Nắng, gió Ninh Thuận biến nước mặn thành nước ngọt
Sáng 15/3, Dự án 'Nước từ Gió' khánh thành tại xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), sử dụng năng lượng tái tạo lọc nước mặn thành nước ngọt để sản xuất, sinh hoạt.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao khả năng khử mặn và tính cơ động của mô hình dự án Nước từ Gió tại Ninh Thuận. Ảnh: Tùng Đinh.
Tham dự lễ khánh thành dự án "Nước từ Gió" sáng 15/3 có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, Đại sứ Vương quốc Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen; ông Marc Stordiau, Giám đốc Công ty Smart Universal Logistic; ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và đại diện các đơn vị, địa phương liên quan.
Giải pháp cho vùng hạn, mặn
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ vui mừng khi đại diện Bộ NN-PTNT tham dự Lễ khánh thành Mô hình thử nghiệm "Nước từ Gió" do Chính phủ Bỉ tài trợ, được thực hiện tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có vị trí địa lý quan trọng nằm trên ngã ba nối liền vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ với Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Do đó, Bộ NN-PTNT đánh giá cao Dự án “Mô hình thử nghiệm Nước từ Gió” do Chính phủ Bỉ viện trợ không hoàn lại được thực hiện tại Ninh Thuận, vùng đất của khô hạn và nắng gió, nhằm đưa ra giải pháp cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân tại các vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
"Điểm nổi bật của mô hình này này là: Khả năng tiếp cận và di chuyển dễ dàng đến các ranh mặn khác nhau theo từng mùa để cung cấp nước ngọt cho người dân trong trường hợp khẩn cấp; vận hành và bảo dưỡng đơn giản, với chi phí thấp; và vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo, đồng thời có thể đóng góp điện cho mạng lưới điện tại địa phương", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng biểu dương cán bộ Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đã hợp tác hiệu quả với các chuyên gia Bỉ, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan liên quan trong suốt quá trình triển khai dự án để có thể đưa dự án vào khai thác.
Qua đây, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Chủ dự án phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ và các đối tác phía Bỉ tổng kết các kinh nghiệm, kết quả của dự án để phổ biến nhân rộng mô hình trên phạm vi cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững ngành NN-PTNT theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Sau khi kiểm tra hệ thống lọc nước tại xã An Hải, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao hiệu quả của việc chuyển hóa nước có độ mặn từ 45-50‰ thành nước ngọt, có thể sử dụng cho sinh hoạt. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng lưu ý về khả năng chuyển giao, vận hành của mô hình cho địa phương trong thời gian tới.
Lễ khánh thành mô hình dự án Nước từ Gió tại xã An Hải, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) sáng 15/3. Ảnh: Tùng Đinh.
Dấu ấn hợp tác Việt Nam - Bỉ
Tại lễ khánh thành, Đại sứ Bỉ tại Việt Nam, ông Paul Jansen chia sẻ, sự kiện hôm nay đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong hợp tác giữa 2 quốc gia theo thỏa thuận hợp tác chiến lược của ngành nông nghiệp được ký năm 2018.
Theo ông Jansen, hiện nay, xâm nhập mặn là vấn đề lớn đối với khu vực ĐBSCL và Nam Trung Bộ và Bỉ đang hợp tác với Việt Nam trên nhiều dự án để giải quyết các khó khăn liên quan vấn đề này.
"Dự án "Nước từ Gió" là độc nhất và nguyên bản. Với giai đoạn 1 được khánh thành hôm nay tại Ninh Thuận sẽ là sự khởi đầu đáng nhớ đối với sự phát triển của hệ thống các dự án khử mặn khác tại Việt Nam trong thời gian tới với tổng vốn đầu tư vào khoảng 12 triệu USD", Đại sứ Paul Jansen cho biết.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng là địa phương được Bỉ triển khai nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, ví dụ như quản lý sử dụng tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đại sứ Jansen hy vọng, sự hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Bỉ và Việt Nam sẽ mở ra nhiều dự án, đưa ra được nhiều giải pháp cho nền sản xuất cũng như giúp nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường châu Âu một cách hiệu quả hơn.
Trong khi đó, ông Marc Stordiau Giám đốc Công ty Smart Universal Logistic, đơn vị thực hiện dự án cho biết, trong giai đoạn 1 hệ thống khử mặn sẽ hoạt động bằng điện lưới để kiểm tra quá trình vận hành.
Sau đó, khi chất lượng nước đầu ra được đảm bảo, hệ thống vận hành trơn tru thì hệ thống tua-bin sẽ được lắp đặt để lấy năng lượng từ gió phục vụ quá trình lọc nước mặn thành nước ngọt.
Theo ông Stordiau, khi hệ thống chuyển đổi điện lưới - điện gió hoạt động hiệu quả thì chi phí bảo dưỡng, thay thế hệ thống màng lọc thẩm thấu ngược được giảm xuống tối thiểu.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền khẳng định, bên cạnh các công trình đối phó biến đổi khi hậu như Thủy lợi Tân Mỹ, Cống ngăn mặn hạ lưu sông Dinh thì dự án "Nước từ Gió" sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.
"Ninh Thuận trân trọng cảm ơn Bộ NN-PTNT, Đại sứ quán Bỉ ở Việt Nam và các đơn vị liên quan đã hợp tác để triển khai dự án tại tỉnh. Tôi hy vọng, dự án sẽ không dừng lại ở mô hình thử nghiệm mà sẽ mở rộng, không chỉ ở Ninh Thuận và còn đến với các khu vực bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ví dụ như ĐBSCL", ông Lê Huyền chia sẻ.
Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Paul Jansen cho biết một loạt dự án liên quan vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu do Chính phủ Bỉ tài trợ tại Việt Nam sẽ được triển khai trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.
Thân thiện môi trường
Đây là dự án do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp đề xuất và làm chủ, phối hợp với Sở NN-PTNT thực hiện dưới sự tài trợ của Chính phủ Bỉ (Đại diện là Quỹ Finexpo) và Công ty Smart Universal Logistics (SUL), triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2022.
Dự án "Nước từ Gió" sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng gió và mặt trời) vận hành hệ thống khử mặn để sản xuất nước ngọt phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hàng ngày cho người dân tại những vùng hạn hán, và xâm nhập mặn.
Dự án "Nước từ Gió" dự kiến gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 lắp đặt và vận hành thí điểm hệ thống khử mặn, để đánh giá và hiệu chỉnh kỹ thuật nhằm đảm bảo chất lượng/số lượng nước được sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản xuất và sinh hoạt của Việt Nam, đảm bảo tối ưu hiệu quả kinh tế, xã hội, và môi trường.
Sau đó, giai đoạn 2 tập trung tìm kiếm đối tác trong nước, lên kế hoạch nội địa hóa hệ thống khử mặn để giảm chi phí đầu tư, hướng đến việc nhân rộng hệ thống khử mặn tại Việt Nam, và các quốc gia Đông Nam Á.
Từ trái qua là Đại sứ Paul Jansen, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền và Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nghe chuyên gia vận hành mô hình trình bày cơ chế hoạt động của hệ thống. Ảnh: Tùng Đinh.
Nguyên lý hoạt động của Mô hình "Nước từ Gió"
Ban đầu, năng lượng được tạo ra bởi tuabin gió và điện mặt trời, được nạp vào hệ thống pin BESS, từ đó cung cấp năng lượng cho hệ thống khử mặn.
Sau đó, hệ thống pin BESS giúp cung cấp năng lượng ổn định cho quá trình khử mặn. Năng lượng thừa tạo ra trong quá trình khử mặn có thể đưa ngược lại lưới điện quốc gia.
Trong đó, hệ thống khử mặn sẽ thực hiện các bước: Bơm, Tiền xử lý (sàng lọc), Lắng nước (đông đặc-keo tụ-lọc), Lọc đa phương tiện, Siêu lọc (UF), Thẩm thấu ngược (RO), Tái tạo và khử trùng, Bể chứa nước đã xử lý.
Dự án "Nước từ Gió"
Dự án Mô hình thử nghiệm "Nước từ Gió" (WbW) do Chính phủ Vương quốc Bỉ viện trợ không hoàn lại 700.000 EUR, thời gian thực hiện 2020 - 2022. Mục tiêu của dự án nhằm nghiên cứu thử nghiệm giải pháp cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân tại các vùng có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, bằng hệ thống khử mặn nước sử dụng năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Hiện nay, dự án triển khai tại huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã hoàn thành giai đoạn 1, khánh thành vào ngày 15/3 và được vận hành thử nghiệm đến hết năm 2022. Công suất trong giai đoạn thử nghiệm của mô hình là sản xuất được 20 m3 nước ngọt/ngày.
Nguồn: ninhthuan.tintuc.vn