Việt Nam muốn đón khách quốc tế bằng du lịch golf

24/11/2021 1005 0

Việt Nam muốn đón khách quốc tế bằng du lịch golf

Golf là loại hình du lịch đặc thù và còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng được nhiều chuyên gia đánh giá cao tiềm năng trong việc thu hút khách quốc tế.

Việt Nam đang nỗ lực đón những đoàn khách quốc tế đầu tiên trở lại. Trong giai đoạn một, trải nghiệm của khách nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, bài toán đặt ra là Việt Nam cần làm gì để hấp dẫn du khách nước ngoài hơn? Và quan trọng, làm thế nào để khiến họ chi tiêu nhiều hơn, qua đó đóng góp cho ngành du lịch đã chịu ảnh hưởng nặng nề sau 4 đợt dịch.

Trong bối cảnh này, du lịch golf được xem như điểm sáng cho bài toán khó của ngành. Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để đưa du lịch golf lên tầm cao mới. Ngược lại, cũng còn không ít khó khăn cho thị trường du lịch golf non trẻ ở Việt Nam.

Tiềm năng lớn

"Việt Nam có những sân golf đẹp nhất thế giới", đó là nhận xét của ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, khi nói về tiềm năng du lịch golf ở nước ta.

Theo ông Siêu, khi chúng ta đang chấp nhận sống chung với dịch, ngành du lịch cần tìm những phương án để mở cửa và thu hút khách quốc tế.

"Du lịch golf là lĩnh vực tăng trưởng mạnh những năm gần đây. Từ năm 2017 đến năm 2021, Việt Nam luôn được xem là một trong những điểm đến golf tốt nhất châu Á.

Sang năm 2021, Việt Nam được công nhận là điểm đến golf tốt nhất thế giới. Đây là thị trường hút khách, giúp lựa chọn dòng khách an toàn để tiến tới mở cửa du lịch", ông Siêu chia sẻ.

Ông Hà Văn Siêu đánh giá cao tiềm năng thị trường du lịch golf khi mở cửa đón khách quốc tế. Ảnh: Hoàng Sơn.

Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, chỉ ra 4 yếu tố có thể đưa du lịch golf ở Việt Nam "cất cánh".

Thứ nhất là vị trí địa lý thuận lợi. Thứ hai là tiềm năng về văn hóa, con người. Thứ ba là sự đa dạng của nền ẩm thực. Cuối cùng là tiềm năng về hạ tầng sân golf.

Dù còn non trẻ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, du lịch golf ở Việt Nam đã cho thấy nhiều điểm sáng. Các golf thủ hàng đầu thế giới từng đến trải nghiệm và đưa ra những nhận xét khá tích cực.

Năm 2019, huyền thoại Greg Norman từng tới sân golf tại Hạ Long (Quảng Ninh). Sau chuyến đi, ông chia sẻ: "Ngành du lịch golf Việt Nam và kể cả golf Việt Nam vẫn còn rất non trẻ nhưng đầy tiềm năng".

Theo Norman, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển golf với nhiều sự đầu tư về cơ sở hạ tầng du lịch sang trọng. Tiềm năng và tốc độ tăng trưởng của du lịch golf ở Việt Nam là khá cao.

Nếu được đầu tư đúng mực, Việt Nam có thể cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực và thu hút được phân khúc khách chơi golf cao cấp. Các nghiên cứu chỉ ra nhóm khách này có khả năng chi trả cao gấp 6 lần khách quốc tế thông thường.

Khách quốc tế có thích du lịch golf?

Theo ông Hà Văn Siêu, lượng khách quốc tế quan tâm tới du lịch golf là rất cao.

Đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh trong 200 khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) vừa qua, 30 khách tới chỉ để chơi golf. Đây là tỷ lệ khá cao, cho thấy xu hướng du lịch golf của thị trường khách ngoại.

Nhu cầu của khách quốc tế với du lịch golf là không thể phủ nhận. Các nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản... đều tập trung thu hút thị trường khách này.

Đặc biệt như Thái Lan, xứ chùa Vàng đã xây dựng được thương hiệu và trở thành điểm đến yêu thích của những golf thủ từ Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ... Mỗi năm, doanh thu của du lịch golf ở Thái Lan lên tới hàng chục tỷ USD, đóng góp vào khoảng 9% GDP cả nước.

Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch năm 2018, trong hơn 15 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, chỉ 0,08% khách kết hợp chơi golf, chủ yếu là khách Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, chia sẻ: "Việt Nam có tới 32 sân golf tiêu chuẩn quốc tế 5 sao và 6.000 km đường bờ biển. Chúng ta cần tận dụng lợi thế đó để bắt kịp Thái Lan, Malaysia...

Tuy nhiên, tôi nhận thấy Việt Nam chưa có chính sách để tạo điều kiện phát triển golf chuyên nghiệp. Ngoài ra, cũng chưa có đơn vị nào vào cuộc để mở tour trọn gói cho du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong khi đó ở Thái Lan, Malaysia đã có tour trọn gói giá tốt, nhờ sự vào cuộc từ chính phủ, hệ thống cung ứng khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành".

Đồng quan điểm, ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC, nhận xét golf tour sẽ là một trong những sản phẩm chính trong bài toán mở cửa du lịch quốc tế. Tuy nhiên, để thu hút thị trường này, phía cơ quan quản lý cần xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp và tạo điều kiện hơn cho khách quốc tế.

"Chúng tôi nghĩ Việt Nam cần cấp phép cho các tour chơi golf trọn gói ngắn hơn (4 ngày 3 đêm) thay vì 7 ngày như hiện nay. Ngoài ra, chúng ta cũng cần điều chỉnh mức giá của golf tour phù hợp, cạnh tranh so với mặt bằng chung của Đông Nam Á", ông nói.

Một ý kiến khác cũng được đại diện tập đoàn này đưa ra là thiết kế lại các tour để hấp dẫn du khách quốc tế. Ví dụ Quảng Ninh là một trong 5 địa phương đủ điều kiện để đón khách quốc tế. Tỉnh có lợi thế khi sở hữu 3 sân golf cùng những danh thắng nổi tiếng thế giới.

Do đó, để níu chân khách quốc tế trong 7 ngày lưu trú, Quảng Ninh có thể kết hợp golf tour và du thuyền tham quan vịnh. Đây có thể là lời giải cho bài toán giữ chân khách hàng quốc tế.

Theo ước tính từ Hiệp hội Golf Việt Nam, có khoảng 60 triệu người trên thế giới chơi golf. Đây là thị trường hấp dẫn để Việt Nam hướng tới. Mặt khác, lượng người chơi golf ở Việt Nam hiện chưa cao (khoảng 100.000 người) nhưng đang có xu hướng tăng. Hệ thống sân golf trên cả nước cũng đang được đầu tư với khoảng 100 sân đang hoạt động. Quảng Ninh là một trong những điểm đến golf được đánh giá cao nhất cả nước với hệ thống sân tiêu chuẩn quốc tế.

Nguồn: zingnews.vn

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu