Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo nghề du lịch, góp phần phục hồi thị trường lao động

19/10/2021 963 0

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu: Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo nghề du lịch, góp phần phục hồi thị trường lao động

Ngày 15/10/2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề du lịch do Trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Huế Vũ Hoài Phương cho biết: chuyển đổi số đang là một yêu cầu cấp bách hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động, đề án chuyển đổi số và mỗi cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp cũng nằm trong xu thế đó.

Do đó, Trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức hội thảo này với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch, công nghệ thông tin để có cái nhìn toàn diện hơn về quá trình chuyển đổi số. Từ đó giúp cho mỗi cơ sở đào tạo định hình lựa chọn hướng đi, lộ trình chuyển đổi số phù hợp với khả năng, điều kiện của đơn vị.

PGS. TS Lê Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, hội thảo này được tổ chức rất phù hợp với chủ trương, định hướng của Bộ VHTTDL về đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đổi số trong các cơ sở đào tạo nhằm giải quyết bài toán nhân du lịch trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và đặc biệt thích ứng với tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết: Trong bối cảnh ngành du lịch chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, một vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào để khắc phục được những khó khăn hiện nay, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để phục hồi ngành “kinh tế mũi nhọn” ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Giải pháp tối ưu là ứng dụng công nghệ số, đặc biệt trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề du lịch sẽ giải quyết được bài toán nguồn cung nhân lực, tránh tình trạng “đứt gãy” thị trường lao động.

Với những thành tựu về khoa học công nghệ hiện đại của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với sự thay đổi về xu hướng du lịch, thị hiếu của du khách trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 thì sẽ xuất hiện các công việc mới như nhân viên marketing du lịch ảo, hướng dẫn viên du lịch công nghệ, nhân viên bán hàng và chăm sóc khách hàng trực tuyến... Do đó, đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức để đổi mới tư duy, thay đổi hình thức đào tạo nhằm tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay.

Để ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo nhân lực du lịch diễn ra thuận lợi và hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị Trường Cao đẳng Du lịch Huế nói riêng và các trường đào tạo về du lịch nói chung tập trung vào các giải pháp gồm có: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn ngành đến từng cán bộ, giảng viên và học sinh của nhà trường. Tập trung triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển hình thức dạy và học trực tuyến qua mạng; quản lý các khóa học trực tuyến đảm bảo chất lượng thông qua các quy định về điều kiện mở trường mở lớp, thẩm định cấp phép nội dung, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người học.

Đồng thời triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất, tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên giảng viên, học sinh sinh viên. Việc chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đơn thuần là tăng cường các thiết bị, ứng dụng máy móc công nghệ vào giảng dạy mà khi chuyển lên môi trường số cần thay đổi cách học tập, làm sao để người học chủ động, tự định hướng, hợp tác và có hứng thú. Tốc độ học tập cần phù hợp vào năng lực học sinh, tổ chức học linh hoạt để người học có thể học được mọi lúc, mọi nơi.

Thông qua hội thảo này, Phó Tổng cục trưởng biểu dương và ghi nhận những kết quả đạt được của Trường Cao đẳng Du lịch Huế trong thời gian qua. Với bề dày thành tích và năng lực đào tạo ấn tượng của nhà trường cùng với việc tích cực ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo, Phó Tổng cục trưởng tin rằng trong thời gian tới Trường Cao đẳng Du lịch Huế sẽ phát triển hơn nữa, xứng tầm là cơ sở đào tạo nhân lực du lịch hàng đầu khu vực miền Trung.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã nghe các chuyên đề về: (1) Cơ hội, thách thức đối với hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh dịch COVID-19; (2) Chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Thừa Thiên Huế; (3) Xu hướng chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp; (4) Báo cáo đánh giá hoạt động chuyển đổi số và kết quả đạt được trong thời gian qua tại Trường Cao đẳng du lịch Huế; (5) Đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi số.

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu