Đi tìm Giấc mơ Chapi

06/09/2022 1806 0

 

Đi tìm Giấc mơ Chapi

Nghe bài hát Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến và câu chuyện ông kể khi sáng tác ca khúc này, tôi không hình dung được đây lại là vùng đất khắc nghiệt đến thế nhưng cũng trù phú và hấp dẫn đến thế…

Trải nghiệm chèo bè mảng trên suối ở Phước Bình

Về miền của những giấc mơ

Khắp thôn Hành Rạc 2 (xã Phước Bình, Bác Ái, Ninh Thuận) đều mướt xanh những vườn trái cây trĩu quả, mỡ màng. Thứ cây được trồng nhiều nhất ở đây là điều. Những vườn điều tán xòe rộng, chi chít trái với thế cây lực lưỡng đẹp như một bức tranh.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh nhạc sĩ Trần Tiến khoác chiếc sơ mi vàng vừa phong trần, lãng tử, vừa cô đơn khi kể câu chuyện sáng tác Giấc mơ Chapi. Anh thủ thỉ, trong chuyến đi tìm một loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam để giới thiệu tại Pháp, anh lang thang suốt nửa ngày và đến một nơi thuộc vùng núi cao Ninh Thuận. Ở đó, anh bắt gặp một gia đình nhỏ có ba người dưới một mái nhà sàn. Âm thanh lạ tai của tiếng đàn mà người chủ nhà đang chơi khiến anh mê mẩn. Trần Tiến hỏi mua vì quá thích, chủ nhà trả lời làm nhạc sĩ lặng người đi vì ngạc nhiên và cảm động: “Anh thích thì tôi tặng. Bán làm gì? Ở đây lâu lắm rồi chúng tôi không dùng đến tiền”.

Người chủ nhà kể, từ khi đi lính về, lấy cô vợ người dân tộc, đã hơn chục năm nay họ không dùng đến tiền; rồi lại phấn khởi khoe với nhạc sĩ những đàn gà, đàn dê trong vườn; lúa ngô bạt ngàn ngoài ruộng… Nhà họ không có vật dụng gì bằng kim khí. Chính sự trong trẻo vô ngần ấy khiến Trần Tiến mơ về một giấc mơ được sống cuộc sống yên bình. Bài hát Giấc mơ Chapi tràn ngập những hình ảnh thân thương, đẹp đẽ đã khiến nhiều người, theo những giai điệu da diết ấy, tìm đến vùng đất của những giấc mơ.

Đến Hành Rạc 2, nơi có thể đã đem lại cảm hứng cho Trần Tiến sáng tác những giai điệu để đời, hoặc giống nơi nào đó trên đất Ninh Thuận mà nhạc sĩ đã tới, mới thấy đúng như những gì anh đã viết. Thôn Hành Rạc 2 giờ chắc đã khác nhiều so với gần 30 năm về trước, nhưng vẫn rất hoang sơ, lặng lẽ. Người dân hiền hòa, ít nói. Và điều đặc biệt, khắp vùng đồi núi mênh mông ấy, nơi có những đàn dê trắng nhởn nhơ trên đồi, nơi người dân không sống với mùa đông hay mùa nắng hoặc mùa mưa, mà họ chỉ sống với một mùa yêu suốt những tháng ngày.

Bên ánh lửa bập bùng của buổi tối đầy gió, ông Ka Tơr Quỳnh, nguyên Chủ tịch UBND xã Phước Bình, một già làng uy tín của Hành Rạc 2 kể với chúng tôi, ở đây, người dân Raglai dù nghèo đến mấy cũng có cây đàn Chapi làm bạn. Cũng có lẽ, từ khi có bài hát Giấc mơ Chapi của nhạc sĩ Trần Tiến và được cố NSND Y Moan hát lần đầu, cây đàn Chapi của dân tộc Raglai đã trở nên nổi tiếng. Nhiều người, trong bộn bề cuộc sống, vẫn cất công tìm về Ninh Thuận với ước muốn được một lần thưởng thức tiếng đàn Chapi, dạo chơi trên vùng rừng núi Phước Bình.

 Những ngôi nhà sàn nguyên vẹn kiến trúc cũ được sử dụng làm homestay cho khách du lịch tới lưu trú

Cuộc sống của chúng tôi thay đổi nhiều từ khi làm du lịch

Từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về Phước Bình (huyện Bác Ái) theo đường tỉnh 656 mất khoảng 65 km. Đây là một cung đường đẹp đến choáng ngợp, rất hợp để di chuyển bằng xe tự lái hoặc đi theo nhóm bạn, gia đình. Hai bên đường là bức tranh sơn thủy dài bất tận với rừng núi trập trùng, dải suối nước màu nguyệt bạch vắt ngang qua khe đá, róc rách ngày đêm như một bản nhạc không lời.

Ẩn mình giữa “chảo lửa” Ninh Thuận, Vườn quốc gia Phước Bình mang vẻ đẹp hoang sơ, trong lành và tươi mát với những dòng thác đầy thơ mộng bao quanh. Thời gian gần đây, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã đến khám phá Vườn quốc gia Phước Bình và vùng đất Bác Ái còn rất nguyên khôi này. Ở Bác Ái, khách du lịch sẽ có cơ hội tìm đến nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như thác Chapơr ở Phước Tân; suối Lạnh, hồ Sông Sắt ở Phước Đại…

Bác Ái là chiến khu xưa với những di tích lịch sử như: Bẫy đá Pinăng Tắc ở Phước Bình, chiến thắng đồn Tà Lú ở Phước Đại, hang 403, hang Huyện ủy, Trạm xá Tiền phương trên dãy núi Tà Năng... là điều kiện tốt hình thành du lịch hướng về cội nguồn. Đây cũng là địa bàn sinh sống, cư trú lâu đời của đồng bào Raglai, nơi có có các lễ hội truyền thống, đặc sắc phù hợp với loại hình du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, du lịch cộng đồng.

Hiện huyện miền núi Bác Ái đang triển khai đánh giá lại toàn bộ tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, trong đó tập trung vào loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp... Mô hình du lịch cộng đồng đã bắt đầu hình thành tại xã Phước Bình, thực hiện Đề án Phát triển du lịch cộng đồng xã Phước Bình giai đoạn 2019-2022, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Nhiều gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư trồng các vườn cây ăn trái lớn kết hợp với nhà sàn để làm du lịch. Mô hình này đang tạo được sự lan tỏa và phát triển mạnh. Trong 7 tháng đầu năm 2022, du khách đến Phước Bình đạt trên 5.000 lượt, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021, giúp người dân nâng cao thu nhập và tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

Nổi bật trong đó là thôn Hành Rạc 2, nơi có những vườn điều mấy chục năm tuổi, những ngôi nhà sàn còn nguyên vẹn kiến trúc cũ được sử dụng làm homestay cho khách du lịch tới lưu trú.

Già làng Ka Tơr Quỳnh chia sẻ, “tận dụng đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ quanh năm, tôi trồng hơn 2 ha bưởi da xanh, sầu riêng, chôm chôm và đầu tư xây dựng nhà sàn kết hợp làm du lịch cộng đồng. Trước đây gia đình tôi trồng cây ăn quả chủ yếu bán cho thương lái. Từ ngày tỉnh, huyện tuyên truyền, vận động bà con làm du lịch để phát triển kinh tế, tôi đã mạnh dạn thực hiện đầu tư ngay. Khách tham quan đến vườn trái cây của gia đình được trực tiếp hái và thưởng thức ngay tại vườn, ngoài ra nếu khách lưu trú tại nhà sàn của mình, họ sẽ được thưởng thức các sản vật của địa phương, nhờ đó giúp kinh tế gia đình tôi ngày càng phát triển đi lên. Bà con trong thôn thấy hiệu quả nên nhiều hộ đã làm theo. Có thể nói, cuộc sống của chúng tôi thay đổi rất nhiều từ khi làm du lịch”.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận cho biết, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng người dân trong vùng trước đây chưa biết cách làm du lịch, chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc làm du lịch nên còn e ngại. Từ khi có chủ trương của tỉnh, huyện và sự quan tâm của các Sở, ngành, bà con đã có sự thay đổi lớn trong nhận thức và hành động bằng việc kết hợp trồng cây ăn quả, làm nhà sàn cho khách du lịch tham quan và trải nghiệm để có thu nhập ổn định.

Nhận xét về Hành Rạc 2, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam chia sẻ: “Nơi đây có rất nhiều lợi thế để làm du lịch cộng đồng một cách bài bản. Hiện chúng tôi đang tập trung cùng UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở VHTTDL Ninh Thuận và chính quyền địa phương hỗ trợ bà con xây dựng nhà cửa, chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, các vườn cây ăn trái, tập huấn kỹ năng làm du lịch cộng đồng”.

Huyện Bác Ái cũng đang phối hợp chặt chẽ với Sở VHTTDL và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Phước Bình, kiến nghị UBND tỉnh cho mở rộng về quy mô, địa điểm để triển khai mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn toàn xã và kéo dài Chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại xã đến năm 2025. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại địa phương, tập huấn tại chỗ cho bà con biết cách làm du lịch cộng đồng, đồng thời hỗ trợ họ tham quan, học tập các mô hình du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh để góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, gắn với nâng cao thu nhập và giúp xã Phước Bình sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Nguồn: http: baovanhoa.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu