Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm

12/10/2021 1202 0

Những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm

Ninh Thuận vùng đất đầy nắng gió với bao dấu tích văn hóa đặc sắc, đậm nét đặc biệt của người Chăm. Văn hóa Chăm mang những nét riêng biệt, hòa quyện vào nền văn hóa chung làm cho nền văn hóa Ninh thuận càng trở nên hấp dẫn, phong phú, đa dạng, đầy sắc màu, đắm say lòng người.

Lễ hội Katê rất độc đáo của đồng bào Chăm. Ảnh: Khoa Lê

Ninh Thuận nằm ở Nam Trung Bộ nước ta, là tỉnh có đông người Chăm sinh sống. Nền văn hóa Ninh Thuận mang đậm màu sắc văn hóa của dân tộc Chăm. Văn hóa Chăm được thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, nghề gốm, dệt thổ cẩm, nghệ thuật hát, múa, chữ viết, trang phục dân tộc... Văn hóa Chăm trở thành di sản quý giá của Ninh Thuận nói riêng và của nước ta nói chung. 

Nếu có dịp đến Ninh Thuận, du khách thỏa sức ngắm các công trình kiến trúc độc đáo về các tòa tháp Chăm. Những tòa tháp Chăm trường tồn theo thời gian, mặc cho thăng trầm biến cố của thời gian nhưng kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc của nó vẫn giữ nguyên giá trị. Du khách được thả hồn chìm đắm trong điệu múa Apsara của người Chăm. Những điệu múa cùng lời ca, hòa trong âm hưởng của các loại nhạc cụ như: Trống Ghi-năng, trống Paranưng, Kèn Saranai… làm say đắm lòng người. Văn hóa Chăm rất đặc thù, có những nét riêng biệt, rất hấp dẫn và thu hút người xem.

Hàng năm, cộng đồng người Chăm thường tổ chức Lễ hội Katê. Katê là lễ hội độc đáo của đồng bào Chăm. Lễ hội trở thành điểm đến cho những du khách muốn tìm hiểu, nghiên cứu, thưởng thức và trải nghiệm văn hóa Chăm. Du khách có thể xem Lễ hội Katê ở huyện Ninh Phước, diễn ra tại tháp Pô Rômê và đền Pô Inư Nưgar ở xã Phước Hữu. Hoặc xem Lễ hội Katê tại tháp Pô Klông Garai tại TP Phan Rang - Tháp Chàm. 

Ông Phạm Văn Thành, Trưởng phòng Văn hóa và Gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Ninh Thuận cho biết: “Lễ hội Katê của người Chăm nhằm mục đích tưởng nhớ các vị nam thần như: Pô Klong Garai, Pô Rômê, Pô Dam… tưởng nhớ ông bà, tổ tiên cũng như trời đất đã phù hộ cho con người. Lễ hội Katê gồm: Lễ rước y trang (Rauk khan aw pô Yang), lễ mở cửa tháp (Pơh băng yang), lễ tắm tượng thần (Mưnay Yang), lễ mặc y trang cho thần (Angui khan aw Yang) và đại lễ (Mưliêng Yang).

Lễ hội Katê được thể hiện thông qua các bài thánh ca, những điệu múa dân gian hòa trong nền nhạc trầm bổng với nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Lễ hội Katê cũng là dịp các đôi trai gái Chăm gặp gỡ, hẹn hò”.

Ông Thành cho biết thêm, ngoài Lễ hội Katê, người Chăm còn có nhiều nhóm nghi lễ như: Nhóm nghi lễ vòng đời (đoạn sinh, trưởng thành, đoạn tử), nhóm nghi lễ trong dòng tộc (cầu sức khỏe, cầu bình an…), nhóm nghi lễ trong cộng đồng (lễ Rija Nâgar…).

Theo thống kê người Chăm có hơn 75 lễ hội. Không chỉ đa dạng về các nhóm nghi lễ mà người Chăm tại Ninh Thuận còn có nhiều điệu múa lễ tiêu biểu như: Điệu ligem (trong các lễ Rija và Rija Dayep của Muk Rija), điệu ligem Biyén (trong các lễ và Rija Dayep, Rija Praong của Muk Rija), điệu ligem Po Tang Haok (trong lễ Rija Nâgar và Rija Harei của Ong Ka - ing), Tamia ndao (hay còn gọi múa gươm) trong các lễ tùy họ có tôn thờ, Tamia juak padai (hay còn gọi múa đạp lúa) trong các lễ Payak của Muk Paujuw,…

Hoặc khi du khách đến thăm các làng nghề của người Chăm Ninh Thuận như: Làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp… với truyền thống lâu đời, du khách bị “mê hoặc”, bị “hút hồn” vào các động tác điệu nghệ, bởi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân làm gốm, dệt thổ cẩm ở đây.

Nói về văn hóa Chăm, ông Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, theo số liệu thống kê, hiện Ninh Thuận có tổng số 149 di sản văn hóa; trong đó có 65 di sản văn hóa đã được xếp hạng.

Năm 2017, Bộ VH,TT&DL ban hành quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia gồm: Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận, Công nhận Di tích quốc gia đặc biệt đối với tháp Pô Klông Garai và tháp Hòa Lai.

Hiện, Ninh Thuận là 1 trong 21 tỉnh có đàn ca tài tử được đưa vào nhóm văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại.

Năm 2019, Ninh Thuận cũng đã trình UNESCO đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào nhóm văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Ngoài những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ra Ninh Thuận còn được thiên nhiên ban tặng nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Ninh Thuận có rừng núi và biển cả, hiện vẫn giữ được vẻ hoang sơ của vùng nắng gió.

Theo kế hoạch Lễ hội Katê của đồng bào Chăm Ninh Thuận năm nay tổ chức từ ngày 4 đến 7/10, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 lễ hội không tổ chức mà chỉ sinh hoạt tôn giáo trong các gia đình người Chăm. Mặc dù chỉ tổ chức ở nhà nhưng đồng bào Chăm vẫn chuẩn bị chu đáo, đủ đầy, vẫn mang đậm ý nghĩa về sinh hoạt văn hóa của dân tộc mình. Những nét văn hóa Chăm đặc sắc, riêng biệt mà không dân tộc nào có được.

Hy vọng, thời gian tới đất nước ta trong đó có Ninh Thuận sớm đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi kinh tế, trở lại cuộc sống bình thường mới. Du khách trong nước và quốc tế lại có dịp đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Ninh Thuận được thưởng thức và khám phá những nét đặc sắc, riêng biệt về văn hóa của người Chăm.

Nguồn: thanhtra.com.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu