Thăm làng dệt cổ Mỹ Nghiệp của đồng bào Chăm Ninh Thuận
Ninh Thuận vốn được biết đến là vùng đất tập trung nhiều đồng bào Chăm nhất cả nước. Cùng với làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp được coi là hai đại diện tinh hoa nhất của đồng bào dân tộc Chăm nơi
NDĐT- Được coi là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm, làng nghề Mỹ Nghiệp ngày nay là một trong hai làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất của tỉnh Ninh Thuận. Trải qua hàng thế kỷ tồn tại, nghề dệt thủ công Mỹ Nghiệp ngày nay vẫn được duy trì phát triển trong cộng đồng dân cư, là điểm nhấn tham quan hấp dẫn của xứ "Nắng như Phan, gió như Rang".
Cổng chính vào làng Mỹ Nghiệp. Ngày nay, làng nghề dệt Mỹ Nghiệp nằm ở địa bàn thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, ngoại thành và cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 12km về phía nam theo lối quốc lộ 1A.
Con đường trung tâm làng Mỹ Nghiệp với những ngôi nhà xinh xắn rực rỡ màu sắc của đồng bào Chăm. Ngày nay, toàn Mỹ Nghiệp có 700 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu, thì đã có tới 500 thợ dệt tay nghề cao, đầy kinh nghiệm gắn bó lâu năm với khung dệt.
Ấn tượng nhất của làng nghề chính là các sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công, lưu giữ đời này sang đời khác bằng hình thức "mẹ truyền con nối". Phụ nữ làm nhiệm vụ chính dệt vải, đàn ông sẽ nhận trách nhiệm cắt may thổ cẩm thành sản phẩm.
Lịch sử ghi lại rằng trước kia làng có tên Chăm là Ca Klaing, tên tiếng Việt là Mỹ Nghiệp. Thế kỷ XVII, một người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất này, nhận thấy khí hậu nơi đây thích hợp với việc trồng bông lấy tơ dệt vải. Bà đã truyền lại nghề cho Ong Xa và bà Chaleng là hai vợ chồng đang sinh sống ở làng. Từ đó, cùng với làng gốm Bàu Trúc, Mỹ Nghiệp đã được phát triển đến tận ngày nay.
Nguyên liệu chính làm nên thương hiệu dệt Mỹ Nghiệp chính là cây bông vải được trồng tại chính địa phương. Sau đó,phải trải qua rất nhiều công đoạn: bông sau khi thu hoạch được tách hạt, se sợi, cuộn, ngâm, dập, nhuộm, hồ, chải, đánh bóng rồi đem phơi...
Khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng mà vẫn hài hòa. Thổ cẩm Mỹ Nghiệp chọn màu đen là màu chủ đạo, màu nền cho tấm vải. Tất cả các màu đều được làm từ lá, vỏ cây rừng, như màu đen lấy từ lá cây chùm bầu đem ngâm bùn non, màu đỏ từ mủ cây cánh kiến, màu xanh từ lá vỏ cây tràm...
Để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, toát lên được những tinh hoa văn hóa truyền thống Chăm đặc sắc là cả một quá trình công phu của những người phụ nữ làng Mỹ Nghiệp. Bạn khó tìm được sự lặp lại, trùng lặp về hoa văn, kiểu cách dù các tấm vải cùng do một nghệ nhân làm ra.
Các biểu tượng hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc Chăm: hình quả trám, hình rồng cách điệu, thần đèn, thần Siva... và gần đây đã phát triển có thêm hình voi Tây Nguyên, hoa mai của người Kinh...
Ngoài sản phẩm tấm thổ cẩm thô, làng Mỹ Nghiệp hiện tại đã có rất nhiều sản phẩm đa dạng khác, phải kể đến khăn rằn, khăn Chăm, túi xách, ví, áo sơ mi, áo khoác, váy, mũ, khăn trải bàn, khăn trải giường...
Nghệ nhân Mỹ Nghiệp đang tiếp và kể chuyện dệt vải cho du khách. Đến thăm làng dệt Mỹ Nghiệp, bạn không chỉ được dịp tận mắt chiêm ngưỡng những tấm thổ cẩm đa dạng màu sắc mà còn được xem, nghe, kể về văn hóa đồng bào Chăm, những câu chuyện về nghề dệt. Đặc biệt, tọa lạc ngay trung tâm làng nghề hiện nay là một nhà trưng bày sản phẩm và trình diễn nghề dệt, là điểm nhấn du lịch thu hút rất đông du khách.
Nguồn: Báo Nhân dân