Thời điểm này, trong lúc chờ những quyết sách mạnh mẽ hơn từ Chính phủ cho việc phục hồi nền kinh tế xanh, lãnh đạo ngành du lịch cũng cần thay đổi nhận thức và có chiến lược, lộ trình cụ thể hơn.
Du lịch Việt có nhiều tiềm năng để phát triển. (Ảnh minh họa: Mai Mai/Vietnam+)
Đang trên đà phát triển như vũ bão giai đoạn 2016-2019, với các mốc tăng trưởng kỷ lục về cả lượng khách quốc tế, nội địa và tổng thu từ du lịch, thế nhưng bước sang 2020 đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến khoảng 90% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa; tổng thu từ khách du lịch giảm tới hơn 60%...
Thực tế đòi hỏi không chỉ việc Chính phủ cần ra tay cấp cứu nền kinh tế xanh mà còn đặt ra thách thức muốn phát triển bền vững trong tương lai, ngành du lịch phải xác định được lộ trình cụ thể, bài bản để vừa khắc phục khó khăn vừa tạo động lực mạnh mẽ để hồi phục và bứt phá.
Vậy lãnh đạo ngành đã chuẩn bị kế hoạch gì cho giai đoạn tới 2021-2025?
Cần đi bằng “hai chân”
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng.Theo đó, chương trình phải đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm tạo đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của toàn ngành du lịch cùng các ngành liên quan trên lộ trình đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, giữa bối cảnh thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị lấy ý kiến để hoàn thiện chương trình hành động này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận du lịch nhằm cơ cấu lại thị trường và nhìn nhận lại tầm quan trọng của thị trường khách nội địa.
Bộ trưởng cho rằng phải làm sao tận dụng, khai thác thị trường gần 100 triệu dân Việt Nam để du lịch đi vững bằng cả “hai chân” quốc tế và nội địa, đảm bảo tính cân bằng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên và có lộ trình.
“Bài toán lượng và chất cũng cần tính toán lại. Thay vì tăng trưởng số lượng khách, ngành du lịch càng cần tập trung gia tăng mức chi tiêu của khách khi đến Việt Nam cũng như mức đóng góp của du lịch cho nền kinh tế nước nhà,” người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 đặt ra bảy nhiệm vụ trọng tâm: Tổng kết, đánh giá, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại, công nghệ số trong ngành du lịch; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; phát triển sản phẩm và quản lý chất lượng dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thị trường lao động du lịch bền vững; phát triển thị trường, tăng cường xúc tiến, quảng bá và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về du lịch.
Các nhiệm vụ này được cụ thể hóa bằng 17 đề án, nhiệm vụ trọng tâm. Các chuyên gia đánh giá chương trình hành động đã nêu được những giải pháp mang tính căn cơ, vừa giúp du lịch vượt khó vừa tạo đà phát triển bền vững trong tương lai.
Có một số nội dung được đánh giá bám sát thực tiễn, giải quyết nhiều tồn đọng trước mắt như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động du lịch khắc phục khó khăn bởi dịch COVID-19 gắn liền các biện pháp hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, cho vay ưu đãi, giãn nợ, khoanh nợ, hỗ trợ việc làm, đề xuất giảm phí, lệ phí các thủ tục, giảm tiền ký quỹ kinh doanh…; đẩy mạnh số hóa, ứng dụng các công nghệ hiện đại nhằm tạo hệ sinh thái du lịch thông minh.
Nền tảng kết nối đặc biệt
Một chiến lược tổng thể và lộ trình dài hơi từ cấp Bộ là cần thiết, nhưng ngay lúc này Tổng cục Du lịch đã chính thức đưa vào hoạt động “Trang vàng du lịch Việt Nam” từ ngày 9/7, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và khách hàng.
Đây là không gian giao lưu mở, chính thống, giúp du khách tiếp cận những thương hiệu và sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao với giá cả được niêm yết công khai, có chấp nhận thanh toán điện tử…
Bên cạnh đó, “Trang vàng du lịch Việt Nam” còn được kết nối với các nền tảng số du lịch khác trong cùng hệ sinh thái du lịch thông minh của Tổng cục Du lịch như: hệ thống Đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn (ứng dụng cốt lõi của ngành Du lịch trong tình hình mới), Thẻ Việt (một dạng thẻ quốc gia tích hợp nhiều tính năng ứng dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công cộng và dịch vụ xã hội như du lịch, y tế, thương mai, giao thông, giáo dục...).
Việc liên kết một tài khoản đa nền tảng không chỉ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trên các kênh chính thống mà còn giúp khách du lịch có cơ hội được trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ an toàn, chất lượng.
Nền tảng số này tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng có thể gặp nhau, kết nối, tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Đây cũng là hoạt động nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số cho ngành du lịch Việt Nam, giúp mang lại giá trị gia tăng từ môi trường số./.
Nguồn: vietnamplus.vn