Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam nhìn từ góc độ giá trị

28/07/2021 1664 0

Góp ý Dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030: Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam nhìn từ góc độ giá trị

Max Weber, nhà xã hội học Đức nổi tiếng từng khẳng định: “Trụ cột của văn hóa là giá trị”. Giá trị là những biểu hiện cốt lõi, đặc trưng, tinh túy nhất được chưng cất từ văn hóa dân tộc. Hay nói cách khác, giá trị là tất cả những gì là cần, là tốt, là hay, là đẹp giúp khẳng định và nâng cao chất người, chất văn hóa.

Nhiều giá trị có mối quan hệ hữu cơ liên kết với nhau thì tạo thành hệ thống các giá trị hay hệ giá trị. Hệ giá trị văn hóa thường được xây dựng dựa trên tính cách tộc người, truyền thống văn hóa, tầm vóc văn hóa của một dân tộc. Khi đã được xác lập, chúng giữ vai trò to lớn trong việc định hướng lẽ sống, phương châm hành động, phương thức ứng xử của các cá nhân, tham gia mạnh mẽ vào sự điều tiết xã hội.

Do vậy, các quốc gia trên thế giới luôn chú trọng xây dựng và củng cố hệ giá trị văn hóa làm kim chỉ nam cho sự phát triển, đồng thời biến hệ giá trị đó thành động lực thúc đẩy hành động của toàn xã hội, nhất là tầng lớp lãnh đạo. Hệ giá trị ấy bao gồm các nguyên tắc và khát vọng mà đại đa số thành viên trong xã hội được giáo dục, cổ vũ và định hướng phấn đấu để đạt đến.

Trong mấy trăm năm qua, bộ ba giá trị tự do, bình đẳng, bác ái được khởi xướng từ cách mạng Pháp trong “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1789 đã góp phần dẫn dắt và định hướng suy nghĩ và hành động của mỗi công dân Pháp trong đời sống cá nhân và xã hội. Tinh thần võ sĩ đạo, văn hóa biết xấu hổ, sự tỉ mỉ, cẩn thận, cầu toàn đến mức khắt khe đã trở thành những giá trị văn hóa nền tảng khiến đất nước Nhật Bản nổi tiếng trên toàn thế giới về hiệu quả công việc và sự thành công trong mọi lĩnh vực.

Giáo sư Trần Văn Giàu từng tổng kết 7 giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. Những giá trị này đã trở thành những hằng số giúp dân tộc Việt Nam vượt qua bao khó khăn, thử thách, bách chiến bách thắng trong các cuộc chiến chống ngoại xâm và thành công trong xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, sự thay đổi nhanh chóng các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội đang có tác động lớn đến hệ giá trị văn hóa Việt Nam. Những biểu hiện “lệch chuẩn”, những hành vi “phản giá trị”, những ứng xử vô văn hóa đang xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội. Sự xuống cấp đạo đức, băng hoại lối sống, tha hóa  nhân cách đang là những biểu hiện đáng lo ngại về sự đảo lộn các giá trị. Nói về vấn đề này, giáo sư Phan Huy Lê từng nhận xét: “Chúng ta đang ở trong một giai đoạn khủng hoảng hệ giá trị nghiêm trọng. Đây là lúc hệ giá trị cổ truyền bị giải thể, giải cấu trúc, không còn nguyên giá trị và tính hệ thống, nhưng hệ giá trị mới lại chưa thành hình để có thể thay thế hệ giá trị cũ. Cái cũ thì giải thể, chưa được cấu trúc lại, cái mới chưa được xác lập. Đây đúng là giai đoạn quá độ, rối loạn từ trong hệ giá trị”.

Chính vì thế, Nghị quyết số 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng  đã đặt ra mục tiêu: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam”. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII cũng xác định nhiệm vụ: “Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Công cuộc xây dựng hệ giá trị văn hóa của thời đại mới chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Trong công cuộc này rất cần lưu ý tới những xu hướng biến động giá trị trong xã hội hiện đại để đề ra những đối sách phù hợp, sát thực, không chủ quan, duy ý chí. Giáo sư Phạm Minh Hạc đã chỉ ra 6 xu hướng biến động chính trong định hướng giá trị xã hội Việt Nam đương đại là: Chuyển từ coi trọng giá trị tinh thần sang coi trọng giá trị kinh tế; Chuyển từ coi trọng quyền lợi tập thể sang coi trọng quyền lợi cá nhân; Từ nặng cống hiến sang nặng hưởng thụ; Từ những mục tiêu lâu dài sang lo sống ngắn hạn; Từ thái độ chờ đợi phân phối sang chủ động tự đáp ứng nhu cầu; Từ chấp nhận bình đẳng, trọng nghèo sang chấp nhận phân hóa, trọng giàu.

Lan tỏa những giá trị nhân văn, truyền thống tương thân tương ái giữa bối cảnh đại dịch Covid-19

Do vậy, bên cạnh việc củng cố và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta rất cần kịp thời bổ sung và xây dựng những giá trị mới của thời đại. Song song với việc sàng lọc, loại bỏ những giá trị lạc hậu, lỗi thời  phải đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, lệch chuẩn của xã hội hiện đại.

Chẳng hạn, cách ứng xử thiên về cảm tính, trọng tình, trọng tĩnh trong quan hệ xã hội truyền thống kiểu “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, “chín bỏ làm mười”, “phép vua thua lệ làng” hay chủ nghĩa bình quân, dân chủ theo kiểu cào bằng, đùn đẩy trách nhiệm: “xấu đều hơn tốt lỏi”, “dại đàn hơn khôn độc”, “cha chung không ai khóc”... đang trở thành những lực cản đối với mục tiêu đổi mới và phát triển, rất cần được sàng lọc và loại bỏ.

Bên cạnh đó có những giá trị truyền thống không bao giờ là cũ vẫn cần được đề cao và phát huy như cần, kiệm, liêm, chính, nhân, lễ, nghĩa, yêu nước, thương nòi. Các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đều biết kết hợp những cái hay, cái thích hợp của Khổng giáo vào đời sống hiện đại như đưa tính kỷ luật, trật tự, bổn phận, trách nhiệm, tính thực chất gắn với trí, nhân, dũng, tín...

Cần lan tỏa những tấm gương người tử tế, việc tử tế, những ứng xử văn hóa tốt đẹp để khơi nguồn cảm hứng, củng cố niềm tin vào sự ưu việt của đất nước

Đồng thời, trong thời đại của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cần chú trọng bổ sung những giá trị mới như: sáng tạo, đổi mới, kỷ cương, thượng tôn pháp luật, tôn trọng cá nhân..., tiếp thu, hoàn thiện các giá trị phổ quát của nhân loại như: dân chủ, nhân quyền, tự do, bình đẳng, khoan dung, hòa hợp...

Cần lan tỏa những tấm gương người tử tế, việc tử tế, những ứng xử văn hóa tốt đẹp để khơi nguồn cảm hứng, củng cố niềm tin vào sự ưu việt của đất nước, con người Việt Nam. Cổ vũ và nhân rộng những nghĩa cử nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ hỗ trợ đồng bào vùng bão lụt, thiên tai, dịch bệnh Covid-19. Khuyến khích những tấm lòng từ thiện, cưu mang ng­ười cô đơn, khuyết tật, nghèo khổ, bất hạnh. Nghiêm khắc lên án những biểu hiện vô văn hóa, lệch chuẩn, phản giá trị trong đời sống xã hội.

Tựu trung, hệ giá trị văn hóa mới cần được xây dựng và xác lập trong nhiều chiều kích: truyền thống và hiện đại, cá nhân và cộng đồng, dân tộc và quốc tế, quốc gia và nhân loại... Có như vậy, văn hóa Việt Nam mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững đất nước khi bước vào kỷ nguyên mới.

Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu