Ninh Thuận nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc
Tỉnh Ninh Thuận tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tạo thành lợi thế để phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt tháp Po Klong Garai (phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).
Hệ thống di sản văn hóa phong phú
Ninh Thuận là tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa từ 35 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 239 di sản được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó có 64 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được lập hồ sơ xếp hạng ở các cấp.
Cụ thể, Ninh Thuận có hai Di tích quốc gia đặc biệt là tháp Po Klong Garai và tháp Hòa Lai; 13 Di tích cấp quốc gia gồm hệ thống đình, miếu, di tích lịch sử cách mạng cùng di tích thuộc loại hình danh lam thắng cảnh. Tỉnh có 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội Katê, nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc, cụm lễ hội đầu năm của người Chăm làng Bỉnh Nghĩa, lễ Bỏ mả của người Raglai và lễ Cầu ngư của cư dân vùng ven biển; 44 di sản văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh. Đồng thời, Ninh Thuận cũng là một trong số 21 tỉnh, thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ông Phạm Văn Thành, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa – gia đình, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ngành Văn hóa đã và đang triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa để lập hồ sơ trình các cấp thẩm quyền xếp hạng; xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đệ trình UNESCO đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Cùng với đó, tỉnh tập trung bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các lễ hội, trùng tu di tích. Vì vậy, một số lễ hội, di tích được nâng tầm giá trị, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh như lễ hội Katê gắn với không gian các đền tháp Chăm, hệ thống nhà sàn, đặc sản rượu cần, sản phẩm thủ công truyền thống của người Raglai đã dần định hình, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh.
Trong số di sản văn hóa đã xếp hạng, loại hình di tích chiếm số lượng lớn nhất nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị gặp rất nhiều khó khăn khi có trên 30 di tích kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo đang trong tình trạng xuống cấp, có nguy cơ làm phai mờ dấu tích xưa. Phần lớn các di tích này đều có niên đại trên dưới 200 năm, vật liệu kiến trúc chủ yếu làm bằng gỗ, vôi vữa cùng với tác động khắc nghiệt của khí hậu nên đã ảnh hưởng đến sự tồn tại của công trình. Trong khi đó, nguồn vốn phân bổ hạn chế nên chỉ trùng tu, tu bổ, gia cố chống xuống cấp ở những kết cấu quan trọng của kiến trúc và những hạng mục chính của di tích.
Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mai một, thất truyền bởi các loại hình này rất dễ thay đổi theo thời gian nhưng việc gìn giữ, bảo tồn khó khăn vì lực lượng nghệ nhân mỏng, tuổi cao, việc tổ chức các lớp truyền dạy hạn chế. Công tác sưu tầm, lưu giữ và phát triển các loại hình nghệ thuật trình diễn, tri thức dân gian, ngôn ngữ, lễ hội đang gặp không ít khó khăn.
Bảo tồn gắn với thúc đẩy phát triển
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 4654/KH-UBND về “Triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”.
Mục tiêu của đề án là lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy di tích tháp Hòa Lai và tháp Pô Klong Garai gắn với phát triển du lịch Ninh Thuận đến năm 2030; tu bổ, tôn tạo ít nhất 5 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia; tu bổ ít nhất 10 lượt di tích cấp tỉnh; xây dựng hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp đề nghị ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản thế giới, ưu tiên đối với di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Chăm, Raglai.
Theo ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, tỉnh tăng cường kết hợp hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn. Trong đó, tỉnh tập trung bảo tồn, phát huy giá trị các di sản, các công trình văn hóa có giá trị tiêu biểu, có ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống đặc sắc để góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Ninh Thuận vì sự phát triển chung, bền vững của đất nước.
Để thực hiện, Ninh Thuận tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực di sản văn hóa, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra, nghiên cứu, trình các cấp xét duyệt xếp hạng các di tích. Ngành chức năng đẩy mạnh nghiên cứu, phục dựng để bảo tồn và giới thiệu những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu của các dân tộc bằng nhiều hình thức; trong đó chú trọng phát triển các ứng dụng công nghệ số nhằm hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách tham quan tại di tích, bảo tàng, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, các điểm tham quan du lịch.
Nhạc cụ của đồng bào dân tộc Raglai trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận.
Đối với công tác trùng tu di tích, Ninh Thuận tăng cường huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích được xếp hạng, ưu tiên đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích xếp hạng cấp quốc gia, các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc, lễ hội tiêu biểu.
Các đơn vị chuyên môn áp dụng những phương tiện, kỹ thuật truyền thống kết hợp với kỹ thuật hiện đại để trùng tu, chống xuống cấp di tích nhằm giữ gìn các yếu tố nguyên gốc mang bản sắc, đặc trưng riêng của di tích. Với các di tích có thể khai thác, phục vụ du lịch, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, kết nối di tích với các danh lam thắng cảnh và các địa phương lân cận để thu hút khách du lịch tới tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về giá trị của di sản.
Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cấp, ngành và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào và ý thức tham gia của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các địa phương gắn kết việc giữ gìn, phát huy di sản với việc xây dựng, bảo vệ môi trường văn hóa, đời sống của cộng đồng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách bền vững hơn.
Nguồn: baoangiang.com.vn