Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm

27/10/2021 1150 0

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm

(Thanh tra)- Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đã trải qua hàng thế kỷ. Đến nay, làng dệt thổ cẩm này vẫn nổi tiếng cả nước và được các thế hệ phụ nữ Chăm giữ gìn, phát triển bằng hình thức “mẹ truyền con nối”.

Giá trị độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp là vẫn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công từ một chiếc khung gỗ dệt. Ảnh: Khoa Lê

Theo thống kê, hiện nay làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp có hơn 700 hộ với khoảng 4.000 nhân khẩu, có hơn 500 nghệ nhân, thợ dệt giàu kinh nghiệm, gắn bó lâu năm với khung dệt thủ công từ thời niên thiếu cho đến tuổi già. Sản phẩm không chỉ phục vụ sinh hoạt hàng ngày, mà còn là thước đo để đánh giá phẩm chất, sự đảm đang của phụ nữ Chăm.

Làng nghề lâu đời của đồng bào Chăm

Tương truyền vào thế kỷ 17, một người phụ nữ tên Ponagar đã đến vùng đất Mỹ Nghiệp (tên ngày nay) và nhận thấy khí hậu nơi đây thích hợp với việc trồng bông vải, để sau khi thu hoạch, cây bông vải được làm qua nhiều công đoạn, gồm: Tách hạt, se sợi, cuộn, ngâm, dập, nhuộm, hồ, chải, đánh bóng rồi đem phơi... lấy tơ dệt nên những tấm vải thổ cẩm đẹp, chắc, nên bà đã truyền lại nghề cho hai vợ chồng Ong Xa và bà Chaleng đang sống ở làng. Từ đó, nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp phát triển cho đến nay.

Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, khâu nhuộm sợi tơ được coi là quan trọng nhất và chọn màu đen là màu chủ đạo, màu nền cho tấm vải.

Tất cả các màu đều được làm từ lá, vỏ cây rừng, như màu đen lấy từ lá cây chùm bầu đem ngâm bùn non, màu đỏ từ mủ cây cánh kiến, màu xanh từ lá vỏ cây tràm... để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, chứa đựng những tinh hoa văn hóa truyền thống Chăm đặc sắc.

Theo các nghệ nhân lớn tuổi, điều làm nên giá trị độc đáo của thổ cẩm Mỹ Nghiệp là vẫn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công từ một chiếc khung gỗ dệt có gắn các quả cuốn những sợi chỉ muôn màu sắc để thợ dệt thả hồn mình vào từng “bước” chỉ đan xen nhau, tạo nên những hoa văn cổ Chăm, từ đó dệt nên những sản phẩm thổ cẩm tuyệt đẹp.

Cũng như nghề làm gốm, nghề dệt cũng thể hiện nét truyền thống của đồng bào Chăm như hình ảnh của hoa lá, cỏ cây, muôn loài... Đặc biệt hoa văn cổ Chăm thể hiện nét văn hóa rất độc đáo, những người dệt thành công hoa văn cổ, thường là các nghệ nhân có tuổi đời, tuổi nghề rất cao.

Ông Hàm Minh Thiệu, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ, Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho biết: Sản phẩm thổ cẩm Chăm tại làng Mỹ Nghiệp không đơn thuần chỉ có giá trị về kinh tế, mà còn mang nhiều ý nghĩa, triết lý về đời sống, phong tục tập quán, tôn giáo, tư duy mỹ thuật của đồng bào Chăm, bởi nét đặc trưng, tiêu biểu không có nơi nào sánh kịp. Hiện tại, HTX cùng với các nghệ nhân, thợ dệt giỏi trong làng đã và đang khẩn trương sưu tầm, phục chế lại những mẫu hoa văn cổ mà ít người Chăm còn biết đến.

Thành lập HTX để phát triển nghề truyền thống

Ngoài ra, theo ông Thiệu, khi mới thành lập HTX vào năm 2010 chỉ có 25 xã viên, đến nay đã phát triển lên 113 xã viên góp vốn hoạt động.

Những năm qua, được Trung tâm Khuyến công và Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ kinh phí, HTX đã tham gia 20 lượt hội chợ triển lãm sản phẩm trong nước. Đặc biệt, làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là 1 trong 17 làng nghề tiêu biểu nhất Việt Nam.

Vào dịp lễ hội Katê hàng năm, HTX tổ chức các thi dệt thổ cẩm để tìm thợ dệt giỏi, nhằm tìm kiếm thêm các hoa văn cổ còn bảo lưu trong cộng đồng, đồng thời tìm những thợ giỏi, nghệ nhân làm người hướng dẫn, dạy nghề cho thế hệ trẻ tiếp nối việc gìn giữ những nét đẹp của nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Đặc biệt, trong dịp Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới lần thứ 5 vào hồi tháng 8/2019 diễn ra tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, nghệ nhân Thuận Thị Trụ, ngụ làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đã trình diễn dệt thổ cẩm và múa vũ điệu Chăm góp phần đưa thổ cẩm Chăm ra thị trường thế giới.

Bà Thuận Thị Trụ chia sẻ: “Năm 1992 được xem là mốc hồi sinh cho nghề dệt thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp. Khi đó, tôi đã thành lập cơ sở dệt thổ cẩm Chăm. Đến năm 2000, tôi đã thành lập Công ty Thổ cẩm Inrahani, từ đó đên nay đã tạo việc làm cho 200 phụ nữ nghèo có thu nhập ổn định. Công ty đã sở hữu hơn 300 mặt hàng thổ cẩm, đáp ứng thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi".

Ngoài ra, nghệ nhân Thuận Thị Trụ còn sưu tầm hơn 30 hoa văn nền của thổ cẩm Chăm cổ, đang có nguy cơ thất truyền và sáng tạo bằng cách đã cách điệu ra thêm khoảng 50 hoa văn khác. Bằng những nỗ lực, bà đã tạo ra thổ cẩm mang thương hiệu Inrahani, không chỉ khẳng định được vị trí ở thị trường trong nước, mà còn được thị trường thế giới biết đến qua các hội chợ triển lãm lớn tại Thụy Sĩ, Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Singapore, Malaysia…

Để bảo vệ thương hiệu và tạo thuận lợi khi mua sản phẩm thổ cẩm dệt truyền thống của đồng bào Chăm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận đã triển khai dán tem điện tử thông minh trên sản phẩm của HTX Dịch vụ, Sản xuất, Kinh doanh dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, giúp người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng trên điện thoại.

Để được cấp tem điện tử, sản phẩm phải trải qua các khâu kiểm tra chặt chẽ về quy trình sản xuất, chất lượng. Sau khi được ngành chức năng thẩm định, toàn bộ dữ liệu liên quan đến sản phẩm được đăng tải lên internet để thuận tiện cho việc kiểm tra trên điện thoại di động thông minh quét mã tem QR Code trên sản phẩm, sẽ truy xuất được toàn bộ thông tin xuất xứ, mẫu mã sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng, giá cả tham khảo, hướng dẫn bảo quản sản phẩm thể hiện dưới dạng văn bản, hình ảnh, video. Tem điện tử giúp người tiêu dùng biết rõ hơn về sản phẩm, từ đó yên tâm trong quá trình mua sắm.

Bên cạnh đó, sản phẩm thổ cẩm của làng dệt Chăm Mỹ Nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tỉnh Ninh Thuận công nhận là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của địa phương, góp phần khẳng định thương hiệu, thúc đẩy phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm Ninh Thuận.

Nhiều du khách đến tham quan làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp đều có chung nhận xét, thổ cẩm của người Chăm Ninh Thuận có hoa văn và màu sắc, họa tiết độc đáo. Đặc biệt, khi kết hợp lại tạo thành những biểu tượng hoa văn cách điệu, như hình quả trám, hình rồng, voi, chim thú, hoa lá hay các họa tiết hình học đối xứng làm viền trang trí cho nhiều loại trang phục, dây đai, khăn choàng, khăn trải bàn, khăn trải giường, túi xách...

Nguồn: thanhtra.com.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu