Phục hồi nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19

05/11/2021 1457 0

Phục hồi nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch COVID-19

Gần 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, nguồn nhân lực du lịch cũng bị hao hụt lớn khi dịch bệnh được kiểm soát.

Khủng hoảng nguồn nhân lực

Đại dịch COVID-19 đã khiến trên 95% doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, khoảng 20 - 30% doanh nghiệp du lịch có nguy cơ phá sản. Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nửa đầu năm 2021, đã có khoảng 12,600 lao động tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang không có việc làm. Ở mảng lữ hành, số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp lữ hành, tương đương trên 12.100 người.

Tại Đà Nẵng, trong số hơn 5.000 doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch, có hơn 90% doanh nghiệp đóng cửa do ảnh hưởng của COVID-19. Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, có đến 1/10 doanh nghiệp là hội viên (tương ứng 1.000 doanh nghiệp) đã giải thể, số còn lại tiếp tục đóng cửa vì dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch cũng đang tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ để có thể tồn tại và giữ chân đội ngũ lao động nòng cốt. Tuy vậy, khó khăn chồng chất khó khăn khi phần lớn các doanh nghiệp đã cạn vốn hoặc đều đã vay ngân hàng.

Còn theo thống kê của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường trong nước đã tạm ngưng hoạt động. Tính cả năm 2020 và hết quý II năm 2021, tổng cộng có trên 170 doanh nghiệp rút giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Một số doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty, số còn lại cũng hoạt động cầm chừng hoặc chuyển hướng kinh doanh.

Bộ VHTTDL đề xuất hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: HT)

Bên cạnh đó, hàng loạt các khách sạn trên toàn quốc đóng cửa vì không có khách, nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch gặp vô vàn khó khăn. Nhiều người đã thất nghiệp, rời bỏ nghề, tạm nghỉ việc hoặc chật vật chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực khác để duy trì cuộc sống. Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ.

Nhiều công ty du lịch lo ngại, với tình trạng dịch chuyển lao động ra ngoài ngành như hiện nay, sau khi khống chế được dịch bệnh, ngành Du lịch sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực. Và nếu tìm được công việc ổn định, thu nhập tốt, có lẽ khi quay lại trạng thái bình thường, việc thu hút lao động trong ngành trở lại sẽ rất khó khăn.

Dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ở các doanh nghiệp, mà còn tác động rất lớn đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch. PGS.TS. Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: Đại dịch COVID-19 đã khiến các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi hình thức, phương pháp giảng dạy, đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến với cơ sở vật chất, trang thiết bị không đồng bộ, trình độ sử dụng công nghệ thông tin khác nhau; đồng thời, thiếu cơ sở thực hành, thiếu điều kiện học tập từ thực tiễn đã làm giảm chất lượng đào tạo.

Không chỉ vậy, công tác tuyển sinh ngành Du lịch của nhà trường cũng bị giảm đi đáng kể, số lượng sinh viên ra trường trong hai năm gần đây đều gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Điều này cũng có nghĩa trong vài năm tới, số lượng lao động bổ sung mới cho ngành du lịch sẽ bị thiếu hụt.

Tiếp sức cho doanh nghiệp để giữ nguồn nhân lực

Để có thể khôi phục được lực lượng lao động có tay nghề cao của ngành Du lịch khi đại dịch được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tinh giản bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm, cố gắng giữ lại những nhân sự cốt cán để không mất nhiều thời gian tìm kiếm, đào tạo lại. Một số doanh nghiệp tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng, xây dựng lại quy trình quản lý, đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời có hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm giữ chân nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cũng cần được tiếp sức bởi trải qua 4 đợt dịch liên tiếp, “năng lượng” của họ đã cạn kiệt. Hiện có hai vấn đề quan trọng nhất trong việc hỗ trợ hiện nay, đó là hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp du lịch để giảm áp lực trong điều kiện không có thu nhập. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp trong ngành du lịch cũng như tạo điều kiện để người lao động quay trở lại với nghề khi hết dịch bệnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Du lịch là ngành đặc thù, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, cần thời gian dài tích lũy kinh nghiệm và đào tạo bằng thực tế trải nghiệm qua công việc hằng ngày. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, lực lượng lao động cũ sẽ hiệu quả hơn đào tạo mới. Do đó, cần phải có những chính sách hỗ trợ thích đáng nhằm giữ chân lực lượng lao động trong ngành Du lịch.

Nhằm chia sẻ, hỗ trợ phần nào cho nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là các hướng dẫn viên, Bộ VHTTDL cũng đề xuất hỗ trợ người lao động là hướng dẫn viên du lịch bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với số tiền 3.710.000 đồng/người bằng phương thức chi trả 1 lần. Tổng số hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc đến thời điểm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất hỗ trợ là 26.721 người. Trong đó 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Tính đến ngày 20/8, đã có khoảng 1.400 hướng dẫn viên trên cả nước đã được xét duyệt hồ sơ hoặc nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dù số tiền không lớn, song việc hỗ trợ kịp thời sẽ phần nào giúp người lao động trong ngành du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, có thêm động lực trở lại với nghề khi dịch bệnh được kiểm soát./.

Nguồn: Tổng cục Du lịch

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu