Tăng cường kết nối, thích ứng linh hoạt để “phá băng” phục hồi du lịch

19/10/2021 936 0

Tăng cường kết nối, thích ứng linh hoạt để “phá băng” phục hồi du lịch

Sáng ngày 14/10, Báo Người Lao Động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới” nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cũng như giúp các doanh nghiệp trong ngành có thể sớm phục hồi, phát triển trở lại.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Tham dự buổi tọa đàm có Tổng biên tập Báo Người Lao động Tô Đình Tuân; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu; lãnh đạo các địa phương, sở quản lý du lịch, các hiệp hội  và doanh nghiệp du lịch.

Tọa đàm diễn ra trong 2 phiên, Phiên thứ nhất với chủ đề: Du lịch đã “chạm đáy” trao đổi về bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch thời gian qua và hiện tại, thực trạng tình hình du lịch ở các địa phương đến thời điểm này; khó khăn của doanh nghiệp du lịch, hàng không. Phiên thứ hai với chủ đề “Đề xuất và hiến kế giải pháp”, các đại biểu bàn về những mô hình có thể triển khai ngay trong giai đoạn này khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát để “phá băng” du lịch và kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, địa phương…

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết, trong hai năm 2020-2021, hàng loạt doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, rơi vào tình trạng khó khăn hơn bao giờ hết. Hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đóng cửa. Các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách cũng không nằm ngoài tác động này.

Trong lĩnh vực lưu trú, công suất buồng phòng 6 tháng đầu năm 2021 dưới 10%, đặc biệt ở những trung tâm du lịch công suất rất thấp. Từ năm 2021, số cơ sở hoạt động chỉ chiếm 25% so với 2020, lao động tạm nghỉ việc, lao động cầm chừng, chỉ chiếm 10% làm khách sạn. Lượng khách sạn rao bán ngày càng tăng.

So với các ngành khác, du lịch là ngành dịch vụ dễ bị tổn thương, liên quan đến sự di chuyển của con người, mật độ, khả năng tương tác cao nên dễ thành tâm điểm chịu tác động ngay lập tức. Bức tranh tổng thể cho thấy thiệt hại nghiêm trọng của ngành du lịch, toàn ngành đang mong dịch bệnh sớm được kiểm soát trong trạng thái bình thường mới.

Các địa phương đã sẵn sàng đón khách du lịch an toàn, linh hoạt

Tại buổi tọa đàm, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa đã xây dựng kế hoạch đón khách du lịch, kiểm soát và linh hoạt phòng chống dịch Covid-19. Tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, các phương án chi tiết nhằm khôi phục du lịch tại địa phương. Đồng thời, tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bảo đảm chất lượng các khu du lịch, hướng tới bảo đảm an toàn cho du khách, an toàn cho dân cư; phối hợp với ngành hàng không, đường sắt, bến cảng, liên kết với các địa phương để phục hồi hoạt động du lịch.

Với tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung tiêm vắc-xin, nhất là ở Hội An và các điểm đến trọng điểm khác. Hiện nay, Quảng Nam đang triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích nghi an toàn, thích ứng Covid-19 và từng bước mở cửa trong tháng 11 để đón khách du lịch ở vùng vàng, vùng xanh, đồng thời hợp tác, liên kết với Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh để khai thác du lịch nội địa theo lộ trình. 

Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, ngành Du lịch Thành phố cũng đang chuẩn bị cho sự tái khởi động du lịch. Ngay khi dịch vừa có dấu hiệu được kiểm soát, Sở đã tổ chức những tour thí điểm tri ân lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Thành phố đã xây dựng kế hoạch phục hồi 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu trong tháng 10, triển khai du lịch nội vùng; giai đoạn 2 làm việc với các địa phương liền kề để chuẩn bị du lịch liên tỉnh vào tháng 11; và dự thảo đề án đón khách quốc tế vào giai đoạn 3. Du lịch TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ hồi phục vào năm 2022 với trọng tâm là du lịch nội địa.Về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, hiện nay Kiên Giang đang lấy ý kiến của các bộ ngành trung ương để hoàn thiện kế hoạch. Để sẵn sàng đón khách quốc tế thí điểm, tỉnh đã tổ chức hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1 và sẽ tiêm nốt mũi 2 trong tháng 10. Dự kiến cuối tháng 11 này có thể vận hành đón khách bảo đảm kế hoạch đề ra. Ngành du lịch tỉnh cũng lên kế hoạch hỗ trợ để giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ quảng bá, truyền thông để đón khách thuận lợi…  Hiện đã mở lại các đường bay từ Phú Quốc - TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc - Rạch Giá chuẩn bị cho khôi phục ngành du lịch tỉnh.

Doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn nhưng luôn sẵn sàng phương án phục hồi hoạt động

Các doanh nghiệp du lịch tham dự buổi tọa đàm đều cho rằng sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến du lịch là quá lớn, các doanh nghiệp du lịch gần như không thể hoạt động, thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đã có những bước chuẩn bị, kế hoạch để phục hồi ngay khi du lịch được mở cửa.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) Võ Anh Tài cho biết, từ giữa tháng 9, Saigontourist Group cũng đã tài trợ, tổ chức bảo đảm an toàn thành công 10 tour tri ân tại Cần Giờ, Củ Chi phục vụ trên 1.100 y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Saigontourist Group cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án kinh doanh cụ thể tại từng đơn vị, từng địa phương nơi có cơ sở của tập đoàn, với mục tiêu sản phẩm, dịch vụ phải đảm bảo các yếu tố an toàn, chất lượng, mang lại nhiều lựa chọn, giá cạnh tranh, đi kèm các chương trình khuyến mãi, hậu mãi đặc biệt.

Tổng Giám đốc Vietravel Trần Đoàn Thế Duy chia sẻ, trong giai đoạn khó khăn ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty tập trung vào việc xây dựng các sản phẩm mới thích ứng với yêu cầu mới. Ngoài TP. Hồ Chí Minh, công ty cũng làm việc với các địa phương khác để khi điều kiện cho phép thì sẵn sàng có sản phẩm. Tập trung vào yếu tố an toàn: điểm đến an toàn, dịch vụ an toàn, chỉ cam kết đến những địa phương công bố an toàn… Ông cũng cho rằng việc liên kết giữa các địa phương là rất quan trọng để phục hồi, bởi du lịch là một ngành có tính liên vùng, liên ngành rất cao.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Lê Khắc Hiệp cho biết, các khu nghỉ dưỡng của Vingroup đã sẵn sàng đón khách trở lại. Khu nghỉ dưỡng sẽ liên tục nâng cao trải nghiệm của du khách, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong đó cho ra mắt ứng dụng quản gia thông minh, hỏi đáp thông tin nhà hàng, cập nhật thông báo giúp khách tiện lợi, hạn chế tiếp xúc; đồng thời chuẩn bị nhiều sản phẩm mới để đón khách du lịch, như tàu ngầm vô cực trong suốt 360 độ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển… cùng nhiều hoạt động giải trí hấp dẫn khác.

Ngành Du lịch tập trung vào 4 định hướng để khởi động lại hoạt động du lịch

Trong phát biểu với tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL đã có định hướng chỉ đạo ngành Du lịch triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực để xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch, trong đó tập trung vào 4 định hướng:

Thứ nhất, ưu tiên du lịch nội địa, coi đây là cơ sở phát triển lại du lịch. Cần xem xét khảo sát, đánh giá đúng về thực trạng nhu cầu, mong muốn của khách du lịch. Thiết kế lại sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng và phù hợp với nhu cầu của khách trong tình hình mới.

Thứ hai, khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, hướng đến gần gũi thiên nhiên, các giá trị văn hóa vùng miền, tập trung ở các địa phương, địa bàn đang an toàn, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thứ ba, đồng hành cùng doanh nghiệp kiến nghị với Chính phủ có các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành như miễn giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, giảm tiền ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành, các gói tín dụng trong tổng thể chung cho các doanh nghiệp, để doanh nghiệp du lịch tiếp cận được với những chính sách hỗ trợ này.

Cùng doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động trong ngành để không bị đứt gãy, thu hút lại lao động, tổ chức tập huấn, đào tạo cho nguồn nhân lực quan trọng này.

Thứ tư là tập trung vào số hóa, ứng dụng công nghệ. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Tập trung xây dựng các app du lịch an toàn, cung cấp thông tin trên nền tảng số cho du khách lựa chọn. Đây là hướng đi trong tương lai của ngành du lịch.

Bên cạnh đẩy mạnh du lịch nội địa, Bộ trưởng cũng cho biết hiện nay Bộ VHTTDL đang phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương chuẩn bị kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, trên cơ sở đó sẽ xem xét tiếp tục mở rộng ra các địa bàn khác đủ điều kiện.

Phát biểu tổng kết buổi tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân nhấn mạnh, cần kết nối chặt chẽ giữa các địa phương, doanh nghiệp để “phá băng”, phục hồi và phát triển ngành Du lịch bền vững.

Đối với ngành du lịch, việc mở cửa tới đâu, như thế nào còn phụ thuộc tình hình kiểm soát dịch và độ phủ vắc-xin, điều này rất quan trọng. Với sự nỗ lực ngoại giao của Chính phủ, tính đến nay, chúng ta có khoảng 88 triệu liều vắc-xin và đã triển khai tiêm gần 60 triệu liều. Sắp tới, vắc-xin sẽ tiếp tục về và hy vọng trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ được chích ngừa và là điều kiện để du lịch gia đình có thể triển khai trở lại. Việc tăng tốc tiêm phủ vắc-xin ở điểm đến là hết sức cần thiết. Đề nghị Chính phủ, bộ ngành, địa phương quan tâm tiêm vắc-xin cho người dân ở điểm du lịch, nhân viên ngành du lịch để bảo đảm an toàn. 

Tổng biên tập Báo Người Lao Động cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông trong quá trình phục hồi của ngành du lịch. Đồng thời cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong ngành du lịch.

Với định hướng mới, cách làm mới, ngành du lịch các địa phương sẽ có sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa, có sự chia sẻ đồng hành hỗ trợ hơn nữa. Du lịch là ngành tổng hợp, rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ và kết nối của các doanh nghiệp, các địa phương, đơn cử như ngành vận tải và du lịch là rất cần sự kết nối. TP.HCM vừa qua đã làm rất tốt việc thí điểm du lịch Cần Giờ, Củ Chi; nhưng sắp tới cần kết nối thêm các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu… Chúng ta phải làm sao để cùng đồng hành, chia sẻ trong sự khôi phục lại du lịch trong thời gian tới. 

Ông Tô Đình Tuân cũng kiến nghị các cơ quan chức năng và địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để góp phần giải bài toán khó cho du lịch hiện nay. Các bộ, ban ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng cần có sự đồng hành như giảm lãi suất, miễn giảm điện, nước; hỗ trợ có đủ vắc-xin, hỗ trợ nguồn nhân lực trở lại để ngành du lịch có thể phục hồi và cất cánh bền vững trong tương lai.

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu