Ngành du lịch "chuyển mình" để ứng phó với đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi trong năm 2022

24/09/2021 1261 0

Ngành du lịch "chuyển mình" để ứng phó với đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi trong năm 2022

Để giảm thiểu tác động của Covid-19, ngành Du lịch đã đổi mới hình thức truyền thông, đồng thời đưa ra các giải pháp để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi các hoạt động du lịch trong bối cảnh mới.

Đổi mới hình thức truyền thông để ứng phó với dịch bệnh

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34% và tổng thu du lịch chỉ đạt 312.000 tỷ đồng, giảm khoảng gần 60%. Trong 8 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 5,5% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,2 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 37% so với cùng kỳ năm 2020.

Phát biểu tại Diễn đàn “Tác động của đại dịch COVID-19 - Hành động quyết liệt của Ngành VHTTDL”, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, gần 2 năm qua, hoạt động du lịch quốc tế bị ngừng trệ, tuy nhiên hoạt động truyền thông, giới thiệu du lịch Việt Nam hướng tới thị trường quốc tế vẫn được duy trì, chuyển sang hình thức trực tuyến.

Các chiến dịch quảng bá thông qua trang web Vietnam.travel và các trang mạng xã hội của Tổng cục Du lịch với bộ sản phẩm "Stay at home with Viet Nam", chuyên mục "Why not Viet Nam"… nhằm kết nối và truyền thông điệp nhắc nhở tới du khách tại các thị trường mục tiêu rằng Việt Nam vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn, làm nổi bật thương hiệu "Việt Nam – vẻ đẹp bất tận" (Viet nam – Timeless Charm). Tổng cục Du lịch cùng cộng đồng doanh nghiệp đã tổ chức và tham dự hàng loạt chương trình giới thiệu du lịch online (Webina): duy trì trao đổi, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế.

Chiến dịch quảng bá, truyền thông trên kênh truyền thông quốc tế lớn như CNN, CNBC được triển khai trong năm 2020. Trong đó, chương trình phát sóng "Why not Viet Nam" trên CNN kéo dài 6 tuần, đúng vào dịp chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ diễn ra sôi nổi, đã thu hút hàng triệu lượt người xem tại các thị trường du lịch quốc tế mục tiêu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại Diễn đàn “Tác động của đại dịch Covid-19 - Hành động quyết liệt của Ngành VHTTDL”.

Một điểm sáng trong công tác xúc tiến, quảng bá trong bối cảnh tác động của Covid-19 là việc chuyển hướng thị trường nhanh chóng, kịp thời. Khi du lịch quốc tế bị đóng băng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chủ động đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, cụ thể là hai chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn".

Sau khi Bộ VHTTDL phát động chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của các địa phương, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không. Các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành đã liên kết, hợp tác tạo ra nhiều gói sản phẩm du lịch hấp dẫn để giới thiệu tới du khách, được nhân dân nhiệt tình đón nhận.

"Kích cầu du lịch nội địa đã giảm thiểu tác động của Covid-19 đối với toàn ngành và là cứu cánh, góp phần để du lịch Việt Nam có thể trụ vững trên đôi chân của mình trong bối cảnh khó khăn"- ông Nguyễn Trùng Khánh nói.

Các chương trình du lịch còn thu hút sự tham gia, vào cuộc của các cơ quan truyền thông cả nước. Theo thống kê sơ bộ, các sự kiện kích cầu do Tổng cục Du lịch chủ trì tổ chức thu hút khoảng 120-140 bài viết trên các trang báo hàng đầu Việt Nam. Cả năm 2020 đã có hơn 18.300 bài viết, gần 1.200 video về du lịch phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và truyền thông về du lịch.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết thêm, qua thực tế Tổng cục Du lịch đã tổng kết được một số bài học kinh nghiệm đối với công tác truyền thông, quảng bá du lịch trong bối cảnh du lịch như: Cần linh hoạt trong công tác truyền thông, chuyển đổi phù hợp với định hướng thị trường, với nhu cầu thị trường bị thay đổi do tác động của dịch bệnh; bên cạnh hoạt động xúc tiến quảng bá hướng tới thị trường quốc tế thì truyền thông, kích cầu thị trường nội địa cũng cần được quan tâm...

Cùng với đó là thu hút sự quan tâm của các bên liên quan, trong đó Bộ VHTTDL đóng vai trò khởi xướng và định hướng thị trường, nội dung truyền thông, quảng bá; Sự vào cuộc của các địa phương, doanh nghiệp chủ động tổ chức các hoạt động kích cầu và đặc biệt cần có sự ủng hộ , tham gia tích cực của các cơ quan truyền thông

Cần chú trọng ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số để bắt kịp xu hướng truyền thông, quảng bá mới trên thế giới phù hợp với bối cảnh, rào cản do ảnh hưởng của dịch bệnh; đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong điều kiện mới.

Kêu gọi xã hội hóa tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch

Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi các hoạt động du lịch trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, ngày 7/09/2021 Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022, tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó bao gồm nhiệm vụ tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch.

Theo đó, nhấn mạnh vào các giải pháp như: Triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn" phù hợp trong bối cảnh mới tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh.

Định hướng truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, chính sách mới liên quan đến xuất nhập cảnh; cập nhật thông tin các chương trình du lịch mới, có ưu đãi tới khách du lịch. Trước hết là triển khai truyền thông, quảng bá, thu hút khách du lịch góp phần đảm bảo thực hiện thành công Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc (Kiên Giang) đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương. Trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến khác trong cả nước.

Giải pháp tiếp theo được đưa ra là Đa dạng các kênh truyền thông: Qua các trang web, mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến; các kênh truyền thông quốc tế lớn; phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quảng bá hình ảnh Việt Nam an toàn, hấp dẫn

Hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp du lịch triển khai số hóa các điểm đến của họ đồng thời tập hợp các cơ sở dữ liệu đó để quảng bá dịch vụ, kết nối lại thị trường và cập nhật thông tin phục vụ du khách.

Hiện nay, nhằm phục vụ việc đón khách quốc tế, Tổng cục đang tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn trong đó tích hợp nhiều tính năng, như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, cơ sở y tế, hồ sơ sức khỏe, bảo hiểm, khám phá điểm đến, quản lý tour du lịch, mua sắm…

Để thực hiện các giải pháp trên, đại diện Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương chủ động đề xuất Bộ Y tế ưu tiên bố trí nguồn vắc xin phòng Covid-19 triển khai tiêm cho người dân cũng như lao động trong ngành du lịch, tạo môi trường an toàn để có thể khôi phục hoạt động du lịch nội địa và thu hút khách quốc tế đi du lịch Việt Nam.

Đồng thời, Tổng cục cũng đề nghị các địa phương chủ động bố trí, kêu gọi xã hội hóa tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt là cho hoạt động xúc tiến quảng bá; phối hợp, tham gia các chương trình truyền thông, xúc tiến do Bộ VHTTDL phát động, cũng như chủ động tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến địa phương.

Tạo điều kiện hợp tác công – tư trong xúc tiến, quảng bá du lịch; huy động mọi nguồn lực, tham gia từ các cá nhân, tổ chức quan tâm; khuyến khích hình thành các liên minh, liên kết hợp tác cùng xúc tiến quảng bá điểm đến hoặc sản phẩm du lịch./.

Nguồn: Bộ VHTTDL

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu