Dự báo Du lịch thế giới và Việt Nam 2021: Khách quốc tế vẫn giảm sâu, niềm tin bắt đầu dần trở lại

20/07/2021 1111 0

Dự báo Du lịch thế giới và Việt Nam 2021: Khách quốc tế vẫn giảm sâu, niềm tin bắt đầu dần trở lại

Theo Báo cáo tháng 5/2021 của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch quốc tế vẫn giảm sâu đến 83% trong Quý I/2021, tuy nhiên những diễn biến mới cho thấy niềm tin đang dần trở lại. Những số liệu và tình hình đối với Việt Nam cũng cho thấy xu hướng này. Bài viết này đưa ra một vài dự báo dựa trên các số liệu, tình hình mới được công bố.

Du khách quốc tế giảm 83% trong Quý I/2021, UNWTO hạ mức dự báo cho các kịch bản năm 2021

Theo Báo cáo tháng 5/2021 của UNWTO, tiếp theo mức giảm kỷ lục 73% năm 2020, du khách quốc tế vẫn giảm sâu trong Quý I/2021 khi các biện pháp giới hạn đi lại vẫn được áp đặt phổ biến và niềm tin của du khách vẫn ở mức thấp do tác động của đại dịch COVID-19.

Do kết quả thực tế không như dự báo Quý I/2021, UNWTO đã điều chỉnh kịch bản cho năm 2021 theo hướng giảm như Biểu đồ 1 dưới đây:

Biểu đồ 1. Tăng trưởng khách quốc tế đến năm 2020 và dự báo năm 2021

- Kịch bản thứ nhất: Khách quốc tế bắt đầu phục hồi từ tháng 7/2021, lượng khách quốc tế sẽ tăng 40% so với năm 2020 (so với mức tăng 66% theo dự báo tháng 3/2021), tuy nhiên vẫn giảm 63% so với năm 2019.

- Kịch bản thứ hai: Khách quốc tế bắt đầu phục hồi từ tháng 9/2021, lượng khách quốc tế sẽ tăng 10% so với năm 2020 (so với mức 22% dự báo tháng 3/2021), tuy nhiên vẫn giảm 75% so với năm 2019.

Đến nay, tiến độ tiêm vắc-xin ở một số thị trường nguồn và chính sách tái khởi động du lịch an toàn, nhất là Sáng kiến chứng nhận xanh kỹ thuật số của EU (EU Digital Green Certificate) đã thúc đẩy hy vọng về sự phục hồi đối với một số thị trường. Mặc dù vậy, khả năng rủi ro, bất ổn vẫn cao do diễn biến dịch vẫn phức tạp cùng với sự xuất hiện của những biến chủng mới; hạn chế đi lại vẫn bị áp đặt và quá trình tiêm vắc-xin không đồng đều giữa các quốc gia, khu vực. Vì vậy, sự phục hồi vẫn chủ yếu ở một số khu vực hạn chế.

Trước những diễn biến khó đoán định đó, gần 50% các chuyên gia được hỏi dự báo lượng khách du lịch quốc tế chỉ có thể bằng mức năm 2019 vào năm 2024 hoặc muộn hơn, trong khi tỷ lệ đánh giá khả năng phục hồi bằng mức năm 2019 vào năm 2023 giảm còn 37% so với mức 43% vào tháng 01/2021.

Khách quốc tế đến Việt Nam đã chạm đáy hơn 1 năm, sự quan tâm đang dần trở lại

Biểu đồ 2 cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam đã chạm đáy từ tháng 4/2020 đến nay do tác động của đại dịch COVID-19 cùng với các biện pháp hạn chế đi lại. Hiện nay, Chính phủ và ngành du lịch Việt Nam đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, triển khai tiêm vắc-xin cho nhân dân và chuẩn bị các biện pháp mở cửa khi điều kiện cho phép.

Tin vui là ngày 11/6 vừa qua, Bộ Chính trị đã cho phép nghiên cứu thí điểm sử dụng hộ chiếu vắc-xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như Phú Quốc, Kiên Giang. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tích cực làm việc với các bộ, ngành liên quan để triển khai chủ trương này. Đây là tiền đề để Việt Nam có thể từng bước mở cửa đón khách quốc tế trong thời gian tới.

Tuy nhiên, dự báo số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2021 khó có sự cải thiện đáng kể do cần thời gian để kiểm soát dịch bệnh, ổn định tình hình, tổng kết, đánh giá mô hình thí điểm, phối hợp hành động ở cả quy mô quốc tế và trong nước.    

Mặc dù dự báo chưa thể hồi phục nhanh, tuy nhiên theo thông tin từ một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế, đã có những tín hiệu tích cực cho thấy thị trường quốc tế đã quan tâm hơn đến du lịch Việt Nam để sẵn sàng khi tình hình có thể được kiểm soát. Biểu đồ 3 cho thấy nhu cầu tìm kiếm thông tin số từ nước ngoài về cơ sở lưu trú ở Việt Nam đã tăng đáng kể từ cuối tháng 5/2021.

Từ dự báo nêu trên, ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục định hướng chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa; đẩy mạnh chuyển đổi số cho điểm đến và các doanh nghiệp, chú trọng marketing số; chuẩn bị kỹ để triển khai kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế thông qua hộ chiếu vắc-xin; hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế, sản phẩm, thị trường, đào tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị cho quá trình phục hồi sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Bài viết sẽ tiếp tục được cập nhật trên cơ sở các số liệu thống kê và diễn biến tình hình thực tế./.

Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu