Ninh Thuận đột phá trong phát triển du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng ở Ninh Thuận có bước phát triển mạnh, nhiều cá nhân, đơn vị đã đẩy mạnh đầu tư, biến những mảnh đất thuần nông trở thành điểm du lịch mới gây được ấn tượng với du khách.
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại làng bích họa Hòn Thiên (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, tỉnh Ninh Thuận đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng.
Tỉnh phấn đấu sớm trở thành điểm đến hấp dẫn với đa dạng các loại hình du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Khai thác thế mạnh vẻ đẹp làng quê
Tại Ninh Thuận, thời gian gần đây du lịch cộng đồng có bước phát triển mạnh, nhiều cá nhân, đơn vị đã đẩy mạnh đầu tư, biến những mảnh đất thuần nông trở thành điểm du lịch mới gây được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Điển hình như mô hình du lịch Tháp Chàm Farm với không gian tái hiện cảnh làng quê Việt Nam của anh Mai Đình Nguyên Vũ ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình du lịch, anh Vũ cho biết, với mong muốn phát triển quê hương, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân thành phố và vùng phụ cận, năm 2020 anh lên ý tưởng và đầu tư trên 1 tỷ đồng thiết kế khu du lịch Tháp Chàm Farm.
Khu du lịch rộng hơn 6.000 mét vuông, gồm các hạng mục ruộng lúa và khu vực tái hiện cảnh nông thôn với hình mẫu xe trâu, cây rơm, nhà kho, trang trại nuôi cừu, các vật dụng sinh hoạt trong gia đình xưa, kết hợp bài trí một số tiểu cảnh mới lạ để tạo thêm điểm nhấn thu hút du khách.
Vào lúc cao điểm Tháp Chàm Farm đón hàng trăm lượt khách đến tham quan mỗi ngày.
Tham gia “check in” tại Tháp Chàm Farm, chị Lê Thu Hương du khách trong tỉnh cho hay ngoài các danh lam thắng cảnh, di tích trên địa bàn đã đi nhiều lần đến quen thuộc, đây là điểm du lịch mới mẻ thu hút người dân địa phương và du khách tham quan.
Đến đây, ngoài thỏa sức chụp ảnh bên những phối cảnh không gian đẹp, du khách còn có không gian yên bình để nghỉ ngơi bên những thửa ruộng thơm mùi mạ non hấp dẫn.
Ở một không gian rộng lớn hơn, khai thác thế mạnh vẻ đẹp làng quê vùng biển, anh Nguyễn Thái Lai (xã Tân Hải, huyện Ninh Hải) xây dựng mô hình du lịch cộng đồng làng bích họa Hòn Thiên.
Làng bích họa mới đưa vào hoạt động gần đây song đã tạo nên "luồng gió mới" cho hoạt động du lịch của địa phương.
Để thực hiện mô hình du lịch, anh Lai đầu tư gần 200 triệu đồng mời các họa sỹ về vẽ những bức tranh trên những bức tường cũ của nhà dân trong làng nhằm giới thiệu vẻ đẹp phong phú của Ninh Thuận tới du khách, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Ghé làng bích họa Hòn Thiên, ngoài tham quan, chụp ảnh, du khách còn có dịp trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị khác như leo núi ngắm bình minh và chụp ảnh nghệ thuật lúc hoàng hôn, chèo thuyền khai thác cá, tôm ở Đầm Nại, thưởng thức các món ngon hải sản, mua các sản phẩm hải sản tươi ngon được người dân khai thác trong ngày cùng những trải nghiệm văn hóa đặc sắc khác của ngư dân làng biển.
Bên cạnh những tour du lịch đã trở thành thương hiệu, điểm đến nổi tiếng của tỉnh Ninh Thuận như: Làng gốm Chăm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp, làng nho Thái An, thời gian qua nhiều khu, điểm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái có quy mô lớn được các tổ chức và cá nhân quan tâm, đầu tư khá nhanh như: Khu du lịch văn hóa và sinh thái Sen Charaih (huyện Ninh Phước); khu du lịch dã ngoại Tanyoli, khu du lịch Nam Hoa Viên (huyện Thuận Nam); khu du lịch sinh thái cộng đồng Núi Chúa Village (huyện Thuận Bắc) khu du lịch vườn trái cây Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn)... đang trở thành điểm đến mới mẻ, thú vị.
Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, địa phương có tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng đồng, bên cạnh cảnh quan thiên nhiên đa dạng có núi rừng, biển, đồng bằng, địa hình bán sa mạc, tỉnh có Vườn quốc gia Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình; Ninh Thuận còn là miền đất phong phú về lịch sử, văn hóa, là điểm hội tụ của phong tục, truyền thống đồng bào Chăm và Raglai.
Cùng với đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc thù như nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây xanh, cừu, dê... Đây là những sản phẩm đang được các địa phương tập trung khai thác để phát triển du lịch cộng đồng.
Qua đánh giá, những mô hình du lịch cộng đồng trên đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Không chỉ phát huy được thế mạnh tự nhiên, văn hóa bản địa của các dân tộc, những mô hình này còn góp phần tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tại chỗ rất hiệu quả cho cộng đồng cư dân cư địa phương.
Du khách chọn mua sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công tại làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Người dân không chỉ đơn thuần sản xuất mà còn kết hợp làm du lịch, dịch vụ để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tạo thêm việc làm từ các hoạt động du lịch phụ trợ để nâng cao thu nhập, góp phần vào sự phát triển của địa phương.
Để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Đề án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2019-2022 với tổng kinh phí thực hiện trên 20,4 tỷ đồng, triển khai thực hiện tại 13 điểm trên địa bàn như: Làng du lịch sinh thái dân tộc Raglai (huyện Bác Ái); du lịch làng nho Thái An (huyện Ninh Hải); hợp tác xã làng nghề gốm; làng nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm; vùng trồng rau và nho an toàn (huyện Ninh Phước); vùng cây ăn trái Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn)...
Các địa phương nằm trong đề án được đầu tư về hạ tầng giao thông nông thôn, xây dựng nhà sàn, nhà cộng đồng, cải tạo cảnh quan môi trường để phục vụ du lịch cộng đồng.
Cùng với đầu tư hạ tầng, hiện nay tỉnh đang đây mạnh hỗ trợ tập huấn, đào tạo kỹ năng cho người dân địa phương làm du lịch, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo điểm đến an toàn và xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch của các địa phương.
Năm 2021, tỉnh Ninh Thuận hướng tới mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt 200.000 lượt, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.250 tỷ đồng.
Để đạt mục tiêu, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ.
Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh huy động các nguồn lực, ý tưởng từ các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng; tăng cường tổ chức nhiều đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành nhằm giúp các địa phương xây dựng các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách./.
Nguồn: vietnamplus.vn