Núi Chúa - rừng thiêng huyền bí - Kỳ 5:
Người con rể Núi Chúa xách súng rượt kẻ 'mua' rừng
TTO - Khi chưa có con đường 702 nối vòng qua sườn đông bắc khối Núi Chúa, Trạm kiểm lâm Bình Tiên chỉ là một chiếc lán thô sơ, nhỏ bé lọt thỏm giữa núi rừng ở phía trên bãi biển thôn Bình Tiên, xã Công Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận.
Từng phẫu thuật đầu gối, anh Tùng vẫn thường xuyên leo núi, lội rừng truy quét lâm tặc - Ảnh: SƠN LÂM
Mũi súng trả lời lâm tặc xin hối lộ
"Vào Bình Tiên lúc đó cả hai hướng đều phải lội bộ xuyên rừng. Người dân làng này chủ yếu dùng ghe đi qua các nơi khác chứ ít ai lội rừng đi ra" - anh Trần Thanh Tùng, trưởng Trạm kiểm lâm Bình Tiên, nhớ lại.
Anh Tùng nay 44 tuổi, nước da trắng, người dong dỏng cao vẻ thư sinh, khác hoàn toàn với lời đồn thổi khắp Núi Chúa và cả những vùng lân cận về một anh kiểm lâm "lội rừng khỏe nhất". Cũng vì có sức lội rừng bền hơn người, thể hiện qua những chuyến cùng với lực lượng biên phòng tham gia tuần rừng trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, năm 2001 anh Tùng vừa giải ngũ đã được lực lượng kiểm lâm Núi Chúa "hợp đồng cán sự bảo vệ rừng, nhận lương 360.000 đồng mỗi tháng".
Cùng với 3 kiểm lâm khác, anh Tùng bắt đầu cuộc sống giữa vùng rừng núi sườn dốc hoang vu bằng mắm, muối, gạo, cá lấy lên từ thôn Bình Tiên. "Thôn lúc ấy chỉ có khoảng trăm nóc nhà. Từ năm 1975 mới có người từ huyện Sông Cầu, Phú Yên đi ghe đến dựng nhà ở lại luôn vì bãi biển đẹp và dễ đánh bắt cá", anh Tùng kể.
Anh về giữ rừng chẳng được bao lâu thì đã có người tìm đến trạm kiểm lâm gặp. Đó là tay trùm buôn lậu gỗ có tiếng một vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận thời bấy giờ.
"Gặp tôi, ông ta nói thôi mấy chú để cho anh làm gỗ, trả mỗi người 1 triệu đồng mỗi tháng. Ổng còn gợi ý mỗi tháng một lần gom gỗ lại, tạo hiện trường giả để giúp kiểm lâm báo cáo với cấp trên lập công. Lương lúc ấy 360.000 đồng, 1 triệu đồng là số tiền khá lớn. Nhưng mới nghe tới đó là tui quay người vô trong lán với tay xách luôn khẩu súng trường lên. Ổng hoảng hồn quay lưng chạy mất dạng. Mấy hôm sau, ổng đi kể sao mà dân quanh vùng biết hết vụ này", anh Tùng cười kể.
Câu chuyện anh kiểm lâm trẻ xách súng rượt chạy kẻ đòi mua chuộc đã nhận được sự cảm phục của cô con gái chủ tiệm tạp hóa trên bãi biển Bình Tiên - người trước đó vào rừng chặt cây lấy củi từng bị chính anh Tùng bắt gặp và... tịch thu luôn cây rựa. Thế là anh Tùng trở thành rể của thôn Bình Tiên.
Bấy giờ, cha vợ của anh Tùng sở hữu chiếc ghe lớn nhất bãi biển phía đông bắc Núi Chúa. Đó cũng là phương tiện mà nhiều kẻ lâm tặc đến thuê làm phương tiện chuyển gỗ ra phía tỉnh Khánh Hòa. Một trong những chuyện đầu tiên về nhà vợ mà anh Tùng làm là yêu cầu cha vợ của mình phải chấm dứt sự tiếp tay cho bọn phá rừng.
Loài cheo cheo lưng bạc đặc hữu của Việt Nam tưởng chừng đã mất tích nhưng hiện đang sinh sống trong Núi Chúa - Ảnh: GWC đặt camera chụp được vào năm 2018
Mạch sống rừng chạy trong huyết quản
21 năm luân chuyển khắp 7 trạm kiểm lâm bảo vệ quanh khối Núi Chúa, bước chân anh Tùng đã hiện diện khắp các trảng rừng, đi đến... mòn gối. "Mòn thật chớ không phải nói chơi. Năm 2018, sau khi bị đứt dây chằng trước gối chân trái do trượt chân ngã trên núi phải đi mổ, bác sĩ chụp phim lên thấy sụn chêm đầu gối bị mòn hẳn một bên", anh Tùng cười tếu táo. Thế nhưng, sau mấy tháng phẫu thuật đầu gối, anh đã có thể thách thức "đua" đường rừng với các bạn kiểm lâm trẻ.
Sụn đầu gối mòn thì những câu chuyện đối mặt với nạn phá rừng cũng dày lên. Lúc nào cũng cười, pha chuyện tếu táo hiền lành, nhưng đối với bọn phá rừng thì anh Tùng luôn quyết liệt đến cùng. Khoảng năm 2009 - 2010, người dân các vùng từ huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) đến TP Cam Ranh (Khánh Hòa) giáp ranh Vườn quốc gia Núi Chúa rộ phong trào lên núi đào hầm đốt than. Anh Tùng lại có danh hiệu mới là "vua đập lò than".
Trong các kiểu phá rừng thì làm than là không từ nhánh cây nào, cả rễ nếu đào được cũng cho vào lò thành than. Phá như kiểu đốt rừng. Họ chỉ cần đem theo nước chọn chỗ rừng vắng, không có lối mòn rồi nhào đất sét đắp lò, nhét cây vào đốt than. Một lò như vậy đốt được rất nhiều lần. Anh Tùng đập phá nhiều lò đốt than giữa rừng Núi Chúa đến độ không nhớ hết.
Núi Chúa hiện có nhiều loại cây đặc hữu riêng chỉ được ghi nhận tại đây, trong đó có loài mộc hương Núi Chúa - Ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG
Không phải ngẫu nhiên mà anh Tùng có thể phát hiện và đập được nhiều lò đốt than. Đó là nhờ vào việc rất siêng năng leo núi và khả năng am hiểu rừng mà nhiều đồng nghiệp vẫn cho là anh Tùng "có năng khiếu bẩm sinh". "Vào một khoảng rừng, nhìn các dấu hiệu xung quanh là tui biết ngay có ai đó ở quanh đây. Hơn nữa, mũi tui cũng dạng thính. Có hơi khói cách cả cây số đường rừng là tự mình đã biết được rồi", anh Tùng nói làm cả mấy anh kiểm lâm ngồi xung quanh nghe cũng gật gù thừa nhận.
Nạn làm than vơi bớt thì nạn săn bắt voọc cũng bắt đầu nhức nhối. Tháng 7-2011, chính anh Tùng là người đi trinh sát, sau đó cùng đồng đội tổ chức bắt giữ hai kẻ vừa bắn chết 21 con voọc chà vá chân đen trên thượng nguồn Suối Đổ.
Voọc tại Núi Chúa đang được canh giữ rất tốt - Ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG
"Đó vẫn là vụ thảm sát voọc lớn nhất cho đến nay. Người mà tui khống chế rồi bị xử tù trong vụ này, sau khi ra tù lại lẻn vào Núi Chúa săn voọc tiếp. Cuối năm 2017, anh em kiểm lâm lại bắt được khi hắn vừa bắn chết 5 con voọc", anh Tùng buồn bã nói.
Với anh Tùng, tất cả sự mất mát của rừng Núi Chúa đều khiến anh xốn xang: "Từ lần đầu đi rừng và bắt gặp cảnh những thân cây bị cưa xuống nhưng vì không có lõi nên bị lâm tặc bỏ lại, lòng mình xót xa như xát muối. Máu mình như hòa với mạch rừng. Cứ thấy cây đổ hay thú vật, chim chóc bị săn bắt là mình cũng cảm thấy đau như chảy máu".
Đi rừng khỏe nhưng chính anh Tùng cũng nói mình không dám tự tin là đã thuộc hết Núi Chúa. Rừng thiêng nước độc mênh mông, hết phong trào tìm cưa cây gỗ lớn như gõ, sơn... lại rộ lên đốt than, rồi đến săn bắt chim thú, đào cây cảnh... Những người kiểm lâm tại Trạm kiểm lâm Bình Tiên thi thoảng lại tự trách bản thân mỗi khi nhớ lại một vụ việc thương tổn đến rừng.
Ngay khi chúng tôi đang trò chuyện, một bầy voọc chà vá chân đen hơn 20 con đã về nhảy nhót tự nhiên trên cây da cổ thụ ngay sau lưng trạm kiểm lâm. Thi thoảng, một con chim hồng hoàng, loài chim lớn đang cần được bảo vệ nguy cấp có chiếc mỏ giá trị hơn ngà voi, còn chao cánh lượn trên sườn núi rậm xanh cây rừng. Những hình ảnh minh chứng rõ ràng nhất cho kết quả tâm huyết của những người kiểm lâm đang ngày đêm giữ rừng Núi Chúa.
Loài chim xanh đặc hữu cho khu vực Nam Bộ bị tiêu diệt dần, giờ chỉ còn xuất hiện nhiều ở Núi Chúa - Ảnh: NGUYỄN THÀNH TRUNG
Năm 2018, một người Rắc Lây (Raglai) ở thôn Đá Hang đến hỏi thăm lực lượng kiểm lâm để nằng nặc gặp được anh Tùng. Khi gặp được anh, người này mới nói thật là vừa bắt được một con rắn hổ chúa dài gần 3m vào vườn ăn gà.
"Anh ta nói muốn thả con rắn nhưng chỉ tin tưởng mình tui nên phải giao tận tay tui mới được. Sau đó, tui đề xuất khen anh ta mà anh nhất quyết không chịu. Đây là câu chuyện có lẽ là vui nhất trong suốt 21 năm bảo vệ rừng", anh Tùng nói khi cho chúng tôi xem clip thả con rắn hổ chúa về lại với rừng mà anh vẫn còn lưu giữ trong điện thoại.
Hiện rừng Núi Chúa ghi nhận có đến 54 loài thực vật được xếp hạng bị đe dọa trong Danh mục đỏ thế giới và Sách đỏ Việt Nam. Về động vật, Núi Chúa cũng đang là nơi sinh sống của 48 loài nằm trong nguy cơ tuyệt chủng theo Sách đỏ Việt Nam và 34 loài có nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu. Đặc biệt là loài cheo cheo lưng bạc (hay hươu chuột Việt Nam) từng nằm trong danh sách 25 loài mất tích được Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu (GWC) tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.
Năm 2019, việc phát hiện cheo cheo lưng bạc tại khu vực này đã trở thành sự kiện được nhiều hãng thông tấn lớn trên toàn thế giới đưa tin, bởi trước đó vào năm 1990, con cheo cheo lưng bạc được ghi nhận ngoài tự nhiên cuối cùng chỉ còn là một cái xác khi đã bị thợ săn bắn chết.
Kỳ cuối: Đòn bẩy du lịch sinh thái Ninh Thuận
Nguồn: tuoitre.vn