Núi Chúa - rừng thiêng huyền bí - Kỳ 4: Trên công viên đá, dưới thủy cung san hô
Ở các khu vực bị chắn gió, lượng mưa ít nhất trong năm, những dãy núi đổ ra biển từ hệ thống Núi Chúa tạo ra một cảnh quan bán hoang mạc chỉ toàn cây bụi, xương rồng và đá tảng.
Tảng đá Thần Quyền được xem là một trong những biểu tượng của Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: SƠN LÂM
Đó cũng là hệ sinh thái rừng khô hạn như một "đặc sản" riêng của Núi Chúa trong cả vùng Đông Nam Á.
Tuyệt tác điêu khắc đá của thiên nhiên
Bao quanh Bãi Thịt, bãi cát được nhiều rùa biển chọn lên đẻ trứng nhất là một "chân" Núi Chúa kéo ra biển. Chân núi này nhô ra tới biển ở độ cao 80m đến 100m, đã được xây dựng hai đoạn đường lát sỏi để tạo thành công viên đá tự nhiên với diện tích 90ha.
Nơi đây có khối đá Thần Quyền nổi bật lên giữa một vùng nhấp nhô đá và cây bụi. Khối đá khá tròn, chồng lên hòn đá lớn khác phía dưới chỉ bằng một điểm tiếp giáp nhỏ sẽ khiến nhiều người "yếu tim" không dám đến gần này được xem là một trong những biểu tượng của Vườn quốc gia Núi Chúa.
Thạc sĩ chuyên ngành địa mạo học Trương Hoàng Phương - giám đốc Exotic Việt Nam - cho biết sau bao năm đi làm du lịch, khám phá rất nhiều điểm thâm sơn cùng cốc của đất nước, hòn đá Thần Quyền này với hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn lúc chưa bị sụp đổ là hai "tác phẩm điêu khắc" của thiên nhiên mà anh vô cùng ấn tượng ngay khi được chiêm ngưỡng.
"Ninh Thuận là nơi tập trung đá granit chồng lên nhau rất nhiều. Quá trình phong hóa, bóc mòn đã làm đá trở nên tròn trịa. Hai khối đá chồng lên nhau một cách chênh vênh nhưng không rớt là mô hình trực quan giải thích sự hình thành dạng địa hình bóc mòn, kiến tạo và hiện tượng đá cân bằng", anh Phương nói khi chúng tôi "cầu cứu" thông tin về hình dạng tảng đá đặc biệt.
Sau khi mải mê ngắm đá Thần Quyền, chúng tôi dự tính tìm đường xuống biển nhưng sau đó hoàn toàn lạc mất phương hướng.
Dù trước đây, chúng tôi từng được các nhân viên cứu hộ rùa biển dẫn đi xuyên qua khu vực này để xuống Bãi Thịt, nhưng lần tự đi này, những lối mòn còn trong trí nhớ của chúng tôi trong lần đi trước đã hoàn toàn mất hút giữa mê cung chằng chịt cây bụi chen với đá tảng.
Mặt trời lên cao, cái nắng như rang bắt đầu giội xuống núi. Khu vực này chỉ còn những dòng cây đặc trưng chịu hạn tốt như xương rồng bàn chải, gai găng, sam láng, cẩm thị... cằn cỗi sống bám vào đá.
Để tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt hàng triệu năm qua, nhiều cây đã phải tiêu hóa lá thành gai nhọn để không bị thất thoát nước.
Những cây khác, lá của chúng cũng thu nhỏ lại đến mức có thể, dày cộp lên và đầy vẻ thô ráp như để phù hợp với đá.
Ngoại trừ đầu mùa mưa có vẻ xanh tốt, những loài cây nơi đây quanh năm đều có một phần thân nhanh chóng chết khô, trơ ra những cành cong queo mang một màu xám trắng như càng làm cho không khí trở nên oi bức hơn.
Đang khi chúng tôi khổ sở trong cái nắng tìm hướng trở lại tảng đá Thần Quyền để ngược ra thì anh Cao Thành Ngon - hướng dẫn viên Vườn quốc gia Núi Chúa - đi thực địa ngang qua đã giúp đỡ.
Theo chân anh Ngon đi ngoằn ngoèo khoảng 1km qua không biết bao nhiêu đá tảng và gai bụi, chúng tôi mới tới được trung tâm của công viên đá.
Đó là nơi núi nhô ra giáp biển, tạo nên một bãi đá và vách đá hướng về phía biển đủ các hình thù đặc sắc mà anh Ngon cho biết là kết quả một thời gian dài của quá trình phong hóa và muối ngấm vào đá tạo nên.
Ven biển, gió khô và nắng đổ thường xuyên khiến khu vực này chỉ còn vài chòm cây sam lá bằng mọc lên từ chân các khối đá lớn. Nhưng, loài cỏ gừng chịu hạn tốt đã trải ra giữa bãi đá một thảm bằng mênh mông như sân vận động bao quanh bởi đá.
"Vườn quốc gia đang xây dựng một tour du lịch cắm trại ngay thung lũng này. Chúng tôi đang tính toán cách đem nước vào đây phục vụ du khách giữa hoang mạc này", anh Ngon quệt mồ hôi đầm đìa trán, cho biết mục đích chuyến thực địa mà anh vô tình bắt gặp và dẫn chúng tôi ra khỏi mê cung núi đá bạt ngàn này.
Mảnh thềm đá rạn san hô độc đáo tại Hang Rái phía sau ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa - Ảnh: SƠN LÂM
Môi trường trong sạch của san hô
Trong dịp nghỉ lễ giỗ Tổ Hùng Vương vừa qua, mỗi ngày có gần 2.000 lượt khách vào trung tâm Vườn quốc gia Núi Chúa để mua vé tham quan kỳ quan Hang Rái phía sau trung tâm ban quản lý vườn.
Đó là một khối núi gồm hàng ngàn khối đá lớn chồng lên nhau nhô hẳn ra biển mà du khách có thể men theo các vách đá cheo leo để được ngắm khung cảnh hùng vỹ của biển khơi.
"Do đá chồng lên nhau, phía dưới tạo nên vô số hốc ngách mà trước kia loài rái cá vào cư trú rất nhiều. Đó là nguồn gốc của tên Hang Rái", anh Nguyễn Thành Trung - phó phòng nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Núi Chúa - giải thích.
"Nhưng bên này mới độc đáo, đây là một thềm đá rạn san hô lớn nổi trên biển rất hiếm gặp", anh Trung nói thêm khi dẫn chúng tôi lên một tảng đá đen xám nhô lên trên biển, đủ chỗ cho khoảng 300 người đứng tham quan trên bề mặt lởm chởm gai đá.
Theo anh Trung, vùng biển nông ven bờ khắp huyện Ninh Hải có một rạn san hô phong phú rộng khoảng 2.300ha. "Nơi đây đã được ghi nhận đến 310 loài san hô tạo rạn, đứng thứ hai về số loài san hô tạo rạn sau vịnh Nha Trang (350 loài - PV).
Trong đó, có 11 loài san hô tạo rạn đặc hữu, chỉ mới phát hiện tại khu vực biển quanh Núi Chúa. Cùng với các thảm cỏ biển phân bố rộng lớn ở phía trong các bãi triều cạn đã giúp vùng này có đến 33 loài thú biển sinh sống", anh Trung tiếp tục hào hứng về sự đa dạng sinh học biển nơi anh đã công tác và khảo cứu 13 năm qua.
Khi thủy triều xuống, nhiều vùng bãi biển thuộc thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải phía nam Núi Chúa còn trồi hẳn lên một bãi san hô sống mênh mông.
Được hướng dẫn và đeo kính lặn biển vào, chúng tôi cũng đã có dịp thỏa thuê ngắm nhiều rạn san hô đủ màu sắc, hình dạng thú vị bên dưới mặt nước ở nhiều khu vực dọc theo biển Núi Chúa.
Anh Trần Văn Tiếp - giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa - nói thêm bằng một giọng đầy tự hào: "San hô sống khỏe mạnh cũng là một kết quả của việc giữ môi trường biển trong nhiều năm qua. Bởi đây cũng là một loài dễ tổn thương và chết khi nước biển bị ô nhiễm.
Công viên đá và bờ biển Hang Rái đã được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là có giá trị khoa học cao, thuộc loại hiếm, xứng đáng là di sản địa mạo cấp quốc gia".
Trong hồ sơ Dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, bên cạnh việc đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới duy nhất ở Việt Nam, Vườn quốc gia Núi Chúa tồn tại các hệ sinh thái biển đặc trưng là hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái vùng triều.
Đặc biệt, sự kết nối giữa hai hệ sinh thái quan trọng là rạn san hô và thảm cỏ biển ở khu vực này có ý nghĩa rất lớn về khía cạnh sinh thái và nguồn lợi.
Nhờ đó vùng bên ngoài ở độ sâu khoảng 50m nước về phía nam Núi Chúa hình thành các bãi cá tập trung có trữ lượng tương đối lớn.
Vùng biển được bảo tồn nghiêm ngặt nơi đây đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu bảo tồn biển có tính đa dạng sinh học cao như đầm Nha Phu, vịnh Nha Trang, đầm Thủy Triều ở phía bắc với Hòn Cau - Vĩnh Hảo ở phía nam, do đó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.
Kỳ tới: Người con rể Núi Chúa giữ rừng
Nguồn: tuoitre.vn