Núi Chúa - rừng thiêng huyền bí - Kỳ cuối: Đòn bẩy du lịch sinh thái Ninh Thuận
"Ban ngày khách đông đúc lắm, còn ban đêm xuống đây tui dẫn ra bè câu mực", lời rủ của anh Nông Việt Nam đưa chúng tôi quay lại thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận.
Anh Nông Việt Nam hướng dẫn du khách cách câu mực, chế biến món ăn tươi ngon tại chỗ - Ảnh: SƠN LÂM
Câu mực đêm ở di tích danh lam thắng cảnh quốc gia
Với hai dãy núi chạy dài từ Núi Chúa như hai vòng tay ôm ra biển, vịnh Vĩnh Hy từ hơn 2 thế kỷ trước đã được những ngư dân miền Trung từ Bình Định, Phú Yên cho tàu thuyền vào tránh trú bão, rồi phá dần những tán gai găng tua tủa để dựng làng, lập cảng, ngày ngày ra khơi đánh bắt cá.
Ký ức của những người từ TP Phan Rang Tháp Chàm đi về Vĩnh Hy vào 30 năm trước thường là "một hành trình đầy bụi bám, các nhành gai găng cào xước rách áo quần, da thịt". Nhưng nay, con đường này đã rộng láng và chỉ mất khoảng 30 phút chạy xe ngắm cảnh.
Bến tàu du lịch Vĩnh Hy ban ngày thường chật ních khách và xe nườm nượp chờ tàu đáy kính chở ra vịnh xem san hô, tắm biển và ăn hải sản, nhưng vào ban đêm lại chìm vào ánh trăng yên tĩnh.
Đón chúng tôi ở cầu tàu, anh Nam dẫn lên chiếc canô của mình, thành thục tháo dây buộc, nổ máy, chẳng cần mở đèn mà lướt nhanh ra biển trong đêm ở tốc độ 25 hải lý/giờ. Đến cửa biển, một con thuyền đang neo ở đây khi nghe tiếng canô đã phóng đèn thẳng vào chúng tôi từ xa để cảnh báo về vòng lưới đăng mà họ đang thả.
Lưới đăng là một hình thức đánh cá bằng cách kết những đăng lưới thành một vòng tròn để chờ luồng cá đi vào và khéo léo dùng bè để túm lưới lại thu hoạch cá.
Đây là một kiểu đánh bắt cá truyền thống lâu đời của ngư dân vùng Nam miền Trung mà đến nay nhiều hộ dân ở thôn Vĩnh Hy vẫn còn sử dụng. Biết ý, anh Nam lái canô đi vòng sát vào Mũi Cá Heo, dãy núi được đặt tên vì rất giống một chú cá heo đang bơi ra biển, chắn gió cho lòng vịnh phía trong yên bình.
Vượt qua Mũi Cá Heo, cảnh biển bên ngoài khác hoàn toàn màn đêm yên tĩnh phía trong lòng vịnh. Ngoài khơi là hàng chục chiếc thuyền, bè thắp đèn sáng rực cả một vùng. "Mùa mực, họ đang tranh thủ bắt mực cả đêm", anh Nam cho hay trong khi lướt canô đến một chiếc bè nổi gần vách núi, nơi có cả trảng rừng xanh chạy từ trên Núi Chúa xuống đến mặt biển.
Chiếc bè nổi trên biển này đóng hơn 300 triệu đồng, trên có hẳn một căn nhà chia hai làm phòng bếp và phòng ngủ, đầy đủ vật dụng đủ giúp anh Nam và người em vợ ra đây "trốn" suốt mấy đợt dịch bệnh COVID-19 căng thẳng.
"Trước đây bè này cũng dùng để nuôi cá, nuôi tôm. Nhưng từ khi Vĩnh Hy bắt đầu giảm việc nuôi thủy sản để đảm bảo môi trường, mình chuyển sang dịch vụ cho khách ra tham quan, câu cá, câu mực", anh Nam giới thiệu.
Anh Nam giật máy phát điện, cả chiếc bè sáng rực lên. Hàng loạt chiếc đèn cao áp gắn quanh bè cũng soi xuống biển để dụ cá, dụ mực. Ở đây sâu khoảng 14 mét nước. Phía đầu dây câu là một chùm lưỡi rất bén, đính phía dưới mồi câu là một con tôm giả làm bằng cao su.
Người câu mực chỉ việc thả dây câu xuống gần sát đáy, chờ cho dây câu thẳng ra rồi giật mạnh lên. Tay nhắp liên tục như thế, khi thấy nặng hay khác thường là biết chùm lưỡi câu đã dính được vào râu một con mực đến để ăn mồi.
Chỉ chưa đầy nửa tiếng, anh Nam đã kéo lên từ biển hơn chục con mực nang óng ánh, con lớn nhất đến nửa ký. Lần đầu câu được mực, chúng tôi háo hức với tay tháo lưỡi câu ra khỏi râu mực đã bị mực xịt cho đen ngòm cả mặt.
Trong khi đó, mỗi khi kéo lên được một con mực từ lòng biển, anh Nam đưa luôn cần câu vào bếp, thả con mực vào nồi nước sôi đã bắc sẵn. Thịt mực giòn sực, ngọt lừ và ngon nhất là khi được "chế biến" một cách đơn giản như thế.
8 giờ đêm, cả vùng biển bên vách núi sáng rực đèn từ khắp các bè, thuyền câu. Có cả những chiếc thúng nhỏ chông chênh trên mặt biển, bên cạnh giàn đèn từ bình ắcquy để dụ cá là một "cần thủ" chăm chú nhắp cần liên tục để câu mực.
Nhưng ấn tượng hơn hết là những người đi vợt cá, vợt mực trên những chiếc xuồng máy có cần điều khiển phía trước mũi.
Balô đội trên đầu soi loang loáng xuống nước, một tay họ cầm vợt, một tay cầm cần điều khiển lướt ngoằn ngoèo như những con cá chuồn vút trên mặt biển.
Chúng tôi vừa thấy bóng hai con mực trồi lên gần mặt nước cách bè chừng mười mét, một chiếc xuồng từ xa đã lao vụt đến, chiếc vợt nhanh chóng thò xuống nước bắt được hai con mực gọn gàng ngay khi xuồng được điều khiển chuyển hướng đánh võng vòng ra để khỏi... đâm vào bè của chúng tôi.
"Đi xuồng vợt được mực như vậy mất nhiều thời gian tập lắm. Nhưng đa số con trai thôn này đều thành thục", anh Nam nói một cách tự hào về nơi anh sinh ra và lớn lên, thành một ngư dân 37 tuổi da rám nắng, lão luyện từ việc thả lưới đăng, câu mực, đi xuồng vợt... như bây giờ.
Sau khi ăn mực no nê, anh Nam còn thết đãi chúng tôi một tiết mục đặc biệt, là thả canô trôi tự do bồng bềnh ngắm trăng giữa lòng vịnh, bên dưới sườn đồi mà trên đó có những căn villa của một resort có giá lên đến cả trăm triệu đồng cho một ngày vào đó nghỉ dưỡng.
Khi chúng tôi quyết định lên bờ thì đã dần qua ngày mới. Phía ngoài cửa vịnh, biển vẫn sôi động những thuyền đăng lưới, bè, thúng thắp đèn sáng rực và cả những chiếc xuồng vợt cá, vợt lướt đi loang loáng trên mặt biển. Đó cũng là ngày mà danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy chính thức đón nhận danh hiệu di tích quốc gia từ Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.
Danh lam thắng cảnh vịnh Vĩnh Hy được công nhận là di tích quốc gia - Ảnh: SƠN LÂM
Đẩy mạnh mô hình du lịch giáo dục sinh thái
Anh Trần Văn Tiếp - giám đốc Vườn quốc gia Núi Chúa - đánh giá việc trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới và đưa danh lam thắng cảnh Vĩnh Hy vào di tích quốc gia là một cơ hội lớn để khẳng định vị trí quan trọng của tỉnh Ninh Thuận trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế.
"Vườn sẽ tập trung hơn nữa vào mục tiêu lấy phát triển du lịch sinh thái phục vụ cho công tác bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt là mô hình du lịch giáo dục sinh thái mà vườn đã tổ chức thành công trong vài năm gần đây", anh Tiếp chia sẻ.
Mô hình du lịch sinh thái mà anh Tiếp nói là những tour du lịch cảnh quan ngắn quanh Núi Chúa như tham quan Hang Rái, vịnh Vĩnh Hy, thôn Cầu Gãy, kỳ quan Đá Đỏ...
Ngoài việc được hướng dẫn các kiến thức về kỹ năng sống, biết cách phân biệt các hệ sinh thái khác nhau, biết từng loại đá, biết cây gì có thể chịu được hạn, những kiến thức đa dạng về rừng và biển ở Việt Nam, du khách còn được học cách chụp ảnh thực vật theo quy chuẩn để nghiên cứu khoa học...
"Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, vườn đã liên kết nhiều trường học tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh thông qua các tour du lịch giáo dục và đều được phản hồi rất tích cực, những bài thu hoạch của học sinh sau khi kết thúc mỗi khóa đều khá chất lượng. Ý thức cộng đồng về môi trường càng cao thì môi trường sẽ được bảo tồn bền vững hơn", anh Tiếp nói thêm.
Trong công cuộc phát triển du lịch sinh thái để phục vụ cho công tác bảo tồn bền vững, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa còn nhiều khó khăn như trình độ nhận thức cũng như thu nhập của cộng đồng còn hạn chế, ý thức nhiều du khách tham quan còn kém, trách nhiệm của các doanh nghiệp du lịch đối với công tác bảo tồn đa dạng tài nguyên thiên nhiên hầu như chưa có.
"Trước mắt là công tác tuần tra, bảo vệ trong vùng lõi Núi Chúa vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu lực lượng, công cụ hỗ trợ, các chế tài xử lý và cả nguồn lực tài chính. Sắp tới, Hạt kiểm lâm sẽ giao về Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận, mọi việc có thể sẽ còn khó khăn hơn khi vườn không còn công cụ trực tiếp để thực hiện công tác bảo vệ rừng" - anh Trần Văn Tiếp chia sẻ.
Nguồn: tuoitre.vn