Du lịch Việt Nam qua lăng kính quốc tế

28/07/2021 1344 0

Du lịch Việt Nam qua lăng kính quốc tế

 Sau 60 năm hình thành và phát triển, Du lịch Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên bản đồ du lịch thế giới với thế mạnh riêng có của mình. Đó cũng chính là điều mà các đại sứ và chuyên gia du lịch quốc tế đã khẳng định khi trao đổi với PV Tạp chí Du lịch.

Đại sứ Liên bang Nga, Konstantin Vnukov: Việt Nam sở hữu vẻ đẹp độc nhất vô nhị!

Tôi đã đi nhiều nơi tại Việt Nam và có nhiều trải nghiệm thú vị khác nhau. Tại miền Bắc, vịnh Hạ Long cùng phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã gây cho tôi ấn tượng không thể xóa nhòa, vẻ đẹp và sự tráng lệ của nó là không có gì so sánh nổi. Tôi nghĩ rằng, khi đã về Nga, với một tình cảm nồng thắm tôi sẽ nhớ lại những lúc cùng gia đình đi dạo Vườn Bách thảo Hà Nội. Tôi thích Quảng trường Ba Đình rộng lớn thoáng đãng, tại đây người Hà Nội thường tập trung vào buổi chiều tối để nghỉ ngơi sau ngày làm việc. Thành phố buổi sáng sớm đẹp như tranh vẽ. Nói chung ở Hà Nội có rất nhiều nơi tuyệt đẹp và ấm cúng, tôi sẽ không kể hết được.

Chuyến thăm đến tỉnh Thừa Thiên Huế đã để lại trong tôi những hoài niệm tuyệt vời về Tử cấm thành cổ kính cùng các đền đài, cung điện. Tôi rất thích cùng gia đình đi nghỉ tại Đà Nẵng, tận hưởng bãi biển sạch sẽ, đường xá tốt và cơ sở hạ tầng phát triển. Hít thở không khí miền núi trong lành của Đà Lạt, thưởng ngoạn cảnh quan rừng thông, thưởng thức hương thơm của nó làm tôi nhớ đến Nga. Để lại trong tôi những hồi tưởng sâu sắc là chuyến đi đến vùng đồng bằng sông Mê Kông, đi du lịch trên sông bằng thuyền, giữa đầm lầy và các đảo, nơi có chợ nổi và những làng quê xung quanh là những cánh đồng lúa. Tôi vẫn nhớ tiếng ồn ào của thành phố Hồ Chí Minh buổi chiều tối, những ánh đèn rực sáng, những con mưa xối xả và những dòng người vội vã.

Việt Nam sở hữu vẻ đẹp độc nhất vô nhị, tất cả các địa điểm nơi tôi đã từng đến đều có những sắc màu độc đáo và không trùng lặp, và đương nhiên sẽ rất hấp dẫn đối với du khách Nga. Trên thực tế đã có hàng trăm ngàn người Nga từng đến Việt Nam và có cơ hội tận mắt thấy vẻ đẹp của thiên nhiên tại đây, tìm hiểu nền văn hóa và truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam, thưởng thức những món ăn hấp dẫn. Khí hậu thuận lợi và vị trí địa lý là những điều kiện then chốt thu hút ngày càng nhiều khách Nga đến Việt Nam. Đa số người Nga đều lựa chọn việc nghỉ ngơi trên bãi biển, bởi vậy các thành phố Nha Trang, Đà Nẵng và đảo Phú Quốc đặc biệt được du khách Nga ưa chuộng. Quan trọng hơn, so với các quốc gia khác thì tại Việt Nam mối đe dọa khủng bố luôn ở mức tối thiểu.

Để gia tăng dòng du khách Nga, cách tốt nhất là tổ chức các tour trọn gói dành cho người Nga đến các thành phố mới của Việt Nam, cùng việc tham quan các nước lân cận trong ASEAN. Hoạt động này cần phải được tiến hành mạnh mẽ hơn, kể cả trong quá trình diễn ra các triển lãm và liên hoan du lịch; cùng với các hoạt động trong khuôn khổ “các năm chéo”, bao gồm các Tuần văn hóa của hai nước.

Đại sứ quán Nga sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của Nga và Việt Nam nhằm tiếp tục mở rộng trao đổi du lịch song phương, duy trì thông tin và tổ chức các hoạt động. Ngoài Matxcova và Sankt-Peterburg, chúng tôi sẽ nghiên cứu việc mở thêm các hướng đi mới dành cho du khách Việt Nam - đó là vùng Sibir, Viễn Đông, Cực Bắc. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước chúng ta trong lĩnh vực du lịch là vô cùng to lớn, đòi hỏi chúng ta có những nỗ lực để tận dụng đầy đủ tiềm năng đó.

Đại sứ Pháp, Nicolas Warnery: Việt Nam là một địa chỉ rất được yêu thích của du khách Pháp

Việt Nam là một địa chỉ rất được yêu thích, khách du lịch Pháp muốn tới Việt Nam để tìm hiểu lịch sử, khám phá phong cảnh, đất nước và con người, văn hóa Việt Nam.

Người Pháp đến Việt Nam thường ưu tiên du lịch có chất lượng, đôi khi vượt ra ngoài các chương trình thông lệ để khám phá một đất nước mang đậm dấu ấn lịch sử trong trí tưởng tượng của chúng tôi. Họ thường mong muốn tách ra khỏi các tour đại chúng và ưa thích du lịch theo sở thích, du lịch văn hóa, chú trọng việc gặp gỡ và đối thoại với người dân. Thành phố Huế và cố đô Huế là điểm đến đặc biệt được đánh giá cao, nước Pháp đã khởi xướng vào năm 2000 thành lập Festival Huế quốc tế, diễn ra cứ hai năm một lần và Pháp là một đối tác ưu tiên.

Ngoài việc tăng cường các luồng khách và phát triển du lịch số đông, Việt Nam cần lồng ghép phát triển bền vững vào các hoạt động du lịch để phát huy du lịch bền vững, tôn trọng môi trường và những cân bằng trong xã hội. Du lịch bền vững, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng hoặc du lịch tự nhiên có khả năng đổi mới trải nghiệm du lịch và tái tạo sự gặp gỡ giữa các dân tộc.

Trên phương diện cá nhân, tôi rất say mê lịch sử và đặc biệt ấn tượng với chuyến thăm địa danh Điện Biên Phủ. Đây là một địa danh mang ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với hai nước chúng ta vì nơi này đánh một dấu mốc trong lịch sử. Tổng thống François Mitterrand trên cương vị cá nhân đã tới thăm địa danh này trong chuyến thăm cấp Nhà nước vào năm 1993,và Thủ tướng Edouard Philippe đã tới tưởng niệm chính thức những người lính của cả hai bên chiến tuyến trong chuyến thăm của Thủ tướng vào tháng 11/2018.

Đại sứ quán Pháp tự hào hỗ trợ ngành Du lịch tại Việt Nam, nhất là thông qua việc hỗ trợ các khoa chuyên tiếng Pháp của các trường đại học như Đại học Hà Nội, hoặc các chương trình đào tạo nghề như chương trình đào tạo do Vùng Nouvelle Aquitaine hỗ trợ dành cho các hướng dẫn viên du lịch từ các dân tộc thiểu số tại Lào Cai và Sapa, hoặc thiết lập một khoa mới mang tên "Di sản và Du lịch" tại Đại học Du lịch Huế, do Đại học La Rochelle hỗ trợ. Những hoạt động hợp tác này, thường do các địa phương của Pháp và Việt Nam khởi xướng, đã được tôn vinh vào tháng 4/2019, nhân dịp Hội nghị lần thứ 11 về hợp tác phi tập trung Pháp - Việt diễn ra tại Toulouse.

Tổng Thư ký Trung tâm ASEAN-Nhật Bản, Masataka Fujita: Ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững là chìa khóa thành công cho Du lịch Việt Nam

Du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong những năm gần đây, với lượng khách tăng nhanh hơn trung bình của khu vực ASEAN và đem lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế. Chúng tôi rất vui mừng vì Việt Nam đã là quốc gia ưa thích của du khách Nhật Bản, với 951.000 lượt khách trong năm 2019, tăng 15,2% và chỉ xếp sau Thái Lan trong khu vực ASEAN. Nhiều điểm đến của Việt Nam đã được quốc tế công nhận như vịnh Hạ Long, Sapa, cố đô Huế, phố cổ Hội An, Nha Trang… vẫn giữ nguyên giá trị. Trong thời gian tới, du khách sẽ ưa thích những nơi mới lạ để tránh sự đông đúc, đây là cơ hội để Việt Nam quảng bá những điểm đến hoang sơ mà thế giới chưa biết tới. Với địa hình trải dài từ Bắc đến Nam cùng khí hậu đa dạng, Việt Nam có thể giới thiệu nhiều điểm du lịch tùy theo thời điểm khác nhau trong năm để tránh sự dồn ứ hoặc quá tải ở một điểm đến riêng lẻ.

Theo Chỉ số Cạnh tranh về Du lịch và Lữ hành năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam còn thấp, xếp hạng 83/140 quốc gia. Du lịch Việt Nam cần tăng cường quảng bá du lịch thông qua internet, mạng xã hội, điện thoại thông minh để thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú và kích thích chi tiêu của khách. Đồng thời, cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và doanh nghiệp với khách hàng (B2C). Phát triển công nghệ cũng sẽ tạo thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ.

Ngoài ra, chỉ số liên quan đến bảo vệ môi trường và tính bền vững trong phát triển du lịch của Việt Nam cũng cần được cải thiện, để cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực như Malaysia và Thái Lan. Những chính sách về môi trường cần được tập trung, cùng với đó là thúc đẩy khả năng tiếp cận du lịch cho tất cả mọi người, phát triển du lịch cộng đồng, tạo cơ hội cho phụ nữ và thanh niên tham gia vào hoạt động du lịch. Duy trì tính bền vững của tài nguyên du lịch là ưu tiên hàng đầu, vì các tài sản đó dễ bị phá hủy, bị mất giá trị và sẽ không thể khắc phục.

Trong thời gian qua, Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) đồng hành cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam để tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch, thúc đẩy quảng bá du lịch và tổ chức các hoạt động nghiên cứu, phân tích, đào tạo. AJC tổ chức Giải thưởng Du lịch Nhật Bản - ASEAN để khuyến khích các công ty du lịch Nhật Bản xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch tới các nước ASEAN trong đó có Việt Nam, và 2 sản phẩm tại Việt Nam đã đạt giải trong năm 2019. Du lịch Việt Nam hiện nay vẫn còn một số điểm nghẽn và AJC sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan để tìm ra giải pháp tháo gỡ.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Mario Hardy: Du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc

Việt Nam đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng vượt bậc về lượng khách du lịch quốc tế trong 10 năm qua, hiện đóng góp khoảng 6% cho GDP của đất nước. Theo dữ liệu của PATA, từ năm 2014 đến 2018, quốc gia này có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm ấn tượng, gần 19% với lượng khách quốc tế tăng gần gấp đôi từ 7,8 triệu lên 15,5 triệu lượt trong giai đoạn này. Trước đại dịch COVID-19, PATA dự báo Việt Nam sẽ dẫn đầu các điểm đến châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong vòng 5 năm tới từ 2020 đến 2024. Việt Nam hiện đang được ASEAN coi là một trong những điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Việt Nam là trường hợp đặc biệt tại châu Á vì sự thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Điều này có nghĩa là Du lịch Việt Nam đang có ưu thế để trở thành điểm đến hàng đầu ngay trong năm 2020, vì việc mở cửa biên giới để đón khách du lịch có thể diễn ra sớm hơn các quốc gia khác. Việt Nam có thể đón khách thông qua thỏa thuận song phương với một số quốc gia ASEAN kiểm soát tốt dịch bệnh. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là một thị trường quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng khách du lịch quốc tế. Du khách luôn luôn tìm kiếm những điểm đến mới để khám phá, và Việt Nam chắc chắn là điểm đến hấp dẫn bởi nền văn hóa phong phú, phong cảnh đẹp và ẩm thực nổi tiếng.

Nguồn: Tạp chí Du lịch Online

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu