Đồng bào Chăm phát triển kinh tế từ mô hình trồng sen
Nhiều hộ đồng bào Chăm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã mạnh dạn học hỏi, cải tạo đồng trũng, ruộng bùn sình lầy thành những cánh đồng hoa sen để làm du lịch sinh thái. Mô hình thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến vui chơi, thưởng lãm.
Mô hình du lịch sinh thái làng sen của đồng bào Chăm (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước).
Cách làng dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp khoảng 1 km, những cánh đồng sen đang vào thời kỳ nở rộ. Những bông sen hồng với nhụy vàng, đài hoa nhô cao cùng lá xanh mướt lay nhẹ theo từng cơn gió làm say lòng bao du khách nơi chốn quê thanh bình.
Bà Quảng Thị Kim Tín (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), chủ điểm du lịch sinh thái sen Hoa Tín cho biết, đây vốn là vùng trũng thấp, trồng lúa không hiệu quả, ba năm trước, gia đình bà đã học hỏi mô hình trồng sen từ miền Tây Nam Bộ để làm du lịch sinh thái, kết hợp với bán sản phẩm từ sen. Cây sen sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Ninh Thuận. Hiện nay, gia đình bà đã nhân rộng diện tích trồng lên trên 1 ha.
Để giúp du khách trải nghiệm, gia đình bà Quảng Thị Kim Tín thiết kế những chiếc cầu tre dẫn tới chòi tranh ngay giữa cánh đồng để có thể ngắm sen, chụp ảnh lưu lại khoảnh khắc đẹp bên hoa sen cùng bạn bè, người thân.
Hoa sen khoe sắc.
Ngoài ra, điểm du lịch còn có dịch vụ cho thuê áo bà ba, áo dài, trang phục các dân tộc giúp du khách hóa thân thành những cô thôn nữ, chàng trai miệt vườn ngồi trên chiếc xuồng di chuyển sâu vào bên trong ruộng sen, có khoảng không gian riêng tư mà không phải chen lấn để có thể ngắm sen. Đây cũng là địa điểm lý tưởng cho những cặp đôi lựa chọn chụp ảnh cưới.
Chị Nguyễn Hương Lan, du khách tới từ tỉnh Bình Thuận đến tham quan đầm sen vui vẻ cho biết, những đầm sen ở đây trải dài bất tận khiến chị và mọi người rất ấn tượng. Đến đây, chị có những giây phút yên bình, thoải mái tận hưởng không khí trong lành, xanh mát giữa khung trời đầy nắng, gió của Ninh Thuận.
Trung bình mỗi ngày có hàng chục lượt khách, cao điểm cuối tuần, dịp lễ, Tết có hàng trăm lượt du khách đến tham quan, chụp ảnh, thưởng thức các loại trà sen, hạt sen, ngó sen, gỏi gà ngó sen, chè sen… Đặc biệt du khách có dịp trải nghiệm nét văn hóa ẩm thực của đồng bào Chăm được chế biến theo hương vị rất riêng không phải nơi nào cũng có được.
Sản phẩm hạt sen được đóng gói chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Bà Quảng Thị Kim Tín chia sẻ thêm, trồng sen nhàn hơn trồng lúa, chi phí đầu tư thấp, hầu như tất cả các bộ phận của cây sen đều có thể thu hoạch. Hiện nay, mỗi ngày gia đình bà thu được hơn 100 kg hạt sen, bán với giá 50.000 đồng/kg (loại chưa bóc vỏ), ngó sen bán với giá 40.000 đồng/kg, bông sen có giá 3.000 đồng/cành, tim sen bán với giá 600.000 đồng/kg… Gia đình bà có nguồn thu nhập khá từ trồng sen.
Cách đó không xa, những ruộng sen của gia đình anh Quảng Ngọc Nhiên cũng đang nở rộ. Anh Quảng Ngọc Nhiên cho biết, từ ý tưởng muốn xây dựng một khu du lịch sinh thái để làm phong phú các hoạt động du lịch của địa phương, anh đã xây dựng thành Khu du lịch văn hóa và sinh thái Sen Charaih Ninh Thuận rộng hơn 1 ha. Để tạo điểm nhấn, anh xây khu du lịch có cảnh quan, tiểu cảnh mang phong cách đồng quê của làng Chăm nhằm tăng sức hấp dẫn với chi phí đầu tư hơn 500 triệu đồng. Hiện nay, giá vé vào cổng là 20.000 đồng/người, 30.000 đồng dịch vụ thuê các loại trang phục chụp hình... Cùng với tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ ăn uống, tìm hiểu nét văn hóa, nghệ thuật diễn xướng dân gian của đồng bào Chăm, gia đình anh có đã nguồn thu nhập ổn định để tiếp tục phát triển quy mô khu du lịch theo hướng chuyên nghiệp và tổ chức thêm loại hình du lịch mới trong thời gian tới.
Được biết, hiện có khoảng 10 hộ dân là đồng bào Chăm tham gia mô hình trồng sen kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Theo tính toán, lợi nhuận kinh tế trên 1 sào trồng sen (1.000 m2) cao gấp 5 - 6 so với trồng lúa. Mô hình du lịch sinh thái làng sen tạo điểm nhấn trong chuỗi kết nối du lịch trên địa bàn thị trấn, từ làng gốm cổ Bàu Trúc đến làng dệt thổ cẩm và cánh đồng sen Mỹ Nghiệp.
Nhiều hộ đồng bào Chăm ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước đã chuyển đổi những ruộng lúa để trồng sen mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước cho biết, người dân đã mạnh dạn học hỏi, tìm hiểu để chuyển sang mô hình trồng sen kết hợp phát triển du lịch sinh thái rất khả quan. Tất cả sản phẩm làm ra từ sen đều được thị trường đón nhận, giúp các hộ dân nâng cao thu nhập. Thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ruộng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng sen gắn với du lịch sinh thái, xây dựng tổ hợp tác phát triển mô hình liên kết trồng sen theo tiêu chuẩn VietGAP, bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Huyện Ninh Phước phối hợp với các cấp, ngành chức năng mở lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên cơ sở kinh doanh du lịch theo hướng chuyên nghiệp; tiếp tục hoàn thiện mô hình, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh quảng bá mô hình du lịch sinh thái làng sen, thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh, cảnh quan môi trường khu du lịch sinh thái làng sen Mỹ Nghiệp.
Nguồn: baotintuc.vn