Ninh Thuận: Chùa Ông-chùa nhưng không thờ Phật là mái nhà chung suốt gần 200 năm của người Hoa
Trải qua gần 200 năm lịch sử với biết bao thăng trầm, ngôi Chùa Ông ở khu phố 3, phường Kinh Dinh, TP. Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) vẫn giữ được nét mộc mạc, nguyên sơ như ban đầu mới xây dựng. Cộng đồng người Hoa ở Ninh Thuận xem Chùa Ông như "mái nhà chung và cũng là chốn đi về" của mình...
Là người địa phương và đã cò nhiều dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Chùa Ông, nhưng mãi đến trung tuần tháng 10 vừa qua, chúng tôi mới được những"hướng dẫn viên" người Hoa kể tường tận về ngôi chùa có vẻ đẹp, kiến trúc độc đáo có một không hai ở Ninh Thuận.
Mặt tiền Chùa Ông ở phường Kinh DInh, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)
Vừa bước vào cửa, chúng tôi cảm nhận được vẻ uy nghi, trầm mặc, cổ kính của một ngôi chùa gần 200 tuổi với những tranh ảnh, bia chữ mang đậm nét kiến trúc của người Hoa. Trên nóc chùa được trang trí hình tượng lưỡng long tranh châu, các mái được chạm khắc lân, phụng, hoa lá đường nét sinh động, sắc màu tươi thắm.
Ông Hàn Nho Quan (60 tuổi), trưởng Ban quản lý Chùa Ông ở Ninh Thuận cho biết, hiện nay chùa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người Hoa thuộc nhiều bang phái, trong đó chủ yếu là bang phái Hải Nam, Triều Châu và Quảng Đông.
Cũng theo ông Quan, căn cứ vào các bia ký tại chùa cho thấy đồng bào người Hoa từ các tỉnh Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam di dân đến Ninh Thuận vào đầu thế kỷ XIX.
Dù đã gắn bó chặt chẽ với cộng động người Việt, nhưng cũng như bao người Hoa di cư khác trên khắp các đô thị Việt Nam, những người Hoa vẫn nhớ về quê hương nên đã chung tay góp sức xây dựng những chùa, miếu, trường học…
Việc này thể hiện truyền thống dân tộc và phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, học tập trong cộng đồng người Hoa khi ly hương. Do đó, Chùa Ông ở Phan Rang đã ra đời từ những bắt nguồn này.
Cầm trên tay những tư liệu xưa cũ, ông Quan cho biết Chùa Ông trước đây chỉ là một ngôi Miếu nhỏ được xây dựng vào khoảng năm 1831 trên nền diện tích tổng cộng gần 1.220 mét vuông.
Trong đó, phần Miếu có diện tích gần 400 mét vuông, còn lại là phần diện tích xây dựng các lớp học và nơi sinh hoạt cho cộng đồng người Hoa.
Hồi ấy, Miếu nằm ven đường thiên lý Bắc Nam (hồi xưa là Quốc lộ 1 và bây giờ là đường Thống Nhất, con đường trung tâm TP Phan Rang- Tháp Chàm) lại gần khu vực chợ lớn Phan Rang nên rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu của cộng đồng Hoa kiều.
"Khi khởi công xây dựng, thế hệ người Hoa lúc bấy giờ đã mang các vật liệu về từ Trung Quốc với hàng chục khối gỗ, đá san hô, ống nghè (còn gọi là đất nung dạng ống) cùng đội ngũ thợ xây, điêu khắc giỏi nghề từ Trung Hoa sang Việt Nam thực hiện.
Quá trình xây dựng ngôi miếu với hệ thống cột cái, đòn dông, vĩ kèo được các nghệ nhân chạm khắc tinh xảo, phản ảnh đỉnh cao trong nghệ thuật kiến trúc đình chùa của người Hoa", ông Quan cho biết.
Theo sử sách để lại và lời kể của ông Quan, tháng 4 năm Tân Mão (1891), các ông Diệp Thái Xương và ông Đường Vạn Sinh đã vận động cộng đồng người Hoa đóng góp và tu sửa, xây dựng mở rộng ngôi Miếu và đặt tên là "Công Sở Quỳnh Châu". Nơi này vừa làm nơi hoạt động tín ngưỡng vừa là nơi hoạt động hành chính của người Hoa sinh sống ở Ninh Thuận lúc bấy giờ.
"Có thể lúc bây giờ người Hoa thuộc bang Hải Nam đã đông dần lên nên hình thành công sở để đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội theo đạo luật nhà Nguyễn, nên cái tên 'Công sở Hải Nam' cũng dần hình thành và được biết đến song song với 'Công Sở Quỳnh Châu'. Đến năm 1909, tiếp tục được người Hoa trùng tu mở rộng thành ngôi nhà 3 gian với kiến trúc, điêu khắc còn giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay", ông Quan nói.
Theo quan sát của chúng tôi, trên cây đòn dông của của chùa vẫn còn lưu Hán tự "Long phi trùng tu" nghĩa là rồng bay năm đầu vua Tuyên Thống, tức năm Kỷ Dậu (1909) tháng đầu thu, ngày Tân Dậu trùng tu.
Giai đoạn 1912-1916, cộng đồng người Hoa tiếp tục trùng tu xây dựng thêm 2 nếp nhà là Tiền đường và Đại sảnh đường có kiến trúc và điêu khắc rất hài hòa. Và sau đợt trùng tu này, người dân đã quen gọi là Chùa Ông.
Năm 1996, Chùa Ông được tu sửa, thay lại phần mái ngói và sơn vẽ lại các hoa văn trang trí và lát gạch nền nhưng không làm hỏng đi những giá trị nguyên góc.
Hiện nay, tổng thể kiến trúc Chùa Ông vẫn còn giữ khá nguyên vẹn, từ lớp tường được xây bằng san hô và ống nghè, đến những cột gỗ, đòn dông chưa hề bị mối mọt. Các chi tiết hoa văn, chạm khắc vẫn còn nguyên bản.
Theo ông Huỳnh Sử Hải, 62 tuổi, Phó ban quản lý Chùa Ông, hiện nay từ cổng vào thì những khách tham quan sẽ đi lần lượt, thứ tự vào từ cổng chính là phần hội quán Hải Nam, giếng trời rồi mới đến 3 gian chính gồm: Gian sinh hoạt, gian tiền hiền và gian chánh điện.
"Riêng cổng tam quan ngăn cách giữa hội quán Hải Nam và giếng trời chỉ được mở vào các ngày mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Bởi những dịp này có hàng nghìn người Hoa sinh sống khắp nơi nhớ ngày hội lớn nên quay về cúng bái theo nhu cầu tín ngưỡng của mình..." Ông Hải nói.
Theo Ban quản lý Chùa Ông, tên gọi là chùa nhưng Chùa Ông không thờ Phật mà chỉ thờ một "Đức Ông" quan trọng nhất theo tín ngưỡng của người Hoa sinh sống ở Ninh Thuận.
Đó chính là ngài Đức Quan Thánh hay còn được biết đến là Quan Vân Trường hay Quan Đế (Quan Vũ) trong bộ truyện Tam Quốc Diễn nghĩa thời Hán của lịch sử Trung Quốc.
Theo ông Hàn Nho Quan, trưởng Ban quản lý Chùa Ông, sở dĩ thờ ngài Đức Quan Thánh bởi ngài được cộng đồng người Hoa tôn kính, ca tụng vì lòng trung nghĩa, tiết trung liệt; qua đó, nhằm mục đích động viên cộng đồng Hoa kiều đoàn kết, trung thực, hiếu nghĩa.
Theo ông Quan, bên cạnh việc thờ ngài Đức Quan Thánh, người Hoa cũng thờ cả người em kết nghĩa với ngài là Trương Phi và người con nuôi Quan Bình.
"Sở dĩ người Hoa chúng tôi không thờ ông Lưu Huyền Đức (Lưu Bị) người anh kết nghĩa của Quan Vân Trường là bởi vị này là bậc đế vương, thuộc dòng dõi nhà vua, bậc tôn quý trong lịch sử nhà Hán..." Ông Quan cho biết.
Dẫn chúng tôi tham quan phần 3 gian của chùa, ông Quan cho biết, gian sinh hoạt là nơi chuẩn bị các thủ tục cúng bái; gian tiền hiền là nơi tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền bối đi trước, những người có công đóng góp và xây dựng nên Chùa Ông ngày nay. Và gian cuối cùng là Chánh điện nơi thờ ngài Đức Quan Thánh.
Theo quan sát của chúng tôi, Chánh điện và gian thờ rực rỡ sắc đỏ cùng những họa tiết trang trí lộng lẫy, uy nghi theo đậm nét cổ truyền của người Hoa.
Hằng năm, Chùa Ông ở Ninh Thuận cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tế lễ vào các ngày 13 tháng Giêng âm lịch cúng"Đào viên kết nghĩa"; ngày 13 tháng 5 âm lịch vía Quan Bình; ngày 24 tháng 6 vía Ngài Quan Thánh. Đặc biệt vào đêm giao thừa, người Hoa địa phương đến thắp hương cầu mong quốc thái dân an, gia đình làm ăn thịnh vượng trong năm mới.
Tranh thủ thời gian nghỉ dịch Covid-19, bạn trẻ Huỳnh Trung Nguyên, một trong những thế người Hoa sinh ra tại Ninh Thuận đã đến thăm viếng Chùa Ông.
Ban Huỳnh Trung Nguyên cho biết, cùng với dịp tết âm lịch thì hằng năm dù đi đâu, ở đâu nhưng mỗi độ ngày 13 tháng Giêng (âm lịch) và những ngay lễ lớn, Trung Nguyên và gia đình đều thu xếp công việc để trở về Chùa Ông tham gia lễ vía Đào viên kết nghĩa tại Chùa Ông."
Theo Trung Nguyên, giới trẻ tụi người Hoa ở Ninh Thuận lâu nay xem Chùa Ông như "mái nhà chung và cũng là chốn về"của mình. Mỗi lần đến đây, nhiều bạn trẻ đã cầu khấn Đức Quan Thánh ban cho sự bình an, mạnh khỏe cả sức lực và trí lực...
"Ngay từ nhỏ em đã tham gia sinh hoạt tại Chùa Ông và nghe các bậc tiền bối kể về sự trung tín, trọng tình nghĩa của Đức Quan Đế-Quan Vũ nên em cũng lấy đó làm tấm gương để mình phấn đấu. Em cũng rất tự hào về công trình kiến trúc mang tính lịch sử độc đáo và tín ngưỡng của dân tộc mình. Em sẽ kể lại truyền thống tốt đẹp của người Hoa trên vùng đất Ninh Thuận này.. ", Huỳnh Trung Nguyên tâm sự.
Chùa Ông nằm trong các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Ninh Thuận, được du khách thập phương đến chiêm ngưỡng. Và cũng là một trong những địa danh phản ánh được phần nào quá trình hình thành cộng đồng người Hoa sống giữa lòng người Việt trên mảnh đất Ninh Thuận.
Chùa Ông ở Ninh Thuận được đánh giá là một trong những ngôi chùa hiếm hoi còn lưu giữ nhiều vật dụng thờ cúng cổ có giá trị về nghệ thuật đúc đồng, gốm sứ, liễn thờ và 4 sắc phong thuộc triều vua Thiệu Trị, Tự Đức và Đồng Khánh. Đây cũng là di tích cấp Quốc gia được Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du lịch cấp bằng vào 14/4/2011.
Ngay cạnh Chùa Ông là những gian phòng được xây dựng để làm lớp dạy học của các thế hệ con cháu người Hoa trên đất Ninh Thuận. Theo ông Hán Nho Quan, trưởng ban quản lý Chùa Ông, trước năm 1975, có rất nhiều con cháu người Hoa cũng như người Việt theo học các lớp học dạy tiếng Hoa ở đây. Tuy nhiên, sau 1975 thì số học viên ngày càng ít dần, chủ yếu là thế hệ người Hoa kế cận.
Hiện nay, chùa vẫn nhận dạy tiếng Hoa miễn phí cho cả người Hoa lẫn người Việt. Các phòng học đã được tu sửa khang trang để phục vụ cho việc dạy và học. Phần không gian còn lại được dùng để tổ chức các buổi sinh hoạt của cộng đồng người Hoa mỗi khi có dịp.
Nguồn: danviet.vn