Khám phá huyệt đạo Quốc gia tại Hòn Đỏ Ninh Thuận

01/07/2021 3642 0

Khám phá huyệt đạo Quốc gia tại Hòn Đỏ Ninh Thuận

 Bia trấn thủ biển Đông tại Hòn Đỏ Ninh Thuận [Ảnh: Mai Vinh]

Hòn Đỏ là địa điểm tham quan, kết hợp trải nghiệm sinh thái nổi tiếng tại Ninh Thuận. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đây còn là nơi gắn liền với di chỉ văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh, huyền tích Pô Bia Sôi (Po Bia Chuai) – Tương truyền bà là Hoàng hậu của người Chăm. v.v. đồng thời là nơi đặt Bia trấn thủ biển Đông – một trong những huyệt đạo quan trọng của Quốc gia.

Di chỉ Khảo cổ học Hòn Đỏ, nay thuộc thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải. Di chỉ được phát hiện từ năm 1972 và khai quật năm 1979. Tầng văn hóa ở Hòn Đỏ, gồm 3 lớp: lớp dưới, là nơi cư trú của cư dân hậu kỳ đá mới; lớp giữa và lớp trên, là nơi cư trú và mộ táng thuộc văn hóa khảo cổ học Sa Huỳnh. 

Hiện vật thu được kể cả theo địa tầng và trên mặt đất, gồm có đồ đá: rìu, cuốc, dao găm, mũi nhọn, vòng đá, hoa tai, bàn mài; đồ sắt có dao găm; đồ gốm có nhiều loại. Hòn đỏ, thuộc hậu kỳ đồ đá mới và văn hoá khảo cổ học Sa Huỳnh. 

Bên cạnh đó phía Tây Hòn Đỏ, sát với biển Mỹ Hiệp còn có một giếng cổ Chăm, nay bị lấp và xung quanh là các mảnh gốm vỡ thuộc dòng gốm nhà Minh, Việt, Chăm tráng men, dấu tích của một thương cảng cổ, nhưng do trồng phi lao nên khó tìm thấy dấu vết. Những hiện vật trên hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và một số tại Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận.

Vị trí Hòn Đỏ là huyệt đạo thứ ba của Quốc gia. Bia thứ nhất đã dựng tại đảo Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; Bia thứ hai đã dựng tại Đồn Biên phòng Pha Nông, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.

Việc xây dựng bia tại Hòn Đỏ có sự trao đổi và thống nhất giữa các cấp. Mục đích dựng bia Hòn Đỏ không phải để thờ cúng, mà là bia tuyên ngôn về chủ quyền và dùng trấn giữ biển Đông. Trên bia có hình Quốc huy CHXHCN Việt Nam và có nội dung:

“Nam quốc kỷ quyền 

(Đất nước Việt Nam là đất nước có chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm)

Dành định sắc phong 

(Việt Nam đã nhận được sắc phong về việc này)

Thái hòa can tệ 

(Việt Nam sẽ nhận được nền hòa bình tốt đẹp)

Dậu rành Nam Quốc 

(Việt Nam có đường biên giới rõ ràng)”.

Theo bút ký lưu truyền lại (Ký truyền), việc dựng bia được định vào ngày Mùng một, tháng Chạp năm Quý Tỵ trùng với Dương lịch là ngày 01/01/2014. Một đoàn từ Hà Nội vào đã làm lễ và đặt bia in trên vải bạt vì không kịp chuẩn bị.

Bia trấn thủ biển Đông tại Hòn Đỏ Ninh Thuận [Ảnh: Mai Vinh]

Mặt sau bia trấn thủ biển Đông ở Hòn Đỏ [Ảnh: Mai Vinh]

Tham dự buổi lễ có lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận và đại diện UBND xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải. Hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, ngày 25/4/2015 bia đá đã được dựng như hiện nay.

Bia Hòn Đỏ là bia tuyên ngôn về chủ quyền và dùng trấn giữ biển Đông, nằm trong khu vực được UBND tỉnh giao cho Lữ đoàn Đặc công nước 5 quản lý, Sở VHTTDL trân trọng đề nghị Thủ trưởng Lữ đoàn cùng phối hợp để bảo vệ bia cũng như quán triệt, giáo dục bộ đội và tuyên truyền đối với nhân dân trong khu vực biết về mục đích và nội dung của bia Hòn Đỏ.

Đây là tài sản chung của Quốc gia, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Ninh Thuận được giao trách nhiệm liên hệ xây dựng và phối hợp với địa phương quản lý bia này. Trên bia có hình Quốc huy Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam và có nội dung: Tuyên ngôn về chủ quyền và dùng trấn giữ biển Đông.

Không gian cảnh quan Hòn Đỏ trước 1994, hoang sơ, chủ yếu cây dứa dại, cỏ chông bay, vài cây phi lao già cỗi và một vùng cát đỏ mênh mông thơ mộng. 

Nền tảng của Hòn Đỏ được xem như một đảo san hô cổ, đen sì như các đảo nhỏ lân cận. Nhưng gió đã đưa cát đỏ trong đất liền để nâng cao thành bán đảo Hòn Đỏ. Những phiến đá san hô cổ ở đây, tạo một sự liên tưởng về hình thù con người và động vật khi hoàng hôn buông xuống, tạo cho chúng ta một cảm giác mạnh, bí ẩn. Có thể cắm trại, tùy theo mùa gió Nam hoặc mùa gió Bắc. 

Mùa gió Bắc có thể chiêm ngưỡng những con sóng lớn đổ vào bờ san hô phía Đông bọt tung trắng xóa. Mùa gió Nam êm hơn, chúng ta có thể câu cá, thả diều hay ngắm cảnh đẹp của bầu trời xanh lơ, biển xanh thắm và cây cỏ nở hoa thật thú vị. 

Đêm xuống “Thành phố trên biển” được tạo bởi đèn của thuyền câu mực, đánh cá; Và một bên là thành phố trẻ Phan Rang – Tháp Chàm lung linh trong sắc màu đèn đêm huyền diệu.

Cuối tháng 4 đầu tháng 5 Dương lịch đến đây du ngoạn, vừa được thưởng thức thú vui câu cá, thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên và viếng đền thờ Bà Đỏ, xem bia ký 4 mặt bằng chữ Phạn… 

Đi khám phá xung quanh và tuyến phòng thủ, chắc chắn sẽ gây ấn tượng mạnh mà khi rời xa khi không thể nào quên.

Năm 2021, sau khi kết thúc Lễ hội Po Bin Thuer, tại Thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tối 05/5/2021 dân làng Bỉnh Nghĩa di chuyển về Cửa Ngâm, thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, để tổ chức dựng rạp lễ, cắm trại và giao lưu văn nghệ. 

Đây là nơi trình diễn các điệu múa dân gian và múa phồn thực. Nơi giao lưu văn hóa giữa người Chăm Bỉnh Nghĩa và người Kinh trong khu vực lân cận.

Đến 8 giờ sáng, ngày 06/5/2021 tổ chức Lễ hội Po Bia Chuai, tại Miếu Bà Đỏ, thôn Mỹ Hiệp, xã Thanh Hải. Đây là nơi diễn ra một chuỗi trong Tập quán xã hội và tín ngưỡng của làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, đã được Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 606/QĐ-BVHTTDL, ngày 03/02/2021.

Tiếp theo là Lễ hội Paralao Kasah (Cầu đảo), tổ chức từ 15 giờ, ngày 06/5/2021 tại cửa Ngâm. Đây là một nghi lễ đặc biệt diễn ra tại cửa biển./.

Nguồn: khamphaninhthuan.com

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu