“Phát triển du lịch MICE xứng với tiềm năng": Các doanh nghiệp kỳ vọng

31/08/2021 1611 0

“Phát triển du lịch MICE xứng với tiềm năng": Các doanh nghiệp kỳ vọng

VHO- Theo dự báo, sau dịch Covid-19 nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp mặt, khen thưởng, triển lãm, tổ chức sự kiện… sẽ cao do các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ngày càng nhiều các hoạt động tương tác để trao đổi công việc và kết nối giao thương.

 Du lịch MICE dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vì nhu cầu hợp tác, giao thương và hội họp, khen thưởng lớn Ảnh: ANH ĐỨC

Do vậy, để sớm khắc phục những hậu quả do dịch bệnh và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sắp tới, các doanh nghiệp du lịch MICE cho rằng cần cố gắng ổn định hoạt động văn phòng, nhân sự và các chính sách lương thưởng, thu nhập trong thời kỳ bình thường mới.

Nhu cầu sẽ cao sau đại dịch

Du lịch MICE có lợi thế là ít mang tính mùa vụ, có thể khai thác liên tục trong năm. Ngoài ra, mỗi khi các sự kiện, hội nghị được tổ chức thì bên lề luôn có các tour du lịch cho đại biểu, người tham dự. Để thu hút khách mỗi khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, các công ty du lịch MICE đã đầu tư, thiết kế thêm nhiều hoạt động, trải nghiệm, gia tăng dịch vụ để kích cầu du lịch. Các sự kiện như giải thể thao, sự kiện văn hóa, âm nhạc… đã tạo sức hút để kéo khách tới các điểm đến.

“Chắc chắn, sau dịch Covid-19 nhu cầu tổ chức hội nghị, hội thảo, gặp mặt, khen thưởng, triển lãm, tổ chức sự kiện… sẽ rất cao do các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ngày càng nhiều các hoạt động tương tác để trao đổi công việc và kết nối giao thương. Bên cạnh đó, phần hoạt động nội bộ doanh nghiệp, chế độ người lao động cũng ngày một gia tăng”, ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch CLB Du lịch MICE Việt Nam (VMC) cho biết. Theo khảo sát của VMC đối với khách hàng Việt Nam: “Có từ 25- 40% nhân sự của một tổ chức được cử đi công tác thường xuyên đi dạng cá nhân và nhóm”. Cũng từ thống kê khách thực tế cho thấy: Mỗi tổ chức, doanh nghiệp lớn thường có 3 lần có nhu cầu sử dụng dịch vụ MICE, đó là đầu năm đi khởi động kinh doanh, dự án; giữa năm đi chuyến đi cả công ty (company trip) kết hợp các hoạt động trò chơi tập thể (team building); cuối năm đi tổng kết kinh doanh - khen thưởng để khích lệ nhân viên.

Số lượng khách MICE của thị trường khách quốc tế vào Việt Nam (inbound) chiếm tỉ trọng ít hơn với khách khác, thường từ 15% nhưng đang có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây. Trong khi đó, một lượng khách MICE quan trọng khác từ các sự kiện chính trị, ngoại giao và giao lưu hợp tác giữa các tổ chức nước ngoài với Việt Nam tăng mạnh do nhu cầu kết nối giao lưu vì lợi ích mỗi bên ngày một cao.

Ở nhiều địa phương, những năm gần đây được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng, hạ tầng du lịch để phát triển du lịch, đặc biệt rất nhiều các khu resort, các quần thể du lịch phức hợp phục vụ nhu cầu đa dạng của khách MICE. Trong đó, ngoài Hà Nội và TP.HCM là 2 trung tâm du lịch lớn của cả nước, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang và gần đây nổi lên Phú Quốc… là những địa điểm tổ chức du lịch MICE được các doanh nghiệp du lịch lựa chọn nhiều nhất.

Kịch bản nào cho thị trường MICE?

Theo ông Nguyễn Đức Anh: “Các doanh nghiệp du lịch MICE dự báo những kịch bản về thị trường MICE trong thời gian tới, tương ứng với mức độ kiểm soát đại dịch. Từ những kịch bản này, chúng tôi sẽ có những chuẩn bị đúng và trúng hơn cho giai đoạn phục hồi sắp tới. Cũng như sẽ quyết định đầu tư vào đâu, khai thác thị trường nào”.

Kịch bản tuyệt vời nhất là dịch được kiểm soát hoàn toàn, không có ca nhiễm tại Việt Nam. Kịch bản này ai cũng mong muốn và thị trường MICE sẽ tăng trưởng trở lại. Tất nhiên, số lượng khách vẫn sẽ không được như trước đây (khi chưa có dịch) bởi các tổ chức, doanh nghiệp đã cạn tài chính, nguồn lực dè chừng trong việc tổ chức tour, sự kiện. Còn nếu kiểm soát được dịch, khoanh vùng an toàn nhưng dịch chưa hết hẳn. Khi đó, các đoàn MICE vẫn đi bình thường bởi nhu cầu bị nén do dịch lâu ngày. Nhu cầu làm nóng, gắn kết đội nhóm và hội chợ triển lãm vẫn sẽ diễn ra, nhưng ở quy mô có thể bị hạn chế bởi các quy định phòng, chống dịch ở mỗi địa phương. Thêm vào đó, chắc chắn việc yêu cầu cần thiết khác sẽ áp dụng như việc có kết quả âm tính với Covid-19, đã tiêm vắcxin, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang và khử khuẩn có thể được đưa vào hợp đồng phục vụ khách của các bên… Với kịch bản vẫn có dịch, Việt Nam và thế giới coi việc sống chung với dịch là một sự lựa chọn không mong muốn. Nhu cầu du lịch sẽ tăng trở lại và bằng trung bình 3 năm trước dịch. Nhưng sau đó sẽ tăng đột biến vào năm sau do lúc đó nền kinh tế gần như hoạt động bình thường bởi coi Covid-19 là một loại bệnh điều trị được và tỉ lệ lây nhiễm, tử vong thấp.

Ông Đức Anh cho biết: “Cách đây mấy ngày, chúng tôi đã tổ chức thảo luận trực tuyến “Chuyện nghề - trong bình thường mới” với thành phần tham gia toàn thể thành viên VMC nhằm đánh giá thấu đáo tình hình du lịch hiện nay và đưa ra các sản phẩm, giải pháp đón đầu các hoạt động trong du lịch trong bình thường mới. Thông qua đó cũng duy trì tinh thần và kỹ năng nghề nghiệp của các thành viên cũng như lan toả sự tích cực, niềm tin về nghề du lịch trong lúc khó khăn hiện nay”.

Để sớm khắc phục những hậu quả do dịch bệnh và chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sắp tới, các doanh nghiệp du lịch MICE cho rằng cần cố gắng ổn định hoạt động văn phòng, nhân sự và các chính sách lương thưởng, thu nhập trong bình thường mới. Xu hướng chính là văn phòng sẽ thu hẹp diện tích và tinh gọn bộ máy nhân sự. Ưu tiên nhân sự làm được nhiều việc khác nhau. Duy trì quỹ tiền mặt cần và đủ để hoạt động chi phí quản lý doanh nghiệp và vốn lưu động trong kinh doanh cũng là bài toán sống còn với doanh nghiệp trong thời kỳ đầu của bình thường mới. Việc chọn phân khúc thị trường hợp lý cũng là một lựa chọn tốt. Đây cũng là cơ hội để các công ty làm và bán sản phẩm mới vì thói quen sử dụng và tiêu dùng dịch vụ của khách hàng đã thay đổi. Một vấn đề nữa mà doanh nghiệp du lịch MICE đang hướng tới là lựa chọn hạng mục công việc của doanh nghiệp để áp dụng công nghệ. Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động văn minh và hiệu quả hơn.

“Thực tế chứng minh, chưa một doanh nghiệp du lịch nào phá sản do không áp dụng công nghệ và chuyển đổi số. Nhưng chắc chắn, không theo được công nghệ sau chỉ khoảng 5 năm nữa sẽ rất nhiều doanh nghiệp không thể tồn tại trên thị trường bởi xu thế sử dụng công nghệ là tất yếu, không thể đảo ngược. Vì vậy, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch là đầu tư cho hiện tại và tương lai”, ông Nguyễn Đức Anh khẳng định.

Nguồn: baovanhoa.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu