Giai đoạn 2020 - 2022: Du lịch Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt, nỗ lực phục hồi mạnh mẽ

07/07/2022 886 0

Giai đoạn 2020 - 2022: Du lịch Việt Nam thích ứng an toàn, linh hoạt, nỗ lực phục hồi mạnh mẽ

 - Bước vào đầu năm 2020, du lịch Việt Nam đạt mức tăng trưởng các chỉ số du lịch vô cùng ấn tượng, mở ra những triển vọng đầy hứng khởi cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên ngay sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu, ngành du lịch bị ảnh hưởng trực tiếp, bị “đóng băng”, các hoạt động du lịch ngừng trệ.

“Live fully in Vietnam” - chương trình truyền thông, quảng bá dành cho khách quốc tế

Đại dịch Covid-19 - “Chướng ngại vật” chưa từng có đối với ngành du lịch Việt Nam

Trong gần 2 năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Thị trường và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ, các chỉ tiêu bị sụt giảm, mất đà tăng trưởng.

Từ cuối tháng 3/2020, Việt Nam tạm dừng đón khách quốc tế để phòng chống dịch nên lượng khách giảm 80% so với năm 2019, chỉ đạt 3,7 triệu lượt; khách du lịch nội địa giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch giảm 59%, đạt 312.200 tỷ đồng. Năm 2021 là năm thứ hai du lịch tiếp tục chịu thiệt hại, các chỉ tiêu phát triển du lịch tiếp tục giảm mạnh. Cả năm 2021, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 14.900 lượt; lượng khách du lịch nội địa đạt 40 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 180 nghìn tỷ đồng.

Khoảng 90-95% số lượng doanh nghiệp du lịch phải dừng hoạt động trong bối cảnh hoạt động du lịch bị “đóng băng”. Về lĩnh vực lưu trú, năm 2020, công suất phòng trung bình cả nước giảm 70-80% so với năm 2019. Năm 2021, các khách sạn hầu như không có khách trừ một số cơ sở đón khách cách ly. Các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, người lao động buộc phải chuyển nghề khác.

Tại các địa phương, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cũng buộc phải hoãn hủy, tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh. Du lịch ở trong một giai đoạn đầy khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những chính sách tháo gỡ khó khăn và định hướng, giải pháp phát triển kịp thời, đúng hướng.

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

Trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Tổng cục Du lịch đã chủ động, kịp thời tham mưu Bộ VHTTDL đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch.

Các chính sách hỗ trợ chung bao gồm gia hạn thời gian nộp thuế, giảm mức thuế suất giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên lãi suất vay và nhóm nợ, lùi thời điểm đóng phí công đoàn cho người lao động… theo các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành. Người lao động được hưởng các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ mất việc làm, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo các mức 15 ngày liên tục hoặc 30 ngày liên tục trở lên…

Đặc biệt, nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù cho ngành du lịch đã góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và lao động du lịch như giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian hoàn trả ký quỹ cho doanh nghiệp lữ hành (từ 60 ngày xuống 30 ngày), giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú du lịch trực tiếp tham gia phòng chống dịch và bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch được hưởng mức hỗ trợ là 3.710.000 đồng/người.

Cùng với đó, nhiều địa phương cũng đã ban hành các chính sách miễn, giảm phí tham quan, giảm tiền thuê đất, lùi thời gian trả nợ vốn vay, cho vay trả lương người lao động hoặc hỗ trợ kích cầu du lịch nội địa… Những cơ chế, chính sách hỗ trợ này đã trở thành động lực để doanh nghiệp, cộng đồng, người dân kinh doanh du lịch duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp tổ chức hàng loạt các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp du lịch, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước nhằm đề xuất những giải pháp phục hồi du lịch. Trong đó nổi bật là Hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 11/2020; hội thảo “Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tỉnh Nghệ An tổ chức vào tháng 12/2021...

Từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, thực hiện chủ trương từng bước mở cửa nền kinh tế, Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương, lộ trình thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế, đồng thời tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận tại một số địa phương trọng điểm du lịch như Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam…

Bên cạnh đó, để triển khai có hiệu quả các giải pháp nhằm kích cầu du lịch trong nước gắn với công tác bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch số 3228 triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Hướng dẫn tạm thời số 3862 về thích ứng an toàn, linh hoạt trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Mở cửa du lịch - cơ hội vàng phục hồi, phát triển du lịch Việt Nam

Trước kết quả khả quan của chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế và điều kiện thuận lợi Việt Nam là một trong 6 quốc gia có độ bao phủ vắc-xin cao nhất trên thế giới, Tổng cục Du lịch đã chủ động tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép mở cửa lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ 15/3/2022. Việc mở cửa lại hoạt động du lịch nhận được sự ủng hộ của các Bộ ngành, sự hưởng ứng tích cực của các địa phương và sự vào cuộc sôi nổi của cộng đồng doanh nghiệp.

Ngay sau khi Chính phủ cho phép mở lại các hoạt động du lịch, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã đồng hành, phối hợp cùng các địa phương tổ chức nhiều sự kiện du lịch lớn để tái khởi động ngành du lịch như: Hội nghị chính thức phát động mở lại hoạt động du lịch Việt Nam tại Quảng Ninh; Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam - 2022 tại Hội An; Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội VITM 2022; Diễn đàn Phát triển du lịch Kon Tum...

Đặc biệt, nhân dịp SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam, ngành du lịch đã tận dụng cơ hội để quảng bá mạnh mẽ hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn tới các đoàn thể thao và du khách quốc tế, góp phần mang lại thành công cho Đại hội.

Toàn ngành tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông theo thông điệp “Live Fully in Vietnam” đối với khách quốc tế và “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” đối với thị trường nội địa. Hoạt động chuyển đổi số diễn ra sôi nổi với nhiều giải pháp thông minh hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch. Nhiều sản phẩm dịch vụ sáng tạo, mới mẻ được ra đời đáp ứng nhu cầu của du khách sau đại dịch. Tổng cục Du lịch đẩy mạnh xây dựng các nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành du lịch như cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, trục kết nối liên thông từ Trung ương đến cơ sở, các ứng dụng hỗ trợ khách du lịch và doanh nghiệp như ứng dụng Du lịch Việt Nam, ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam, Thẻ du lịch thông minh, hệ thống vé điện tử…

Với sự quyết liệt hành động của cơ quan quản lý du lịch ở Trung ương định hướng, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, hoạt động du lịch nội địa và quốc tế đã có sự phục hồi mạnh mẽ.

Sáu tháng đầu năm 2022, du lịch Việt Nam đã đón 413 nghìn lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 60,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 265 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dữ liệu từ Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong tốp điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch, đạt mức tăng từ 50% đến 75%.

Đặc biệt, theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Với những nỗ lực vượt khó cùng những thành tựu trong thời gian qua, dù vẫn còn những khó khăn trước mắt nhưng tin tưởng với sự vào cuộc quyết liệt và đồng lòng của cơ quan quản lý du lịch, các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng, du lịch Việt Nam sẽ có sự phục hồi nhanh chóng, lấy lại đà tăng trưởng, khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu