Người Chăm Ninh Thuận phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với quảng bá văn hóa dân tộc
Du lịch cộng đồng hiện nay đã không còn xa lạ với các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống ở Ninh Thuận.
Đến đây, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, được ở trong những ngôi nhà truyền thống và tham gia các hoạt động sinh hoạt đời thường cùng người dân. Qua đó, giúp du khách hiểu hơn về văn hóa Chăm.
Làng Chăm Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước được đông đảo du khách biết đến với nhiều dịch vụ độc đáo và địa điểm du lịch lý tưởng, nổi tiếng nhất cả nước là đồi cát Nam Cương.
Thiếu nữ Chăm trên Đồi cát Nam Cương
Thôn có hơn 500 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Du khách đến với Tuấn Tú không chỉ được tham gia chương trình biểu diễn văn nghệ, trải nghiệm cuộc sống thường ngày với người dân bản địa như: Trồng rau sạch, cho dê cừu ăn… mà còn được chiêm ngưỡng, hòa mình vào thiên nhiên trong lành và thỏa thích sáng tác ảnh nghệ thuật tại đồi cát Nam Cương. Qua đó giúp họ xua đi mệt mỏi, lo âu của cuộc sống hằng ngày.
Hướng dẫn viên người Chăm Châu Thị Thùy Vân cùng các du khách đến từ Hà Nội
Du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh và đem lại lợi nhuận đáng kể cho các hộ người Chăm ở Tuấn Tú nói riêng, vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận nói chung nhờ sự kết hợp độc đáo giữa du lịch với quảng bá văn hóa dân tộc.
Làng Chăm Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận là nơi được biết đến như cái nôi văn hóa dân tộc Chăm. Người Chăm nơi đây đã lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống Chăm như: Các lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc.
Bên cạnh đó nơi đây cũng tụ hội nhiều nghệ nhân chế tác nhạc cụ dân tộc như: Trống Ginăng, Paranưng và kèn Saranai. Những dịp lễ hội của dân tộc Chăm hay các ngày lễ, Tết đã thu hút hàng trăm ngàn du khách trong và ngoài nước đến du lịch trải nghiệm, nghiên cứu và tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc.
Nhà tranh truyền thống Chăm tại Khánh ly Farmstay
Phát huy thế mạnh sẵn có, nhiều gia đình người Chăm đã biết khai thác lợi thế của địa phương để phát triển dịch vụ du lịch như: xây dựng các tour, tuyến, điểm tham quan và nhà lưu trú homestay để thu hút du khách.
Những năm trước, nếu như vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận chỉ lác đác vài điểm du lịch, chủ yếu là các làng nghề truyền thống thì nay, hơn 20 làng Chăm trên địa bàn tỉnh đã hình thành từ 4-5 điểm lưu trú du lịch, du lịch sinh thái, điểm du lịch tâm linh…thu hút hàng ngàn khách du lịch, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm.
Với xu hướng khách du lịch có nhu cầu tìm lại các giá trị tự nhiên gắn liền với bản sắc văn hóa bản địa, trong tương lai không xa, tin rằng du lịch cộng đồng tại các vùng đồng bào Chăm phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều công ăn việc làm và thu nhập cho người dân thông qua các dịch vụ phục vụ du khách, khôi phục và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực và đặc sản của địa phương.
Du lịch cộng đồng góp phần gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo vệ môi trường sinh thái và môi trường xã hội tại địa phương.
Nguồn: truyenhinhdulich.vn