Tháp Chàm Ninh Thuận: Tháp Po Klong Garai biểu tượng văn hóa Chăm
Tháp Chàm Ninh Thuận – tháp Po Klong Garai nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang khoảng chừng 7km về hướng Tây Bắc của phường Đô Vinh. Tháp Po Klong Garai là tên gọi chung của một cụm tháp gồm ba đền tháp: tháp chính (kalan po) cao 20,5m; tháp cổng (Kalan Pabah mbang) cao khoảng 8,56m; tháp lửa (sang cuh yang apuer).
Được biết, đây là một trong những cụm đền tháp hiếm hoi trên dải đất Duyên hải miền Trung có phong cách kiến trúc, nghệ thuật hoàn mỹ đạt đến đỉnh cao trong nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa của một thời vàng son ở Đông Nam Á chính là cụm đền tháp Po Klong Garai – biểu tượng văn hóa, du lịch Ninh Thuận.
Tháp Chàm Ninh Thuận nằm trên tuyến du lịch khám phá văn hóa Chăm Ninh Thuận: Tháp Chàm – Gốm Bàu Trúc – Làng Dệt Mỹ Nghiệp – kết hợp Vườn Nho Ba Mọi. Đây là tuyến tham quan đáng để bạn trải nghiệm, bạn có thể dành ra 1 buổi trong ngày để trải nghiệm hết 04 địa điểm hấp dẫn này.
Để đi được đến tháp Po Klong Garai từ trung tâm thành phố Phan Rang bạn đi theo cung đường: Ngô Gia Tự, rồi tiếp tục đi thẳng theo Quốc lộ 27 (mới) cho đến khi qua cầu Vượt Tháp Chàm, vừa đổ hết dốc cầu vượt rẽ trái vào đường Bác Ái sẽ đến được nơi đây.
Theo ghi chép thì tháp được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII bởi vua Shihavaman (người Việt gọi là Chế Mân) để thờ vị vua Champa Po Klong Garai (Jaya Simhavarman) – người có nhiều công lao trong thời trị vị Champa – vùng Panduranga.
Khác với nhiều cụm đền tháp khác như tháp Nhạn Phú Yên, tháp Bà Po Nagar Nha Trang hay tháp Po Sah Inư ở Phan Thiết. Cụm đền Tháp Chàm Ninh Thuận – tháp Po Klong Garai được xây dựng hoàn toàn theo phong cách muộn, một phong cách nghệ thuật điển hình của Champa từ thế kỷ XII – XIV.
Cụm quần thể di tích Tháp Chàm Ninh Thuận – Tháp Po Klong Garai tọa lạc tại đồi Trầu
Quan sát tổng thể cụm đền tháp thì đây là một công trình có quy mô tương đối lớn được xây dựng trên đồi Trầu (cek hala) với tổng diện tích khoảng 10 hecta. Bằng kỹ thuật xây dựng độc đáo, huyền bí và điêu luyện của mình. Đến nay, sau 800 năm tồn tại với thời gian, đền tháp Chăm vẫn vẫn còn tương đối nguyên vẹn như thuở ngày nào.
Cụ thể, ngôi tháp chính (Kalanpo) được xây dựng với nhiều tầng và có hình hài như ngọn núi Peru – một ngọn núi thiêng của Ấn giáo bên Ấn Độ. Nhìn từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏ, cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga.
Ở các góc tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung. Hiện diện trên các mặt tháp có nhiều tượng thờ như tượng vua Po Klong Garai, tượng thần Siva và các vị hộ pháp và các loài muông thú.
Tiếp tục quan sát theo hướng từ con đường chính từ dưới chân tháp đi lên qua ngôi tháp cổng. Ngôi tháp chính gồm một cửa chính ra vào quay về hướng Đông, trên cửa là mái vòm có 2 trụ đá lớn khắc chữ Chăm cổ. Bên trên cửa có phù điêu thần Siva có 6 tay đang uyển chuyển với những điệu múa thần bí. Ba cửa còn lại theo ba hướng Nam, Bắc, Tây là cửa giả có trụ ốp gạch lồi, lõm vào trong. Trên mỗi cửa giả có một tượng thần tư thế thiền.
Bên trong ngôi tháp chính theo hướng nhìn thẳng vào bên trái là tượng bò thần Nandin bằng đá, đầu hướng vào trong tháp. Tương truyền, đây là vật cưỡi của thần Siva và vua Po Klong Garai. Tiếp tục đi thẳng vào trong chính giữa tháp là tượng thờ bán thân vua Po Klong Garai. Bên dưới tượng bán thân vua Po Klong Garai là một Yoni cạnh dài 1m47, cạnh ngang 0m94, trên Yoni là một Linga tròn, phía trên trụ là Linga.
Ngoài ra, ở phía sau tháp còn có một ngôi miếu nhỏ thờ một phiến đá. Phía trước tháp còn có nhiều bia đá, Linga ghi lại nhiều cuộc dâng cúng, sự kiện lịch sử cũng như tiến trình đấu tranh của người Chăm vùng Panduranga. Xung quanh tháp được bao quanh bằng một vòng thành và mở hướng ra vào cho tín đồ dâng cúng ở phía nam.
Người Chăm Bàlamôn dâng mâm cúng trong Lễ hội Katê tại Tháp Chàm Po Klong Garai
Nhìn chung, đền tháp chính trong cụm Tháp Chàm ở Ninh Thuận: tháp Po Klong Garai là nơi thể hiện đầy đủ nghệ thuật thẩm mỹ theo phong cách muộn thời kỳ ấy.
Từ cổng tháp chính đứng nhìn thẳng ra ngoài về hướng Đông, phía Nam giữa hai tháp trên là tháp thờ Thần Lửa, cao 9m31. Tháp có 3 cửa thông nhau 3 hướng Đông, Bắc và Nam, riêng phía Nam là cửa sổ. Chức năng của tháp này là để các tu sĩ Bàlamôn, các thầy cúng bày các vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế nên người Chăm gọi là Tháp Lửa. Điều đặc biệt là cấu trúc tháp xây mái theo kiểu hình mái nhà (hình giống mái nhà prông ở Tây Nguyên hoặc mái nhà hình thuyền như mặt trên trống đồng).
Trong không gian cụm đền tháp Po Klong Garai, phía sau ngôi tháp chính còn có một miếu thờ tượng Kút hoàng hậu. Theo ghi chép và nghiên cứu của các nhà sử học thì đây chính là hoàng hậu Tố Lý. Bên cạnh miếu thờ gần vòng thành phía Nam cụm thể tháo còn có một trụ đá (Linga) cao 2m20. Đối diện vòng thành phía Nam về hướng vòng thành Đông Bắc là một tảng đá bánh ú 3 mặt có chữ có khắc chữ Chăm cổ.
Bên cạnh những công trình đền tháp nguyên thủy, có một điều hết sức lưu ý về hạng mục tháp cổng này là chỉ mới xây dựng từ sau năm 2000 trở lại đây. Hạng mục tháp cổng này được xây ở chân đồi tháp ở phía Tây nhằm thay thế cho hạng mục tháp cổng phía Đông đã không còn đi lên được nữa.
Theo quan sát thì cổng tháp mới có hình lá nhĩ phình ra to tướng đứng trên hai cột chịu lực không cân xứng. Xét về mặt khoa học, phong thủy thì công trình này không hòa hợp với ba đền tháp nguyên thủy. Tuy nhiên, xét về mặt bảo vệ di tích thì nó đóng vai trò tương đối quan trọng để phục vụ cho khách du lịch.
Tháp Cổng hướng chính Đông cụm di tích Tháp Chàm PoKlong Garai – Ảnh: Jamen Ivan
Theo xây dựng theo mô phỏng ngọn núi Meru trong truyền thuyết của Ấn Độ gắn với tục thờ thần Siva và các vị vua thần Chăm.
Ngắm nhìn tổng thể cụm đền Tháp Chàm Ninh Thuận – tháp Po Klong Garai và nhiều công trình đền tháp Chăm khác trên dải Duyên hải miền Trung. Thì cụm đền tháp Po Klong Garai như một bức tranh thiên nhiên hoàn chỉnh với phong cách kiến trúc hoàn mỹ đã đạt đến đỉnh cao trong nền nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Champa một thời vàng son ở Đông Nam Á. Và xứng đáng trở thành công trình kiến trúc, nghệ thuật Chăm có phong cách đẹp nhất trong tất cả công trình kiến trúc nghệ thuật của Champa.
Hàng năm vào ngày cuối tháng 6, ngày 1 tháng 7 tính theo lịch Chăm, (khoảng tháng 9, 10 Dương lịch). Đồng bào Chăm theo tín ngưỡng Bàlamôn giáo tại Ninh Thuận nói riêng và và đồng bào trên dải Duyên hải miền Trung xum họp về tổ chức lễ hội Katê truyền thống. Cùng diễn ra tại đền tháp Po Klong Garai, đồng bào Chăm còn tổ chức tại đền tháp Po Rome và đền thờ mẹ xứ sở Po Inư Nưgar một cách trang trọng.
Lễ hội Kate của đồng bào Chăm Balamon tại Tháp Chàm Po Klong Garai
Năm 1979, Bộ Văn hóa Thông tin (này là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng đền tháp Po Klong Garai là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Đến cuối năm 2016 thì đền tháp Po KLong Garai đã trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
Đây là địa điểm tâm linh của đồng bào Chăm vì thế khi đến đây bạn cần tuân theo một số quy định bắt buộc, thể hiện là một du khách văn minh:
_Chọn trang phục tham quan phù hợp: áo mặc không được quá rộng cổ và nên tránh mặc váy, nếu có nên mặc váy dài qua khỏi gối hoặc sử dụng khăn choàng lớn quấn lại kín đáo.
_Quy định về chụp ảnh: tránh mang máy ảnh vào bên trong tháp chính nơi thờ vua Po Klong Garai, khi chụp ảnh phải quan sát không đứng chính diện trước tháp chính dù quay mặt ra hay quay mặt vào.
_Chung tay bảo tồn di tích cấp Quốc Gia: không tự ý vẽ bậy lên các viên gạch tại Tháp và nhắc nhỡ người khác khi phát hiện ra hành động phá hoại này.
_Đây là nơi trang nghiêm thờ cúng vì thế chỉ trò chuyện vừa đủ nghe, tránh ồn ào gây mất trật tự nơi tôn nghiêm.
Tháp Chàm Ninh Thuận đón chào bạn ghé thăm….
Nguồn: tienvinhtravel.com