Những huyền bí chưa có lời giải về cụm tháp Pô Klong Garai của người Chăm
theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận
Thời gian qua, tháp Pô Klong Garai nằm trên ngọn đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh (cách trung tâm TP. Phan Rang khoảng 7km về hướng Tây Bắc) là một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa khi đến du lịch tại tỉnh Ninh Thuận...
Tháp Pô Klong Garai, nơi hội tụ văn hóa của bà con người Chăm
Tháp Pô Klong Garai là tên gọi chung của một cụm tháp gồm ba đền tháp: tháp chính; tháp cổng và tháp lửa.
Các vị lớn tuổi người Chăm theo Bàlamôn trong Lễ hội Katê tại tháp Po Klong Garai. Ảnh: Núi Xanh
Một ngày trung tuần tháng 8/2022, theo chân đoàn du khách đến từ Hà Nội, chúng tôi lên tham quan tháp Pô Klong Garai. Đứng trên đỉnh đồi Trầu, chúng tôi và nhóm du khách nhìn thấy toàn cảnh TP. Phan Rang-Tháp Chàm và xa hơn nữa là bờ biển Ninh Chử- Bình Sơn đẹp và thơ mộng…
Chị Nguyễn Thị Mai Khuê, du khách đến từ Hà Nội cho biết, chị đã từng đi nhiều tháp Chăm ở các tỉnh miền Trung nhưng chưa lần nào chị thấy lối kiến trúc, trang trí trên và bên ngoài tháp độc đáo như tháp Pô Klong Garai này.
"Điều tôi bất ngờ là không biết ngày xưa các nghệ nhân xây bằng chất liệu gì mà đến nay, đã hơn 800 năm rồi mà từng viên gạch vẫn nằm chồng lên nhau từ chân đến đỉnh tháp. Đặc biệt là những thanh đá đứng và nằm như khung cửa ở ra vào (giống như xà bê tông nhà ở hiện nay) họ làm bằng cách nào mà nét khắc chữ (chữ cổ của người Chăm) vẫn còn sắc nét đến thế…", chị Mai Khuê đặt dấu hỏi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thành Nhảy - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến nay rất có nhiều đoàn nghiên cứu khảo cổ về đây tìm hiểu nhưng vẫn chưa ai giải mã được cụm tháp xây dựng bằng chất liệu gì. Tương tự, những dòng chữ khắc trên các thanh đá cũng chưa lý giải được nội dung…
Cũng theo ông Thành Nhảy, hằng năm tại tháp diễn Pô Klong Garai diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm. Nhưng thu hút khách thập đến rất đông nhất là lễ hội Katê (Tết của người Chăm theo đạo Bàlamôn). Lễ hội Katê thường diễn ra vào ngày 30/6 - 10/7 theo lịch Chăm, tương ứng với khoảng thời gian vào tháng 9, 10 hoặc tháng 11 (Dương lịch).
Vào những ngày này, tại tháp diễn ra nhiều nghi lễ và biểu diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Chăm. Ngày đầu tiên ở trên các đền - tháp; ngày thứ hai ở ngôi nhà chung của làng; ngày thứ ba ở nhà cả sư; từ ngày thứ tư đến hết ngày 10/7 lịch Chăm, thường dành cho các hộ gia đình.
Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, thời điểm này là dịp cuối mùa Thu, mùa màng đã thu hoạch xong, là lúc nhàn rỗi, nghỉ ngơi để chuẩn bị bước vào vụ mùa tiếp theo. Vì vậy, bà con lên tháp Pô Klong Gia Rai để mừng lễ hội Katê…
"Trong tháng 7/2022 vừa qua có trên 18 nghìn lượt khách đến tham quan tháp Pô Klong Garai, còn tính từ đầu năm đến cuối tháng 7 này có khoảng 68 nghìn khách đến tham quan. Ở đây bán đủ các đồ lưu niệm đậm bản sắc văn hóa người Chăm như các mặt hàng dệt, gốm và những đặc sản của quê hương Ninh Thuận nên du khách rất thích…", ông Thành Nhảy cho biết.
Tháp cổ Pô Klong Garai thờ vị vua dẫn thủy nhập điền
Nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ đã xếp Pô Klong Garai vào nhóm tháp cổ như Mỹ Sơn E1 - Hòa Lai - Đồng Dương - Mỹ Sơn A1 - Bình Định bởi đây là nhóm đền- tháp có lối kiến trúc, nghệ thuật hoàn mỹ đạt đến đỉnh cao trong nền nghệ thuật, được xây dựng hoàn chỉnh, cuối cùng trong tổng thể các kiến trúc tháp Champa xưa.
Theo sử sách của bà con người Chăm, tháp Pô Klong Garai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII do vua Jaya Simhavarman III (vua Chế Mân) để thờ vị vua Champa Po Klong Garai (Jaya Simhavarman), người có nhiều công lao trong vùng Panduranga và giúp người Chăm trong việc dẫn thủy nhập điền, khai mương, đắp đập làm cho ruộng đồng tươi tốt…
Theo các nhà nghiên cứu, khảo cổ, tháp Pô Klong Garai được xây dựng bằng kỹ thuật độc đáo, huyền bí nên đến nay đã hơn 800 năm, tháp vẫn năm tồn tại với thời gian, tương đối nguyên vẹn như xưa.
Theo Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, cụm tháp Pô Klong Garai có 3 tháp gồm tháp chính (KaLan), tháp cổng (Gopura) và tháp lửa.
Tháp chính cao trên 20m, bình đồ mặt bằng hình vuông, kích thước 10,5 x 10,5 m. Đế tháp là một khối hộp xây gạch, hình dáng như một bệ thờ, thắt ở khoảng giữa. Dưới chân cột có các khối ốp trang trí hình trụ thon, phía trên đỡ khối xây hình mũi lao nhọn, áp vào chân cột. Cột cửa ngoài cùng bằng chất liệu đá khối ghép lại thành khung cửa, với chân và đầu mũ cột vuông, mặt đứng cột khắc chữ Chăm cổ.
Cửa ra vào quay về hướng Đông, bên trên cửa có phù điêu thần Siva có 6 tay đang uyển chuyển với những điệu múa thần bí. Ba cửa còn lại theo ba hướng Nam, Bắc, Tây là cửa giả có trụ ốp gạch lồi, lõm vào trong. Trên mỗi cửa giả có một tượng thần tư thế thiền. Trong lòng tháp chính hiện còn nguyên vẹn bệ thờ Yoni - Linga, trên Linga còn thể hiện MuKhaLinga, hình ảnh vị vua được thờ.
Theo ông Thành Nhảy- Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, theo quan niệm của bà con người Chăm, hướng Đông là hướng sống, sinh tồn là hướng thần linh. Vì vậy tất cả đền tháp khi xây dựng đều quay về hướng Đông và tháp Pô Klong Garai cũng vậy.
Thấp hơn với tháp chính là tháp lửa, tháp có mặt bằng hình chữ nhật, dài 8m, rộng 4m, cao gần 10m. Tháp có 3 cửa thông nhau 3 hướng Đông, Bắc và Nam, riêng phía Nam là cửa sổ. Chức năng của tháp này là để các vị tu sĩ, các vị thầy bày các vật tế lễ và giữ ngọn lửa tế nên gọi là tháp lửa. Tháp lửa được xây dựng phía trước tháp thờ chính, nằm về phía Đông – Nam.
Trước tháp chính là tháp cổng, cao hơn 5m. Tháp cổng là cổng ra vào hành lễ, cúng tế và tiếp đón khách của vua khi xưa.
Trải qua hơn 800 năm mưa nắng, tháp Pô Klong Garai vẫn đứng uy nghi trước vạn vật thay đổi. Du khách đến đây ai cũng khen đây là một cụm đền tháp có lối kiến trúc, độc đáo đầy huyền bí mà đến nay chưa lời giải mã...
Năm 1979, Bộ Văn hóa Thông tin ( giờ là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng đền tháp Po Klong Garai là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia. Đến cuối năm 2016 thì đền tháp Po KLong Garai đã trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt. Tháp nằm trên đỉnh đồi Trầu, có độ cao tầm 25m so với mặt nước biển.
Nguồn: danviet.vn