã hội có sức chống chịu với BĐKH.
Nội dung lồng ghép vấn đề giới chưa được đề cập trong Luật Du lịch 2017, trong các văn bản quy định dưới Luật và các chính sách, kế hoạch phát triển du lịch xanh, bền vững, ứng phó vàthích ứng với BĐKH yếu tố giới đều chưa được đưa vào cụ thể; chưa có bất cứ mục tiêu hay biện pháp đảm bảo bình đẳng giới nào được xác định để giải quyết tình trạng dễ bị tổn thương hoặc thiếu quyền ra quyết định của nữ giới trong ứng phó BĐKH đối với lĩnh vực du lịch và các lĩnh vực khác liên quan (xây dựng, giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lí tài nguyên nước, quản lý chất thải, năng lượng tái tạo,...). Điều này dẫn đến việc chưa có các hướng dẫn lồng ghép giới và cơ chế giám sát, đánh giá lồng ghép giới trong hầu hết các lĩnh vực nói chung.
Có thể thấy một nguyên nhân chủ quan, mang tính thiên chức của người phụ nữ là cùng một lúc phải hoàn thành cả hai trách nhiệm – vừa tham gia sản xuất, vừa sinh con và chăm sóc gia đình, nên họ có rất ít cơ hội (so với nam giới) tham gia vào quá trình ra quyết định ở các cấp, quá trình tham mưu, tham vấn cộng đồng. Do đó, các quyền bình đẳng của họ thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua trong cách tiếp cận cũng như trong những pháp luật lao động liên quan mà lẽ ra phải bảo vệ họ một cách đầy đủ. Chuẩn mực giới cũng là những yếu tố hạn chế sự tham gia bình đẳng của phụ nữ hay hệ lụy của những quan niệm truyền thống “Trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại trong suy nghĩ và hành động của cộng đồng xã hội Việt Nam đương đại, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, là nguồn cơn của bạo lực gia đình.
Báo cáo của Việt Nam do Viện Chiến lược, Chính sách, Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) và Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) xây dựng đã xác định mối liên hệ mật thiết giữa giới và BĐKH để các nhà hoạch định chính sách có thể sử dụng trong xử lí các lỗ hổng và thách thức khi thực hiện các can thiệp giảm nhẹ và thích ứng với BĐKH, nhằm giải quyết các tổn thương (bất bình đẳng) về giới, các rào cản đối với việc ra quyết định của phụ nữ - những người có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo một tương lai phát triển bao trùm và bền vững.
Nguồn: Tạp chí Du lịch