Cụm tháp Hòa Lai (Ninh Thuận) có phải là 'tháp Khmer'?
Cụm tháp Hòa Lai (còn gọi là Ba Tháp) nằm ngay sát quốc lộ 1A ở phía bắc TP. Phan Rang - Tháp Chàm, thuộc địa phận xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Cụm tháp Hòa Lai trước đây có ba ngôi tháp nhưng ngôi tháp ở giữa đã bị sụp đổ từ lâu. Những ngôi tháp ở đây hoàn toàn được xây bằng gạch với kiểu tháp nhiều tầng, các tầng trên thu nhỏ dần.
Hòa Lai được xem là cụm tháp tiêu biểu cho một phong cách kiến trúc tháp Chăm vào khoảng thế kỷ 9 - phong cách Hòa Lai, nhưng thật kỳ lạ, nó là cụm đền tháp duy nhất ở Ninh Thuận bị chính người Chăm bỏ hoang từ lâu, thậm chí họ còn nói rằng đó là “những ngôi tháp Khmer”.
Sự 'chối bỏ' của người Chăm
Ngay từ cuối thế kỷ 19, trong ghi chép Légendes historiques des Chams (Truyền thuyết lịch sử của người Chăm) của mình, ông Etienne Aymonier (người từng làm công sứ tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 1886-1889) đã ghi lại rằng các tháp Hòa Lai được người Chăm cho là của người Khmer và gọi là Yan Bakran.
Tuy nhiên theo khảo tả của kiến trúc sư, nhà khảo cổ H.Parmentier trong tài liệu Inventaire Descriptif des Monuments Cam de l’Annam (Thống kê khảo tả các di tích Champa ở miền Trung Việt Nam - Paris 1909) thì ở cụm tháp Hòa Lai chỉ có một số chi tiết điêu khắc có nét giống với tượng của người Khmer thời kỳ tiền Angkor mà thôi, đó là các hình môn thần được chạm trên gạch trong các khuôn cửa giả của ngôi tháp giữa (vốn còn một phần thân tháp cho tới những năm 70 của thế kỷ 20).
Năm 1993, người ta tình cờ phát hiện được bộ linga-yoni bằng đá liền khối tại khu vực phế tích ngôi tháp ở giữa. Bộ linga-yoni ở Hòa Lai thuộc loại nguyên vẹn nhất, hầu như không bị một hư hại nhỏ nào, mà còn được chạm khắc một cách chi tiết và sắc nét (theo Tháp cổ Champa - Ngô Văn Doanh, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019).
Tài liệu Tháp cổ Champa cũng cho biết trong đợt trùng tu khu tháp Hòa Lai năm 2006, người ta lại tìm thấy một tấm bia ký bằng đá cũng ở gần khu vực phế tích tháp giữa. Tới năm 2011, hai nhà nghiên cứu Arlo Griffiths và Wiliam Southworth công bố bản dịch của bia ký này, theo đó bia ký Hòa Lai có đoạn viết:
"Trong điện thờ chính của Sri Svayamutpannesvara, đức vua Sri Satyavarman đã lập giáo đường …
… trong điện thờ của Sri Sankarsanadeva cũng lập một giáo đường…và tất cả của cái, vật chất, các hạng người, đồng ruộng, trâu bò… đều được vua Sri Satyavarman dâng cho Sri Adidevesvara… Đức vua cũng đã đặt cho Sri Vrddhesvara một hộp bao linga làm bằng bạc với khuôn mặt bằng vàng".
Satyavarman là vị vua Champa thứ hai của vương triều Panduranga, trị vì từ năm 774 - 784, được nhắc tới trong các bia ký ở Hòa Lai, ở tháp Bà Po Nagar Nha Trang. Adidevesvara là cách biểu thị thần Siva là “vị thần tối thượng”, còn Vrddhesvara là một cách biểu thị khác của thần Siva với nghĩa là “vị thần tiếng nói”.
Nội dung của bia ký Hòa Lai đã làm rõ thêm một số điều:
- Đưa ra bằng chứng cụ thể về niên đại (cuối thế kỷ 8, đầu thế kỷ 9) của các đền tháp được xây dựng ở khu vực này.
- Khẳng định chất Siva của các ngôi đền, qua các danh hiệu/tên của thần Siva như đã nói trên.
- Có ít nhất là hai ngôi đền khác nhau (thờ thần Siva) được xây dựng trong những thời gian khác nhau ở đây.
Từng là trọng địa tôn giáo của vương quốc Champa
Trong luận án tiến sĩ khảo cổ học với đề tài Nhóm đền tháp Hòa Lai - Ninh Thuận trong hệ thống đền tháp Champa ở miền Trung Việt Nam vào năm 2015, tác giả Nguyễn Minh Khang (tiến sĩ Nguyễn Minh Khang hiện công tác ở Cục Di sản Văn hóa, Bộ VH-TT-DL - NV) cho rằng, tháp giữa Hòa Lai chính là ngôi đền thờ thần Adidevesvara được nhắc tới trong bia ký Hòa Lai nói trên.
Những kết quả của quá trình khai quật khảo cổ được tiến hành trong giai đoạn 2005 - 2012 tại khu di tích Hòa Lai còn chỉ ra rằng đây là một quần thể đền tháp Champa lớn, với 3 cụm đền tháp mà những ngôi tháp còn lại là những ngôi đền trung tâm của 3 cụm đền tháp đó. Số lượng các kiến trúc hiện còn và đã phát lộ ở quần thể này, cho tới nay đã là gần 20 kiến trúc.
Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Khang: “Việc xuất hiện đầu tiên một cụm đền thờ (Sri Sankarsanadeva), trong khi cụm đền thờ này vẫn còn hoạt động (bằng việc được xây thêm một kiến trúc đơn giản) thì tồn tại song song với nó một đền thờ khác khá quan trọng (có thờ Linga), sau đó một đền thờ khác (đền tháp giữa Hòa Lai) được xây dựng mới vào cuối thế kỷ 8, bổ sung vào tổng thể kiến trúc. Với trật tự xây dựng như vậy, chúng tôi cho rằng, các đền tháp Hòa Lai tọa lạc trong một vùng đất tôn giáo quan trọng đối với Champa thời kỳ Hoàn Vương ở vùng Panduranga. Các đền tháp Hòa Lai không được hoạch định một mặt bằng tổng thể ngay từ đầu, mà được xây dựng bổ sung dần dần theo thời gian, và khi một ngôi đền quan trọng mới được xây dựng thì những ngôi đền đã có vẫn được sử dụng.”
Sau hơn 100 năm được giới khoa học quan tâm, khu đền tháp Hòa Lai, từ việc bị chính người Chăm sở tại không thừa nhận, đến nay các nhà khoa học đã chứng minh được rằng đây từng là một trọng địa tôn giáo của vương quốc Champa trong thời kỳ Hoàn Vương - với vai trò có những nét giống thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam hay tháp Bà Po Nagar ở Nha Trang (Khánh Hòa).
Một số nhà nghiên cứu còn nhận định rằng, Hòa Lai là một trong những di tích cổ nhất, và cụm tháp này mới chính là cụm tháp Chăm đẹp nhất còn lại.
Nguồn: Báo Thanh niên Online