Thác nước Savin Ninh Thuận: Tiên cảnh hoang sơ và bình yên

25/04/2022 1228 0

Thác nước Savin Ninh Thuận: Tiên cảnh hoang sơ và bình yên

(PLO)- Nếu bạn yêu thích thiên nhiên hoang dã muốn “trốn chạy” chốn đô thị ồn ào, bụi bặm, không ngại mỏi chân, muốn có những bức ảnh đẹp và thích khám phá những điều mới mẻ thì hãy tìm tới Savin. 

Lần thứ 2 chúng tôi đi thác Savin mới thành công. Lần trước, mấy bạn Công an xã Phước Hòa, huyện Bác Ái dẫn đường, gặp đúng lúc trời mưa nên chúng tôi phải hoãn lại. Lần này hứng chí mấy anh chị em rủ nhau tự đi, vì nghe nói thác nước này dễ đi lắm, gần ngay đường tỉnh lộ 707 thuộc địa phận xã Phước Hoà huyện vùng cao Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận…

Đường đi Bác Ái phong cảnh thật tuyệt đẹp. Ảnh: NÚI XANH

Từ Phan Rang chạy xe khoảng 34 km theo QL 27 lên thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn thì rẽ vào Quốc lộ 27b hướng đi Cam Ranh, đi khoảng 1 km, thì rẽ trái theo tỉnh lộ 707 về Phước Bình. Con đường nhựa phẳng lì chạy song song với đập dâng Tân Mỹ vừa mới xây, buổi sáng hơi sương vẫn còn phảng phất, cả vùng hồ nước soi bóng những dãy núi, đảo nổi mờ ảo, làm cho khung cảnh non nước Bác Ái thật hữu tình. Nếu hỏi con đường nào ở Ninh Thuận đẹp nhất thì rất nhiều người không ngần ngại nói chính là con đường này chứ không thể khác.Con đường đẹp nhất Ninh Thuận

Sau những cơn mưa đầu mùa, rừng núi Bác Ái như thiếu nữ trở mình sau giấc ngủ. Những sườn núi xung quanh, chỗ thì rực màu vàng, nơi thì bừng ráng đỏ, tầm mắt người nhìn đâu cũng thấy ngời lên màu xanh non biếc của điệp trùng đại ngàn... Bác Ái mùa xuân giống một bức tranh sơn dầu của Levitan hay Van Gogh.

Bác Ái mùa xuân giống một bức tranh sơn dầu của Levitan hay Van Gogh. Ảnh: NÚI XANH

Con đường này rất vắng xe qua lại, phần lớn là xe chở khách du lịch biển số Đà Lạt, Khánh Hòa và TP.HCM. Khách đi đường này qua xã Phước Bình đến Tô Hạp của Khánh Sơn để xuống Cam Ranh và ngược lại. Tuyến du lịch này mà được khai thác thì chắc chắn thu hút không ít người khám phá. Bởi khung cảnh dọc tuyến đường này vẫn rất hoang sơ, đồng thời có rất nhiều điểm để du khách có thể chiêm nghiệm nền văn hoá bản địa của người dân tộc Raglai, thăm thú cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, ngắm rừng thông, đồi cà phê, những vườn sầu riêng, bưởi, chôm chôm đang vào vụ...

Thăm thú cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, ngắm rừng thông, đồi cà phê, những vườn sầu riêng, bưởi, chôm chôm đang vào vụ... Ảnh: NÚI XANH

Để đến thác Savin, đi gần đến xã Phước Bình bạn sẽ gặp cây cầu nhỏ có ghi "Cầu km 21 + 680 ĐT.707". Đây chính là điểm dừng để vào thác. Đoạn này rất dễ nhận ra, vì ngay phía bên kia cây cầu có ngôi nhà nhỏ của một người từ dưới xuôi lên đây ở, họ làm cả nhà để xe ô tô cho du khách gửi để lên thác. Anh chủ nhà nhiệt tình hướng dẫn đường đi: "Theo lối đường xi măng nhỏ, băng lối mòn qua vườn mít, leo con dốc cao khoảng 30 mét, đi một đoạn đường rừng men theo sườn núi, nhìn phía bên trái là thấy thác... Hôm qua nhiều người đi lắm, sáng giờ cũng có mấy người lên rồi...”. Xong rồi anh chủ nhà nói thêm: “Đường đi khoảng 350 mét thôi, không quen thì mệt chút, đi trải nghiệm có mệt cũng tốt mà". Balo, túi xách, máy ảnh, đồ ăn lỉnh kỉnh giò chả, thịt heo, bia, nước ngọt... Tất cả chuẩn bị từ nhà và mua dưới Tân Sơn... Đi thôi, cả đoàn hăng hái lên đường.

Hành trình vượt đèo gian khổ tới thác Savin

Lối đi vào thác chỉ là đường mòn, có vẻ ít người đi nên chúng tôi vừa đi vừa phải gạt lá khô tìm đường. Theo lời anh chủ nhà, chúng tôi cứ hướng phía bên trái mà đi. Qua hết vườn mít bắt đầu là rừng cây. Rừng ở đây được bảo vệ khá tốt, nhiều cây bằng lăng to hơn ôm tay vẫn sừng sững ven lối mòn. Một trời tiếng ve râm ran như khúc biến tấu của mùa hạ. Trên con dốc đầu tiên đi qua vườn mít, chúng tôi vẫn thở bằng mũi, tiếp con dốc thứ hai thì phải thở bằng miệng… Có đoạn dốc ngược bậc phía trước ngang tầm mắt, chợt nhớ câu hát của Trịnh Công Sơn "... Tay ta vượt đèo..." mà thấm thía. Thêm vài con dốc trồi lên trụt xuống thì chúng tôi thở cả bằng tai.

Đường lên thác nhiều đoạn phải leo dốc. Ảnh: NÚI XANH

Nhưng rồi tất cả mệt nhọc chợt tan biến, bởi tiếng thác rào rào mỗi lúc một rõ dần. Tụt xuống con dốc khá nghiêng, cao chừng 20 mét là tới bậc đá giữa thác. Làn gió cuốn theo hơi nước rười rượi, từng dòng nước dội xuống 4, 5 tầng đá ào ào, mỗi tầng đều có một khoảng bàn đá và những hố nước trong vắt. Nhớ anh bạn kiểm lâm rừng quốc gia Phước Bình từng chia sẻ: “Mùa mưa thác nhìn cực kỳ đẹp, bởi nước trên cao đổ xuống mỗi tầng, gặp bàn đá là uốn cong lên như đuôi con bạch mã đang phi nước đại...”.Đoàn đi toàn những người đứng tuổi nên ai cũng mệt, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Trời đất, dễ gần 1 km leo dốc chứ ít gì, vậy mà có trang du lịch review là "đi xe gắn máy lên thác là tiện nhất".

Từng dòng nước dội xuống 4, 5 tầng đá ào ào, mỗi tầng đều có một khoảng bàn đá và những hố nước trong vắt. Ảnh: NÚI XANH

Khoan khoái hơn tới một nơi không sóng điện thoạiChúng tôi dò dẫm đi xuống và phát hiện phía bên kia thác có một bàn đá khá to và bằng phẳng, nằm dưới một tán cây mát rượi rộng gần 20 m2, tất cả di chuyển tới mắc võng, trải bạt. Mỗi người một việc chuẩn bị bữa ăn, lấy năng lượng bắt đầu cuộc hành trình khám phá thác Savin...

Không hùng vĩ và dữ dội đổ nước từ cao xuống như Cha Pơ hay thác Bay, Savin có vẻ là con thác nhỏ khá hiền hòa. Ở đây hầu như có nước quanh năm, bởi con suối này bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên chảy qua vùng đệm vườn quốc gia Phước Bình đổ ra sông Cái, bây giờ là hồ trữ nước Tân Mỹ. Nước chỉ trườn từ trên cao xuống, gặp các gộp đá tạo thành nhiều tầng thác nhỏ. Giữa các tầng thác có các vũng nhỏ sâu trên dưới 1 mét, cường độ nước chảy đủ để du khách tắm đùa giỡn mà không gặp nguy hiểm. Hứng người dưới thác nước, chắc chắn ai cũng sẽ có cảm giác thú vị, tựa như đang được mát xa toàn thân. Ở tầng giữa có những phiến đá nghiêng ngay dưới thác nước rất phẳng phiu, để người tắm có thể trượt người xuống rất thích thú.

Ở tầng giữa có những phiến đá nghiêng ngay dưới thác nước rất phẳng phiu, để người tắm có thể trượt người xuống rất thích thú. Ảnh: NÚI XANH

Tại tầng thác cuối cùng có một vũng nước nhỏ đủ chỗ cho cả chục người bơi thoả thích. Điều đặc biệt ở Savin là các tầng thác trải dài vài chục mét, trên mỗi tầng thác đều có những bàn đá phẳng phiu và rộng đủ để mọi người tổ chức các hoạt động nhóm, nấu ăn, đàn hát hoặc cắm trại qua đêm. Lúc nắng gắt thì hai bên thác nhiều lùm cây cối um tùm, có nhiều bóng mát. Đi đến đây mang võng là tiện nhất; chẳng có gì tuyệt vời hơn khi đong đưa dưới tán cây mà phía dưới thì nước róc rách chảy, ngửa mặt lên ngắm những chùm hoa lạ của núi rừng mà ta chưa từng thấy bao giờ. Đứng giữa tầng thác nhìn về thượng nguồn và xa phía hạ lưu, ven bờ cây xanh tốt vươn cao khoe đủ sắc lá và lác đác những chùm hoa lạ mà người bình thường khó mà gọi đúng tên.

Cả nhóm đã chuẩn bị thật đầy đủ đồ ăn, thức uống, gom củi khô đốt lửa làm món nướng là tiện nhất. Chẳng gì thú vị và khoan khoái hơn, khi tới một nơi không sóng điện thoại (thực ra thì tại đây có sóng Vinaphone nhưng rất yếu), bạn bè anh em vừa ăn uống vừa tếu táo chuyện đời, kể dăm câu chuyện về những chuyến leo núi, xuống biển để đời.

Thiên nhiên hoang sơ và bình yên quá đỗi. Ảnh: NÚI XANH

Dành cho người thích có ảnh đẹp và mê khám pháNhiều người nói là đi thác Savin, thực ra họ chưa lên đến đây. Có lẽ không biết đường hoặc mỏi chân quá nên đã tạt ngang vào các đoạn suối bên dưới thác để cắm trại, vì đi trước nhóm mình có mấy chiếc xe máy và khởi hành sau mình có mấy người đi xe con, nhưng không thấy ai hiện diện tại thác.

Chiều xuống, khi mặt trời vừa ngả sau ngọn cây và khi đã tắm bơi lội dưới thác thoả thích, cả nhóm phát hiện một lối đi nhỏ phía bên kia thác của mấy người dân bản địa. Sau một hồi thăm dò, chúng tôi biết đây là lối đi xuống rất dễ đi, không hề khó như lối lúc đi lên. Chúng tôi dập lửa, thu dọn rác sạch sẽ, bỏ vào túi nilon xách theo, với "tiêu chí" của người du lịch khám phá là "chỉ để lại dấu chân và mang về những bức ảnh". Con đường đi xuống theo lối phía bên kia thác băng qua những vườn chuối, vườn điều, vườn mít đang cho trái chín. Đáng chú ý là lối đi này phải vòng xuống lòng suối 2 lần, có nghĩa là mùa mưa hoặc khi có nước lớn là khó đi được. Lúc đi lên mất hơn 30 phút, đi về cũng chỉ 10 phút là ra tới mặt đường.

Tạm biệt thiên nhiên hoang sơ về miền xuôi, loang loáng bên đường hàng cây ngành ngạnh đỏ rực mới đẹp làm sao, trong ánh chiều đang khuất sau cao nguyên Lâm Viên. Một chút gai cào, đôi chân hơi mỏi... tất cả chẳng là gì khi có một ngày trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ, tâm hồn như được những dòng nước tinh khiết tại Savin gột rửa thật thư thái. Một tuần mới chắc chắn sẽ nhiều năng lượng hơn.

Nguồn: plo.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu