Du lịch tái sinh - Hướng đi mới, bền vững

20/08/2021 1012 0

Du lịch tái sinh - Hướng đi mới, bền vững

Để thích nghi với những tác động của dịch COVID-19, du lịch tái sinh được hình thành, bên cạnh những xu hướng du lịch sức khỏe, du lịch trách nhiệm, hay du lịch cộng đồng.

Du khách thả cá con tại bè cá Bảy Bon, cồn Sơn (ảnh chụp tháng 4-2021).

Ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng: “Du lịch tái sinh là một cách tiếp cận nhằm tạo sự cân bằng hoàn hảo hơn trong một hệ sinh thái. Nó được thiết kế theo cách gây dựng vốn và trả lại sự sống cho muôn loài”. Du lịch tái sinh có định hướng gìn giữ, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên kết hợp với tri thức bản địa và trách nhiệm với môi trường, xã hội; hướng đến sự bền vững và tạo ra những mắt xích tương hỗ trong khi làm du lịch.

Du lịch tái sinh có sự gắn bó song hành với các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng và nông nghiệp; kết nối mật thiết với du lịch có trách nhiệm. Tại hội nghị toàn cầu “Rebuilding for the future through Sustainable Development” (ICRTH21) hồi tháng 5-2021 đã định nghĩa du lịch bền vững là du lịch trách nhiệm với 3 từ khóa: hỗ trợ cộng đồng, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Hướng tiếp cận của du lịch tái sinh và du lịch trách nhiệm tương đồng về tính bền vững. Du lịch tái sinh còn hướng đến tái tạo và kiến tạo để cân bằng, giữ gìn sự đa dạng của các hệ sinh thái của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng. Do đó, vận dụng du lịch tái sinh vào thực tế đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của người làm du lịch, sự hiểu rõ giá trị của môi trường và mối liên kết giữa hệ sinh thái để sáng tạo, nâng chất chuỗi giá trị sản phẩm.

Tại ĐBSCL, có nhiều cá nhân, cộng đồng đã tiếp cận làm du lịch theo phương thức này. Đó là ông Tư “Lúa mùa” (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) vừa phục dựng phiên bản “Đời sống sản xuất lúa mùa”. Tư “Lúa mùa” là kỹ sư Lê Quốc Việt, đã dành hơn 7 năm để lội ngược dòng làm lúa mùa (giống lúa 6 tháng thu hoạch một lần, một năm chỉ có một vụ) và tìm cách liên kết với các hộ xung quanh mở rộng diện tích, nuôi thêm tôm. Mô hình trồng lúa nuôi tôm hình thành và tạo sự thay đổi rõ về hệ sinh thái: cá đồng được phục hồi, tôm càng xanh chắc thịt, gạo sạch... Từ ý tưởng phục hồi cách làm nông truyền thống, giữ giống lúa bản địa, đến nay, ông có thêm ý tưởng làm nông trại kiểu xưa, đón khách trải nghiệm làm lúa mùa kết hợp tìm hiểu văn hóa bản địa.

Tương tự, anh Phạm Duy Khanh (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng phục dựng lối sống thời khẩn hoang của người Nam Bộ xưa qua mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt. Với 60ha rừng tràm nguyên sinh đan xen những cánh đồng và đầm nước tự nhiên, anh Khanh đã xây dựng chuỗi hoạt động trải nghiệm khác biệt: “ăn ong”, cắm câu, đặt lờ, trúm tự nhiên. Anh Khanh cho biết: “Tôi dành hơn 6 năm để xây dựng mô hình này với mong muốn tạo được môi trường tự nhiên để thủy sản trở về đồng nước đúng nghĩa. Làm du lịch như thế này thì giá trị sản phẩm được nâng lên, tạo động lực để chúng tôi tiếp tục gìn giữ những gì cha ông để lại”. Du lịch sinh thái cộng đồng Mười Ngọt mang nét đặc trưng của đời sống vùng U Minh Hạ, nơi con người và thiên nhiên sống giao hòa.

Người dân làm du lịch cộng đồng tại cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng xác định văn hóa bản địa và trách nhiệm với môi trường là mấu chốt của phát triển bền vững. Ngoài mô hình liên kết cùng làm du lịch, người cồn Sơn nhận thức rất rõ về trách nhiệm môi trường. Ông Lý Văn Bon, hộ dân làm du lịch cộng đồng cồn Sơn, cho biết: “Bên cạnh việc giới thiệu cho du khách về vòng đời của những loài cá ở sông Hậu, tôi còn mong muốn gìn giữ môi trường tự nhiên để cá sinh sôi”. Đó là cơ sở để hình thành sản phẩm “Cồn Sơn hồi đó”, trong đó có trải nghiệm thả cá con về môi trường tự nhiên. Ông Trần Hoàng Tuyên đánh giá: “Cồn Sơn tiếp cận du lịch tái sinh theo sự gắn kết du lịch cộng đồng. Họ biết cách phát huy bản sắc văn hóa bản địa và không ngừng tiếp thu, sáng tạo; làm cho sản phẩm sinh sôi; giữ môi trường và có sự kế thừa giữa các thế hệ”. Anh Phạm Văn Út, hướng dẫn viên du lịch cồn Sơn, cho biết: “Khi du khách trải nghiệm bắt ốc, cá, chúng tôi luôn xin phép giữ lại những con ốc, cá nhỏ rồi thả về lại tự nhiên”.

Du lịch tái sinh là phương thức bền vững, có trách nhiệm, cần sự gìn giữ và kế thừa, với yếu tố quan trọng nhất là con người cùng nhận thức môi trường. Tại ĐBSCL, việc tiếp cận du lịch tái sinh đã có và tạo được hiệu quả bước đầu. Về lâu dài, loại hình này cần được đánh giá kỹ hơn để có những hỗ trợ và định rõ mô hình giúp du lịch phát triển đa dạng, trách nhiệm hơn.

Nguồn: tcdulichtphcm.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu